Bạc Liêu: Bé trai 13 tuổi bất ngờ bị đột quỵ não sau khi tắm
Bệnh nhi 13 tuổi bị đột quỵ cấp, nhồi máu não không rõ nguyên nhân, dẫn đến di chứng nặng nề, liệt nửa người, mất chức năng sinh hoạt.
Theo Thanh niên, ngày 6/8, các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu đã điều trị cho một bệnh nhi 13 tuổi bị đột quỵ cấp, nhồi máu não không rõ nguyên nhân, dẫn đến di chứng nặng nề, liệt nửa người, mất chức năng sinh hoạt.
Đó là bệnh nhi T.N.M.C. (13 tuổi, trú tại phường 5, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) nhập viện từ giữa tháng 6 với tình trạng yếu nửa người trái, đặc biệt bàn tay trái gần như mất hoàn toàn chức năng.
Trao đổi với Tuổi trẻ, người nhà bệnh nhân cho biết, hơn hai tháng trước đó, cháu C. hoàn toàn khỏe mạnh và sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên vào một buổi chiều, bất ngờ cháu C. thấy chóng mặt trong lúc đi tắm.
Gia đình lập tức đưa cháu đến bệnh viện ở TP Cần Thơ khám và điều trị. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị đột quỵ, nhồi máu não cấp không rõ nguyên nhân.
Sau điều trị bệnh nhân đã hết nguy hiểm đến tính mạng, nhưng không đi đứng được, vì vậy khi trở về quê nhà Bạc Liêu, gia đình tiếp tục đưa cháu đến Bệnh viện đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu để điều trị phục hồi chức năng.
Tại đây, cháu C. được chỉ định dùng laser châm, xoa bóp bấm huyệt kết hợp điện kích thích và siêu âm trị liệu nhằm tác động lên các huyệt vị và kích thích các nhóm cơ, nhằm phục hồi cơ lực. Trải qua ba liệu trình điều trị (6 tuần), cháu C. đã hồi phục khoảng 80% chức năng vận động, có thể nhẹ nhàng cầm nắm và đi lại.
Theo lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu, đột quỵ được cho là bệnh của người cao tuổi, tuy nhiên trong vài năm trở lại đây bệnh đang có xu hướng trẻ hóa ngày một gia tăng, đặc biệt trong đó có trẻ em ở độ tuổi 12-13.
Đối với trẻ ở độ tuổi này, phụ huynh cần thường xuyên quan tâm đến sức khỏe của trẻ, khi thấy trẻ xuất hiện những dấu hiệu bất thường như chóng mặt, đau đầu dữ dội, nôn ói, lơ mơ, không linh hoạt như thường ngày, co giật, yếu tay chân một bên… phải nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ chuyên khoa khám và điều trị kịp thời.
Phòng đột quỵ ở người trẻ tuổi
Theo Hội đột quỵ thế giới 2022, mỗi năm thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, trong đó hơn 16% xảy ra ở người trẻ 15-49 tuổi. Về con số tử vong, mỗi năm có tới 6,5 triệu ca với hơn 6% trong số đó là người người trẻ.
Trao đổi với Vnexpress, TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết nhiều người trẻ bị đột quỵ là do các yếu tố nguy cơ gần giống ở người trung niên và cao tuổi, nhất là mắc các bệnh lý nền sớm. Trong đó, điển hình là những bệnh như tăng huyết áp, tiểu đường, thừa cân, béo phì, bệnh tim mạch, cao cholesterol trong máu, dị dạng mạch máu, u não…
Bên cạnh đó, áp lực từ cuộc sống cùng với các thói quen thiếu khoa học như lười vận động, thiếu ngủ, mất ngủ, ăn nhiều chất béo bão hòa, đường, mỡ động vật, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá... cũng là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh nền dẫn đến đột quỵ ở người trẻ. Trên thực tế, nhiều người trẻ khi đi khám sức khỏe tổng quát, thực hiện các chỉ định chụp chiếu tầm soát đã phát hiện có nguy cơ đột quỵ.
Để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ, mỗi người cần ổn định cân nặng, vận động thường xuyên, tránh thức khuya, duy trì giấc ngủ khoa học, tránh rượu bia, thuốc lá... Nếu mắc các bệnh lý nền cần đi khám để được điều trị, kiểm soát bệnh ổn định. Hạn chế các yếu tố đi kèm có thể làm tăng nguy cơ xảy ra tai biến như tắm khuya lạnh, thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột, thức khuya.
Nếu không may bị đột quỵ, cấp cứu kịp thời trong giờ "vàng" rất quan trọng giúp tăng khả năng cứu sống và phục hồi. "Giờ vàng" trong cấp cứu đột quỵ là từ 3-4,5 giờ hoặc mở rộng lên 6-24 giờ đầu kể từ lúc khởi phát triệu chứng. Các biện pháp thường được áp dụng là dùng thuốc tiêu sợi huyết hoặc can thiệp mạch lấy huyết khối, khai thông mạch máu hoặc phẫu thuật với robot giúp lấy nhanh khối máu tụ trong não.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất