20:43 21/01/2023

Câu chuyện cảm động của mẹ đơn thân bù đắp tinh thần cho con trong dịp Tết

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Có vô vàn áp lực đối với một người mẹ đơn thân, nhưng chị Dịu đã biến những tổn thương thành sức mạnh vượt qua tất cả, mang ngày Tết yêu thương đến với con gái nhỏ của mình.

Gánh nặng cần sẻ chia

Nuôi con có đủ bố, mẹ đã biết bao nhọc nhằn, vậy mà không ít phụ nữ đã vượt qua khó khăn, cộng thêm những định kiến khắt khe của xã hội để chấp nhận làm mẹ đơn thân. Chân dung cuộc đời chị Nguyễn Thị Dịu (sinh năm 1998), quê ở Thái Thuỵ, Thái Bình là một phác họa khá đầy đủ những nỗi cực khổ của cuộc sống làm mẹ đơn thân. 

Bước chân vội vã đón tiếp phóng viên vào một ngày mùa đông, người phụ nữ với dáng người thấp bé, gầy guộc không giấu được sự khắc khổ trên khuôn mặt mình. Như một sự sắp đặt của số phận, chị đã một mình nuôi con tính đến nay cũng được một khoảng thời gian dài.

Chị gặp và quen chồng cũ từ hồi còn ngồi trên ghế giảng đường cấp ba đến khi lên đại học, thời gian yêu nhau chỉ vỏn vẹn trong 4 năm, quãng thời gian không quá dài nhưng đủ để chị tin tưởng người này sẽ là bờ vai vững chắc để mình dựa vào quãng đời còn lại. 

Nhưng cuộc sống đôi khi không phải lúc nào cũng màu hồng. Chị tâm sự, chồng chị vô tâm đến nỗi lấy lí do bận bịu công việc mà không ở bên khi chị đang mang thai 6,7 tháng và để chị ở một mình trên Hà Nội. Một mình chị lủi thủi lo toan mọi việc, ngay cả khi đi làm giấy khai sinh cho con.

Cuộc sống không có chồng gồng gánh bên cạnh, chị phải một mình bắt xe đi học từ Thái Bình lên Hà Nội từ 2 rưỡi sáng, chiều 3 giờ tan học lại phải vội vàng chạy ra bến xe để kịp giờ bắt xe chạy về Thái Bình cho con được uống sữa mẹ. Vì thương con còn bé nên chị luôn tự nhủ phải cố gắng đến khi con cứng cáp. 

Nhọc nhằn số phận
Những món đồ chơi bằng bông được chị đan hằng ngày và gửi đến công ty xuất khẩu Nhật (Ảnh: NVCC).

Bên cạnh việc đi học, chị còn làm cộng tác viên cho công ty xuất khẩu đồ chơi bằng len sang Nhật Bản. Hằng ngày, ngoài thời gian chăm con và đi học, cứ rảnh rỗi là chị đan len kiếm thêm thu nhập. 

Trung bình mỗi tuần chị móc được khoảng 20 con gấu bông, kiếm được khoảng 500 nghìn đồng. Số tiền này không nhiều nhưng cũng giúp đỡ chị phần nào chi phí xe cộ đi lại lên Hà Nội học. 

Vượt qua những định kiến

Mặc dù xã hội hiện nay đã cởi mở hơn rất nhiều về việc phụ nữ ly dị, tuy nhiên vẫn không tránh khỏi những lời ra tiếng vào, những lời đàm tiếu từ những người xung quanh, chỉ trỏ về việc chị nuôi con một mình. Đây cũng là một trong những áp lực mà chị cần phải thực sự mạnh mẽ mới có thể vượt qua.

Lúc bố chị mất, mọi người khi đi viếng đều đặt cho chị những câu hỏi vu vơ, tò mò như chồng chị đâu, làm nghề gì, bố ốm thì có chu cấp gì chưa, đã về viếng chưa,.. Chị rất áp lực vì những lời bàn tán, những ánh mắt thương cảm nhìn chị khi người đời thấy người phụ nữ nhỏ bé như chị phải gồng gánh nuôi con một mình. Hàng xóm thì bàn ra tán vào, cho rằng chị phải hư hỏng như thế nào mới bị chồng bỏ, mới phải tự nuôi con.

Không chỉ vậy, đôi khi áp lực của chị còn xuất phát từ chính người thân của mình. Nếu gia đình chị luôn thấu hiểu thì chị lại luôn bị cha mẹ chồng cũ, họ hàng gia đình nhà chồng chì chiết, cho rằng việc làm mẹ đơn thân của chị sẽ khiến chị thiếu nhiều kinh nghiệm giảng dạy con.

Dù cách dạy con luôn bị họ hàng nói ra, nói vào, nhưng chị vẫn luôn tin tưởng vào bản thân. Chị luôn tâm niệm không thể để số phận khiến bản thân gục ngã và luôn nhắc nhở con hãy tự đứng lên từ những khó khăn trong cuộc sống, học cách tìm ra hướng giải quyết vấn đề của riêng con.

IMG_4525
Chị Dịu luôn nhắc nhở con hãy tự đứng lên từ những khó khăn trong cuộc sống (Ảnh: NVCC).

Không để con bị thiệt thòi ngày Tết

Một gia đình đầy đủ và hoàn chỉnh cần có cha và mẹ, dù thiếu ai cũng trở thành một lỗ hổng lớn trong trái tim của con. 

Một trong những điều khiến chị căng thẳng hơn là khi ngày Tết càng đến gần, chị lo lắng vì sợ con sẽ thiệt thòi hơn các bạn đồng trang lứa, sợ con bị trêu chọc vì không có cha, sợ con cảm thấy tủi thân khi thấy gia đình bạn bè đủ đầy vàongày đoàn viên, sum họp.

Chị luôn cố gắng bù đắp để con không thấy thiệt thòi trong mọi việc. Vào những ngày sát Tết, chị luôn cố gắng sắp xếp thời gian để cùng con trò chuyện và chia sẻ mỗi ngày nhằm giúp bé nhận được hơi ấm đầy đủ từ mẹ, khiến con không phải tủi thân vì thiếu đi hình bóng người cha. 

Nhọc nhằn số phận của mẹ đơn thân trong ngày Tết 2
Chị luôn cố gắng bù đắp để con không bị thiệt thòi trong việc không có cuộc sống tốt như các bạn. (Ảnh: NVCC)

Ngoài việc bận rộn chuẩn bị sửa sang nhà cửa, mua sắm cho ngày Tết, chị luôn cố gắng dành nhiều thời gian cùng con đi dạo trong công viên, đưa con đi sở thú, cho con đi tô tượng dù với bạn bè xung quanh điều này quá đỗi bình thường.

Những ngày cận Tết, chị cũng dành khoảng thời gian cuối tuần để cùng con đi mua sắm những bộ quần áo đẹp để con có thể diện trong năm mới, những món đồ chơi mà trước đó chị chưa đủ điều kiện mua được thì chị cũng cố gắng mua cho con.

Có vô vàn những áp lực của bà mẹ đơn thân mà không phải ai cũng hiểu được, nhưng chị đã biến những tổn thương thành sức mạnh vượt qua tất cả. Bởi lúc này bên cạnh chị luôn có cô công chúa nhỏ đáng yêu.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận