14:51 19/09/2022

Bóc lột tình dục trên mạng tác động tiêu cực và lâu dài đến trẻ

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lan Phạm

Bất cứ hành vi xâm hại, bạo lực nào đều ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Vấn đề xâm hại, bóc lột tình dục trên môi trường mạng còn ảnh hưởng nặng nề hơn bởi những hình ảnh riêng tư của trẻ khi đăng lên mạng sẽ được công khai, nhiều người biết đến.

z3702346103861_f7c1a91415896038d9211e029d7ec21b-104046
Bà Phan Thị Kim Liên (thứ 2 từ phải sang) tham gia tọa đàm về Người bình dị phi thường do World Vision Việt Nam tổ chức.

Bà Phan Thị Kim Liên (Quản lý Chương trình Bảo vệ Trẻ em, Tổ chức World Vision Việt Nam) đã có những chia sẻ với Vì trẻ em về vấn đề này.

PV: Thưa bà, xin bà cho biết nguy cơ và thực trạng bóc lột tình dục trẻ em trên không gian mạng hiện nay? 

Bà Phan Thị Kim Liên: Trong bối cảnh Internet và mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến, với gần 90% trẻ 12-17 sử dụng Internet hàng ngày, nguy cơ bạo lực xâm hại (BLXH) trên môi trường mạng nói chung và nguy cơ bóc lột tình dục trên môi trường mạng nói riêng đối với trẻ em ngày càng tăng cao.

Nghiên cứu “Ngăn chặn hành vi gây tổn hại - Bằng chứng về bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng” năm 2022 ước tính 1 năm có khoảng 94.000 trẻ em Việt Nam là đối tượng của xâm hại tinh dục trên môi trường mạng.

Báo cáo khảo sát đầu vào của Dự án “Phòng chống Xâm hại và Bóc lột Tình dục trên môi trường mạng” tại TP. Đà Nẵng từ năm 2019-2021 do World Vision Việt Nam thực hiện với gần 600 trẻ em tại Đà Nẵng cho thấy: 22% trẻ em được hỏi đã từng trải nghiệm những tình huống liên quan rủi ro xâm hại tình dục trên môi trường mạng như tương tác và gặp người lạ ngoài đời thực, nhắn tin liên quan tình dục.

PV: Theo bà, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Bà Phan Thị Kim Liên: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng có 3 vấn đề nổi bật, đó là trẻ em sử dụng Internet ngày càng nhiều nhưng hiểu biết về các rủi ro trên môi trường mạng và kỹ năng tự bảo vệ bản thân hạn chế. Báo cáo khảo sát đầu vào dự án “Phòng chống Xâm hại và Bóc lột Tình dục trên môi trường mạng” chỉ ra rằng, chỉ có 10,4% trẻ em có kiến thức về nguy cơ xâm hại bóc lột tình dục trên môi trường mạng. Trẻ em cần sự hỗ trợ của cha mẹ và thầy cô nhưng chỉ có dưới 10% cha mẹ và chưa đầy 30% giáo viên có kiến thức về vấn đề này.

Bên cạnh đó, các dịch vụ cung cấp thông tin và hỗ trợ cho trẻ và gia đình (tại cộng đồng hoặc dịch vụ trực tuyến) khi gặp tình huống xâm hại, bạo lực, đặc biệt là xâm hại trên môi trường mạng chưa sẵn có. Kiến thức và năng lực của cán bộ bảo vệ trẻ em, cộng tác viên, cán bộ công tác xã hội về xâm hại bạo lực trên môi trường mạng và hỗ trợ các ca này còn hạn chế.

Bị xâm hại, bóc lột tình dục trên môi trường mạng ảnh hưởng nặng nề đến trẻ.

Bị xâm hại, bóc lột tình dục trên môi trường mạng ảnh hưởng nặng nề đến trẻ.

Ngày 1/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 830 - “Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025” nhằm thúc đẩy các giải pháp tổng thể ở cấp quốc gia để giải quyết vấn đề BLXH trẻ em trên môi trường mạng. Tuy nhiên, việc phân bổ nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan, vai trò của các doanh nghiệp công nghệ thông tin, hợp tác quốc tế vẫn còn những khoảng trống và cần nỗ lực, ưu tiên hơn nữa để thực hiện hóa các giải pháp trong Chương trình này.

PV: Để phòng chống bóc lột tình dục trẻ em trên không gian mạng, cần có những giải pháp thiết thực như thế nào, thưa bà? Trong các giải pháp đó, điều gì là quan trọng nhất, tại sao?

Bà Phan Thị Kim Liên: Giải quyết vấn đề xâm hại, bạo lực trên môi trường mạng nói chung và bóc lột tình dục trên môi trường mạng nói riêng đòi hỏi giải pháp tổng thể từ góc độ luật pháp, chính sách, năng lực cơ quan thực thi và đơn vị cung cấp dịch vụ, các giải pháp công nghệ, hợp tác quốc tế, cũng như nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng của trẻ em, cha mẹ, giáo viên. Các kinh nghiệm thực hiện dự án và các nghiên cứu mà World Vision Việt Nam đã thực hiện cũng chỉ ra rằng, cần ưu tiên, tăng cường phân bổ nguồn lực ngân sách, con người, tăng cường sự phối hợp, công tác thanh kiểm tra và giám sát thực hiện các giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng theo quyết định 830.

Đối với việc kiểm soát và xử lý các rủi ro trên môi trường mạng, các giải pháp kỹ thuật công nghệ đóng vai trò rất quan trọng. Ví dụ: Cần tăng các phần mềm, ứng dụng an toàn ngay từ khâu thiết kế; thúc đẩy các sản phẩm phần mềm, ứng dụng, nội dung an toàn, lành mạnh; thiết lập cơ sở dữ liệu về Tư liệu xâm hại tình dục trẻ em (tiếng Anh: Child Sexual Abuse Material - CSAM) để phân tích thông tin nhằm ngăn ngừa đăng tải/ chia sẻ hình ảnh/ video xâm hại trẻ em thông qua trí tuệ nhân tạo; các giải pháp kỹ thuật để kết  nối, chia sẻ dữ liệu, thu thập và phân tích thông tin, giám sát việc chặn lọc, gỡ bỏ các nội dung xâm hại trẻ em.

Nhiều trường hợp XHBL trên môi trường mạng xảy ra xuyên biên giới, thủ phạm đến từ các nước khác hoặc các hệ thống quản lý dữ liệu nằm ở nước ngoài. Do vậy, cần tăng cường hợp tác quốc tế để có thể xử lý gỡ bỏ các Tư liệu về xâm hại tình dục trẻ em - CSAM, đồng thời để học tập kinh nghiệm quốc tế, chuyển giao công nghệ áp dụng trong bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Trân trọng cảm ơn bà!

Thủ đoạn của kẻ xâm hại trên môi trường mạng thường có 5 bước:

1 - Tiếp cận: Một ngày, bạn được một bạn trai nhắn tin bắt quen qua mạng. Nhìn ảnh, trông bạn ấy cũng điển trai, lịch sự, tử tế. Hai bạn hàng ngày nói chuyện và trở nên thân thiết hơn.

2 - Tạo sự tin cậy: Bạn ấy bắt đầu tỏ tình và gợi ý gửi những món quà thú vị cho bạn gái.

3 - Thông cảm: Bạn ấy cũng kể về hoàn cảnh đáng thương của mình. Khi mối quan hệ thân thiết hơn nữa, bạn ấy nói rằng những cặp đôi yêu thương nhau thì không giấu nhau điều gì, kể cả cơ thể của bạn.

4 - Thúc giục: Đòi bạn gửi ảnh/ video quay cơ thể của bạn để thể hiện tình cảm. Bạn rất ngại nhưng không muốn bạn trai hiểu mình không chân thành với bạn ấy, nên bạn bắt đầu gửi 1 ảnh rồi 2 ảnh.

5 - Tống tiền/ tống tình: Lúc này, gã bạn trai bắt đầu lộ nguyên hình: Gã uy hiếp đòi bạn gửi tiền, hoặc gửi thêm ảnh, video theo cách gã muốn, hoặc gặp trực tiếp để quan hệ tình dục, nếu không sẽ gửi các hình ảnh của bạn cho người thân.

(Theo tài liệu truyền thông của World Vision Việt Nam )

Theo Vì Trẻ em

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận