Gia đình có con nhỏ vắt chân lên cổ tìm ôsin sau Tết
Sau Tết, trong khi nhiều cơ quan quay trở lại với lịch làm việc thì các gia đình có con nhỏ lại đang “khóc dở mếu dở” vì người giúp việc nấn ná ở quê đến hết tháng Giêng. Một số gia đình kêu trời vì không tìm đâu được ôsin trong những ngày này. Còn ôsin trông trẻ không những thiếu mà đòi tăng giá ầm ầm khiến nhiều gia đình phải “lắc đầu ngán ngẩm”.
Vật vã tìm người giúp việc gia đình sau Tết
Theo ghi nhận của PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, trong các hội nhóm tìm người giúp việc trên nền tảng mạng xã hội Facebook, thực trạng khan hiếm người giúp việc đã bắt đầu xảy ra từ trước Tết đến giờ.
Anh Trần Thiên (Hoàng Mai, Hà Nội), bố của 2 bé sinh đôi 3 tuổi, liên tục đăng tải những bài viết tìm người giúp việc trong nhiều ngày từ trước Tết nhưng vẫn không tìm được người ưng ý.
Cụ thể bài viết của anh như sau: “Ra Tết gia đình em mong muốn tìm được một cô giúp việc dưới 60 tuổi. Nhà em thuê lâu dài nên ai thiện chí có thể làm Tết được trong năm nay em gửi các ngày làm Tết từ 28 cho đến hết ngày mùng 4 Tết là 600 nghìn đồng/ngày.
Công việc thì vì các cháu đã đi học, giúp việc sẽ ở nhà cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, chiều tối đón các cháu về cùng em chăm các cháu. Lương 7 triệu đồng/tháng, tháng được nghỉ một ngày có lương, thưởng lễ Tết, nếu làm tốt đến hết năm sẽ có lương tháng 13 cho các cô yên tâm gắn bó lâu dài”.
Dù anh đã nhấn mạnh công việc không quá vất vả, cũng như có rất nhiều thưởng Tết, lương cao hơn khi đi làm từ giáp Tết đến hết ngày mùng 4, nhưng giờ đã sắp hết Tết, nhà anh vẫn chưa thể tìm được người giúp việc.
Chị Phương Thảo ở chung cư Vinhomes Greenbay Mễ Trì cũng cùng chung cảnh ngộ với anh Thiên, mới mùng 3 Tết mà chị đã phải “vắt chân lên cổ” tìm người giúp việc đi làm ngay ngày mùng 5 Tết. Chị Thảo có 2 đứa con nhỏ, đứa lớn 4 tuổi, đứa bé mới 2 tháng tuổi.
“Mình cần tìm giúp việc ở lại, đi làm luôn mùng 5 Tết. Công việc chính là: Phụ giúp mẹ chăm bé nhỏ và công việc nhà (không cần nấu ăn, chỉ cần dọn dẹp đơn giản). Tối không cần ngủ với bé, có phòng riêng. Mức lương và chế độ: 8 triệu đồng - thưởng tháng lương thứ 13 nếu làm đủ năm - một tháng nghỉ một ngày (không nghỉ có thể lấy tiền)”, chị Thảo chia sẻ.
Theo đó, công việc chị Thảo yêu cầu chỉ là phụ giúp chị chăm em nhỏ và công việc nhà, không cần nấu ăn, chỉ cần dọn dẹp nhà cửa, rửa bát,... Ngoài ra, người giúp việc không cần trông bé buổi đêm, có phòng ngủ riêng để sinh hoạt. Nhưng đến giờ cũng đã mùng 5 Tết, chị vẫn hối hả đi tìm người.
Trăm nghìn lí do...
Chị Mộng Trúc (Cầu Giấy, Hà Nội), mẹ của bé trai 2 tuổi, chia sẻ với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, vì bé nhà chị còn đang đi học nên công việc chị yêu cầu người giúp việc chỉ là dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm và đón bé về cho ăn, tắm rửa.
Trước đó, nhà chị có giúp việc cũ làm trong khoảng thời gian 2 năm, nhưng trước Tết ôsin về quê và không nói gì. Chị đành phải hỏi thẳng người giúp việc là “Sau Tết bao giờ bác lên?” nếu không thì giúp việc nhà chị cứ im lặng không nói gì.
Bác giúp việc nhà chị đã hẹn mùng 7 sẽ lên nhưng mùng 5 Tết chị đã nhận được điện thoại của ôsin thông báo “nhà có việc” hoặc lấy lý do “chồng con không cho đi làm nữa” làm chị chưng hửng.
“Tôi đã gọi điện đến mấy trung tâm chuyên cung cấp người giúp việc đều không có, họ bảo ôsin ở quê chưa ra”, chị Trúc than thở.
Đỏ mắt tìm ôsin là cảnh mà nhiều gia đình trẻ ở Hà Nội đang phải đối mặt sau kỳ nghỉ Tết. Không những thiếu ôsin sau Tết mà tình trạng ôsin đòi tăng lương sau kỳ nghỉ Tết đã trở thành... "truyền thống".
Người giúp việc ở nhà chị Mai Anh (Minh Khai, Hà Nội) không “bỏ chủ” sau Tết, nhưng vừa “chân ướt chân ráo” từ quê lên đã đòi vợ chồng chị tăng lương thêm 1 triệu đồng/tháng với lý do “nhà nào cũng tăng như vậy” hay “lương ít hơn công sức bỏ ra”.
Bị “choáng” với đòi hỏi quá đáng của người giúp việc, chị Mai Anh đã hạ xuống mức 500 nghìn đồng. Sau một hồi đắn đo, ôsin đành chấp nhận với mức lương đã tăng là 7,5 triệu đồng/tháng. Chị chia sẻ, nếu không tăng thì sợ ôsin bỏ sang nhà khác, vì lẽ đó mà gia đình đành phải chấp nhận yêu cầu của họ. Thậm chí có nhà ôsin còn tuyên bố “tăng lương mới làm, không thì thôi”.
Trung tâm “khan” người
Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, anh Dương Dinh - nhà sáng lập của Giúp việc 88 cho biết, mỗi ngày, trung tâm tiếp nhận rất nhiều cuộc gọi nhờ tìm người giúp việc tại nhà, song chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu.
Anh chia sẻ, nguyên nhân một phần là do nhiều người giúp việc thấy gia đình khác trả lương cao hơn nên “nhảy” việc. Cùng với đó, một số người có xu hướng tìm việc khác mang tính ổn định lâu dài. Ngoài ra, một số người giúp việc không quay lại do khối lượng công việc ở nhà chủ cũ nhiều, áp lực lớn, không được đối đãi tử tế trong khi mức lương được trả khá thấp so với mặt bằng chung.
Trên thực tế, các trung tâm môi giới người giúp việc đầu năm thường khá khan hiếm người giúp việc, bởi miền Bắc tháng Giêng thường trùng với lịch gieo cấy vụ mùa, lễ hội, đa số người giúp việc tìm cách để được ở nhà lâu hơn.
“Thực trạng người giúp việc từ các miền quê nghỉ Tết xong rồi không quay trở lại làm do họ còn gặt hái hoặc muốn đi du xuân hết rằm tháng Giêng. Vì vậy, nhu cầu tìm người giúp việc của khách hàng rất sốt, mỗi ngày có hàng trăm khách hàng tìm đến dịch vụ này. Giá dịch vụ giúp việc dao động từ 7-8 triệu đồng/tháng tùy thuộc vào khối lượng công việc", anh Dinh thông tin.
Hơn nữa nhiều gia đình vào dịp Tết thưởng quá hậu hĩnh, nhiều người giúp việc thấy dư dả, lại biết nhiều gia đình cũng có nhu cầu, nhà này đuổi thì mình đi nhà khác khiến họ càng “đủng đỉnh”, đẩy gia chủ lâm vào thế khó.
Anh Dinh đánh giá, dù nhu cầu tìm người giúp việc của khách hàng năm nay lớn nhưng so với các năm trước lại giảm mạnh vì kinh tế của nhiều hộ gia đình khá khó khăn sau dịch Covid-19. Do đó họ chủ động tự làm mọi việc thay vì tốn tiền triệu thuê người giúp việc.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất