06:05 23/01/2023

3 mẹ Việt ở nước ngoài dạy con yêu ngày Tết quê hương

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Nguyễn Ngọc Anh

Đọc cho con nghe những cuốn truyện về ý nghĩa ngày Tết, cùng con chuẩn bị cơm cúng giao thừa… là cách các mẹ Việt dù xa quê nhưng luôn nhớ dạy con biết yêu quý, giữ gìn nét đẹp Tết cổ truyền Việt Nam.

Giúp con ngấm dần hình ảnh Tết qua sách, truyện

Tuy sống ở thành phố Yokohama (Nhật Bản) 14 năm nhưng mỗi khi đến gần Tết nguyên đán, chị Phan Phương Mai (38 tuổi) thường cho hai con gái đọc sách Tiếng Việt, các cuốn chủ đề về Tết trong suốt một, hai tháng trước đó để các con ngấm dần hình ảnh Tết Việt Nam. Bé lớn nhà chị là Mai An (học lớp 4), bé nhỏ Anna (5 tuổi). 

mẹ Việt ở Nhạ
Chị Mai cùng bạn bè tự tay chuẩn bị đồ, cùng các con trang trí đón Tết tại Nhật Bản (Ảnh: NVCC).
mẹ Việt ở Nhạ
Hình ảnh đón Tết ấm áp ở gia đình chị (Ảnh: NVCC).

Chia sẻ với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, chị Phương Mai cho biết: “Bé lớn nhà tôi biết đọc tiếng Việt khá tốt. 3 buổi mỗi tuần sau khi ăn cơm tối xong, hai mẹ con thường học tiếng Việt với nhau.

Giờ học Tiếng Việt vào khoảng thời gian một, hai tháng trước Tết, tôi đều cho An đọc các cuốn sách, truyện thiếu nhi chủ đề Tết, giải thích về ý nghĩa mâm ngũ quả, phong tục chúc Tết, mừng tuổi,...

Các cuốn sách này tôi hay đặt mua của một bạn chuyên bán sách thiếu nhi Việt Nam tại Nhật. Ở Việt Nam có sách gì là bạn đều chuyển sang được rất tiện”.

Chị Mai cho biết, hai con khá hứng thú tìm hiểu về ngày Tết Việt Nam, đặc biệt với phong tục nhận tiền mừng tuổi. Bé lớn thích ăn bánh chưng. Giờ nhìn các hình ảnh của Tết, các bé đều nhận ra vì đọc trong sách truyện nhiều.

Người mẹ hiện đang làm việc cho tổ chức phi lợi nhuận MPKEN tại Tokyo kể, trước Tết một vài ngày, bạn bè rủ nhau tới nhà chị hoặc đặt phòng qua Air BNB ở đâu đó để gói bánh chưng. Người lớn có dịp tâm sự, trẻ con cũng biết không khí và có dịp quây quần, chơi đùa cùng các bạn.

Ngoài ra, chị Phương Mai cũng hay đặt các món đồ trang trí nhà cửa vào dịp Tết Nguyên Đán. Ví dụ, năm ngoái có quạt đỏ trang trí Tết, gắn thư pháp. Hàng hoa gần nhà chị dịp Tết cũng bán hoa đào, lay ơn, chị đều mua về cắm.

mẹ Việt ở Nhạ
Bé An thích thú khi được tự tay gói những chiếc nem xinh xinh để thắp hương bàn thờ tổ tiên trong mâm cơm ngày Tết (Ảnh: NVCC).

Chị còn đặt cả giò chả, gà, măng, bánh chưng,… về để nấu mâm cỗ giao thừa, đặt lên bàn thờ thắp hương. Hai bé nhà chị Mai giờ cứ ngửi thấy mùi hương là biết sắp Tết. Sáng mùng một, cả nhà sẽ mừng tuổi nhau rồi đi lễ chùa gần đó. 

“Năm nào tới Tết nhà tôi cũng xin nghỉ phép vào sáng mùng một hoặc 30, nếu có thể để tiện gọi điện về chúc Tết ông bà, các bác, các cô chú. Tôi cũng dạy các bé thắp hương bàn thờ hôm giao thừa để trò chuyện với tổ tiên”, chị Mai chia sẻ.

“Trao quyền” để con chủ động tìm hiểu về văn hoá quê hương 

Với chị Ngô Hồng Giang (31 tuổi, sống tại Stockholm, Thuỵ Điển), cách tốt nhất để giữ gìn văn hoá là quảng bá, thay vì cố gắng nhồi nhét một cách máy móc.

mẹ Giang ở Thụy Điển
Chị Giang là người Hải Phòng nên ăn Tết kiểu miền Bắc. Trong ký ức của chị có bánh chưng, có bát miến gà là thấy Tết ấm no (Ảnh: NVCC).

Bé Mũi Tẹt nhà chị Giang hiện hơn 3 tuổi, đang ở trong độ tuổi lí lắc và tò mò khám phá, thích đặt câu hỏi. Khi cả nhà đang bàn chuyện Tết này về Việt Nam, bé hỏi mẹ: “Sao ở lớp Tẹt chẳng bạn nào biết Tết là gì mẹ ạ?". 

“Vậy Tẹt có muốn dạy cho các bạn hiểu về Tết không nào?", chị nói với con.

Chị kể với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, tất nhiên bạn Tẹt chẳng từ chối cơ hội được trao quyền chủ động, qua chức danh “Đại sứ Tẹt". Ngoài hỏi mẹ, cậu bé còn gọi điện hỏi ông bà ngoại, vì muốn biết rõ hơn về Tết để còn tự tin kể lại với các bạn. 

Ở Stockholm, nhà chị Giang thân thiết với một, hai gia đình miền Nam. Tết đến, các nhà góp ẩm thực, góp bản sắc của mỗi gia đình, mỗi địa phương vào trong đó. Bé Tẹt và cả nhà chị lại có cơ hội tiếp xúc và trân trọng những giá trị văn hoá vùng miền. 

Là gia đình đa văn hoá và đa ngôn ngữ vì có bố là người Nhật, mẹ người Việt, bé Tẹt nhà chị Giang được sinh ra và lớn lên ở Bắc Âu. Chị chia sẻ, ngôn ngữ của con đa dạng từ tiếng Việt, tiếng Nhật, tiếng Anh đến tiếng Thuỵ Điển.

Vợ chồng chị có một thống nhất chung trong việc nuôi dạy con thế này: “Ngôn ngữ và văn hoá là món quà trời ban, chứ không phải một gánh nặng phải học”. Vì vậy, trong 2 năm đầu đời của con, hai vợ chồng chị cố gắng tạo cho con nền tảng ngôn ngữ. Bạn Tẹt hiện tại không có trở ngại gì trong giao tiếp bằng tiếng Nhật, tiếng Việt và tiếng Thuỵ Điển.

“Không khí Tết nhà tôi khá đơn giản. Tôi không đặt nặng trang trí, hình thức nhưng hay mở album nhạc Tết. Vì là bài tủ nên chồng tôi dù là người Nhật, tiếng Việt bập bẹ cũng hoà giọng con hát vang nhà: “Tết Tết Tết Tết đến rồi”... Đối với tôi, đó là Tết”, người mẹ hiện đang làm kỹ sư phần mềm tại Thụy Điển kể. 

mẹ Giang ở Thụy Điển(3)
Với chị Giang, ý nghĩa của ngày Tết là đoàn viên, sum vầy. Vì vậy, gia đình chị luôn cố gắng cho con về Việt Nam đón Tết cùng đại gia đình.(Ảnh: NVCC).

Theo chị Giang, dạy con không quên ngày Tết cổ truyền quê hương thì ngôn ngữ đóng một vai trò quan trọng. Ngôn ngữ là cánh cửa đến với văn hoá nên nếu không biết, không hiểu tiếng mẹ đẻ thì khó có thể chạm tới, nói gì tới trân trọng và yêu quý văn hoá quê hương. Nhất là với những bạn nhỏ sống ở nước ngoài như con chị, gần ½  thời gian trong ngày của con là trong một môi trường, ngôn ngữ, văn hoá hoàn toàn khác.

Không những thế, khi có ngôn ngữ con có thể tự tin và yêu thích giao tiếp cùng gia đình, họ hàng. Bạn Tẹt hàng ngày đều gọi điện nói chuyện với ông bà ngoại và bày tỏ rất hào hứng được về ăn Tết với ông bà. 

“Bản sắc hay văn hoá không thể thấm, cảm, thấu được nếu một năm chỉ đem ra một lần vào dịp Tết. Nó là một quá trình vun đắp mỗi ngày, qua món trứng rán thịt con yêu thích, qua câu chuyện Sơn Tinh - Thuỷ Tinh con đọc”, chị Giang cho biết.  

Dạy con yêu ngày Tết tốt nhất là thông qua các trải nghiệm

Dù được sinh ra và lớn lên tại Trondheim (Na Uy) nhưng bé Ốc (7 tuổi) và Sò (3 tuổi) nhà chị Linh Phan (34 tuổi) đều rất thích tham gia vào các hoạt động mà bố mẹ tổ chức mỗi dịp Tết nguyên đán.

mẹ Việt ở Nauy
Chị Linh hiện là chuyên gia tư vấn phụ huynh quốc tế (Ảnh: NVCC).

Khi lớn hơn một chút, trong các câu chuyện, các bé đã hiểu Tết ở Việt Nam là gì, vì sao cần gói bánh chưng, áo dài, lì xì có nghĩa gì? Người mẹ cho biết, thông qua tivi, sách, các con có thể cảm nhận được không khí Tết và duy trì tốt sợi dây gắn kết với quê hương dù đã là người Na Uy. 

Ở thành phố chị Linh đang sinh sống, cộng đồng người Việt không quá đông. Phần lớn bạn bè của gia đình chị là người Na Uy hoặc đến từ các quốc gia châu Âu khác, chứ không phải là người Việt. Tuy nhiên, vào các dịp Tết nguyên đán, gia đình chị Linh vẫn duy trì đều đặn các hoạt động như tắm nước lá mùi, gói bánh chưng và tặng tiền lì xì đầu năm.

Là tác giả của một số đầu sách đã xuất bản tại Việt Nam như "Nuôi dạy con kiểu Bắc Âu", "Gỡ lỗi cha mẹ trong giao tiếp với con", "Tận hưởng hành trình nuôi con sữa mẹ", chị Linh luôn cố gắng duy trì ngôn ngữ mẹ đẻ cho hai con.

“Không khí Tết không giống như ở Việt Nam vì vợ chồng tôi vẫn phải đi làm và các con vẫn đi học bình thường. Nhưng trong ngày cuối năm, thường cả nhà sẽ nghỉ và chuẩn bị cỗ với các món cơ bản rồi gọi điện về Việt Nam để các con nói chuyện với ông bà về năm mới”, chị cho biết. 

Chị chia sẻ thêm, trường học và các giáo viên ở Na Uy cũng thường khuyến khích duy trì tiếng mẹ đẻ bởi đó là ngôn ngữ cội rễ của cảm xúc và có tác động rất lớn tới trẻ.

mẹ Việt ở Nauy Linh Phan
Chị Linh luôn cố gắng duy trì tiếng Việt với con (Ảnh: NVCC).

“Hai bé nhà tôi nói tiếng Việt rất tốt (bên cạnh ngôn ngữ chính là tiếng Na Uy/tiếng Anh), gần như không bị ‘khớp’ khi trò chuyện với người lớn hoặc anh chị em đồng tuổi ở Việt Nam. Bạn lớn đã có thể đọc được tiếng Việt (tự học, mẹ không dạy) và bắt đầu được phép chủ động tìm hiểu những chủ đề bạn mong muốn, trong đó có Việt Nam”, người mẹ kể.

Với chị Linh, trẻ em học tốt nhất qua trải nghiệm và sẽ ghi nhớ những trải nghiệm nên thay vì chỉ nói hoặc giảng giải, chị thường cho các con cùng làm, cùng tham gia vào các hoạt động hoặc cùng xem và tìm hiểu về những dịp lễ đặc biệt ở Việt Nam. Do có sự gắn kết khá tốt với họ hàng ở Việt Nam (dù chỉ thông qua gọi điện liên tục) nhưng các con của chị đều rất tò mò về quê hương và cũng rất tự hào vì mình là người Việt. 

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận