13:06 01/11/2022

5 quy tắc vàng cha mẹ cần biết khi phê bình con trẻ

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hà Chi

Một huấn luyện viên đã học được cách chỉ trích các cầu thủ một cách tôn trọng và kết quả từng cầu thủ phát triển, đội bóng cũng phát triển. Đó là tác dụng của những lời phê bình đúng mực. Dưới đây là 5 quy tắc vàng để phê bình trẻ đúng cách.

Tiến sĩ tâm lý học trẻ em Haim Ginott nói: “Khi một người bị đuối nước, không phải là thời điểm thích hợp để dạy anh ta bơi hoặc chỉ trích màn trình diễn của anh ta” nhưng với tư cách là cha mẹ, các bậc phụ huynh cần giúp điều chỉnh hành vi của con mình. Dưới đây là 5 quy tắc vàng giúp cha mẹ phê bình trẻ đúng cách.

1. Cha mẹ đưa ra định hướng rõ ràng

Hãy hình dung thế này: Con trai của bạn đang đi loanh quanh và nó làm đổ một chai nước tràn vào máy tính xách tay. Cha mẹ sẽ có thể không kiềm chế cảm xúc mà to tiếng với trẻ: “Hãy nhìn những gì con đã làm! Tại sao con không ngừng nghịch ngợm?”.

Thay vào đó, cha mẹ có thể nói: “Được rồi, hãy lấy một chiếc khăn, nhanh chóng nhé”. Khi chỉ trích trẻ, trước tiên cha mẹ hãy xử lý vấn đề một cách bình tĩnh.

Sau đó giải quyết vấn đề bằng cách nói chuyện cùng con: “Con trai, cha/mẹ đã nói với con vài phút trước đó là đừng nghịch máy tính của cha/mẹ. Đây là lý do tại sao chúng ta cần vui chơi ở bên ngoài”.

2. Không nên “thương cho roi cho vọt”

Trong thời điểm nóng giận, hoặc khi cha mẹ vô cùng bực bội, phụ huynh có thể cảm thấy thôi thúc muốn sử dụng “đòn roi” với con. Cha mẹ cần kiểm soát những tình huống xảy ra và tránh các hình phạt lên thân thể trẻ.

Ví dụ, nếu bé đang chậm trễ, cha mẹ hãy chỉ dẫn rõ ràng: “Vui lòng lấy giày và bất cứ sách gì con cần. Bố/mẹ sẽ đợi con ở xe”.

5 quy tắc vàng cha mẹ cần biết trong khi phê bình con trẻ 1
Khi chỉ trích trẻ, trước tiên cha mẹ hãy xử lý vấn đề một cách bình tĩnh (Ảnh: AllProDad).

3. Tập trung ở câu chuyện hiện tại

Phụ huynh không nên nói câu chuyện đã qua như: "Làm sao cha/mẹ có thể tin tưởng con dọn phòng mà không cần cha/mẹ đứng ở cửa và trông chừng".

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng không nên đưa ra những tình huống ở tương lai với con trẻ: “Con biết điều gì sẽ xảy ra với con không? Con sẽ là người bạn cùng phòng lộn xộn nhất ở tập thể và sẽ không ai muốn sống cùng con”.

Tất nhiên, cha mẹ có thể thấy những tác động lâu dài nếu con cái không thay đổi, nhưng áp đặt nó vào trẻ không giúp chúng học được những cách tốt hơn.

4. Cùng nhau giải quyết vấn đề

Thay vì cha mẹ giải quyết vấn đề bằng những lời chỉ trích, hãy để con tham gia vào việc giải quyết vấn đề. Ví dụ: Cha mẹ có thể để lại cho con một mẩu giấy vào buổi sáng có nội dung: “Chúng ta có một vấn đề. Cha/mẹ không thích tranh cãi về thời gian sử dụng thiết bị. Vui lòng đưa ra các giải pháp được đề xuất của con để tránh điều này".

Sau hôm ấy, cha mẹ sẽ ngồi lại với con, bày tỏ những kỳ vọng của cha mẹ và những hậu quả liên quan đến việc con trẻ không tuân theo những gì cha mẹ mong đợi. Cha mẹ cũng cần đưa con cái tham gia giải quyết vấn đề và lắng nghe ý kiến ​​của con.

5. Tránh mỉa mai hoặc chế giễu con trẻ 

Tiến sĩ Ginott nói: “Không có chỗ cho những lời bình luận phiến diện trong các cuộc trò chuyện giữa cha mẹ và con cái. Sự mỉa mai gợi lên lòng căm thù và kích động phản công”.

Mục tiêu của cha mẹ phải là làm gương về cách giao tiếp với con cái trong khi vẫn kiểm soát được thái độ và lời nói. Phụ huynh có thể cứng rắn và ân cần trong lúc dạy dỗ con. Một huấn luyện viên đội bóng đã học được cách chỉ trích các cầu thủ của mình một cách tôn trọng, kết quả từng cầu thủ phát triển và đội bóng cũng phát triển. Đó là tác dụng mà những lời phê bình đúng mực có thể mang lại.

Theo AllProDad

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận