07:19 30/03/2024

Cha mẹ có biết cách kỷ luật tích cực với con trẻ?

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

“Kỷ luật tích cực trong thực hành làm cha mẹ hàng ngày" (PDEP) ra đời với nỗ lực giảm thiểu tất cả các hình thức trừng phạt về thể chất và tinh thần đối với trẻ tại gia đình.

Kỷ luật tích cực trong thực hành làm cha mẹ hàng ngày do Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam phối hợp với tổ chức Save the Children, Positive Discipline in Everyday Life triển khai tại Việt Nam từ năm 2018.

Mạc Thị Thanh Tuyền - Quản lý dự án AVAC, Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam cho biết, ý tưởng hình thành Chương trình Kỷ luật tích cực (Positive Discipline in Everyday Life) thông qua cuộc nói chuyện của một tiến sĩ tên Joan Durrant và cộng sự tại đại học Manitoba (Canada). Ý tưởng ban đầu được hình thành để tuyên truyền về hình thức giáo dục trẻ em trong gia đình, không sử dụng bạo lực với trẻ. Họ đã cùng nhau xây dựng và phát triển chương trình ứng dụng hỗ trợ này thông qua cách tiếp cận là những lớp tập huấn của những giảng viên quốc gia. Những giảng viên này được đào tạo bởi giảng viên chính - các thành viên của nhóm phát triển chương trình. 

z5292608673060_a3ad8a5e4adcf84912ed7989f59b3709
“Với PDEP, chúng tôi nói không với trừng phạt. Chúng tôi tập trung giúp trẻ phát triển kỹ năng tự kiểm soát bản thân”, bà Mạc Thị Thanh Tuyền cho biết (Ảnh: Hương Giang).

Hiện nay, PDEP đã được thực hiện và phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong khu vực Châu Á có thể kể đến Việt Nam, Philippines, Nhật Bản, Indonesia, Mông Cổ... sao cho phù hợp với văn hoá của từng nước, của từng địa phương. Chương trình mang mục tiêu đem đến cho cha mẹ có thêm kiến thức, năng lực trong việc dưỡng dục con cái với tinh thần tôn trọng và yêu thương con lành mạnh, giảm bạo lực thể chất với con.

"Trừng phạt" khiến trẻ em trải nghiệm sự đau đớn về thể chất hoặc tinh thần, sự bất lực, lo âu và sợ hãi. Hình thức này dựa vào các kiểm soát bên ngoài để ép buộc trẻ tuân thủ. Trong khi đó, Kỷ luật tích cực theo quan điểm của PDEP là cung cấp cho trẻ thông tin và kỹ năng cần thiết để học hỏi. Thông qua đó, trẻ dần nhập tâm các giá trị đạo đức, học cách giải quyết xung đột có tính xây dựng, trở thành người giải quyết vấn đề và hành động với sự đồng cảm với người khác.​

Theo bà Tuyền, sự khác biệt là với các chương trình tập huấn khác thì nhóm đối tượng là cha mẹ, con cái có nguy cơ. Còn với PDEP, đối tượng hướng tới là tất cả các cha mẹ - những người chăm sóc trẻ hoặc những người sẽ là cha mẹ trong tương lai. 

Các chương trình khác chủ yếu tập trung tăng sự tuân thủ của trẻ với những quy định mà cha mẹ đưa ra, còn với PDEP hướng tới việc giảm sự trừng phạt của cha mẹ với trẻ, hướng tới sự trao đổi về ngôn ngữ, thấu hiểu giữa cha mẹ và con cái để đạt được sự đồng thuận, cha mẹ và con cái có mối quan hệ lành mạnh, trong đó trẻ em được bảo vệ và được sống trong một gia đình có văn hoá và an toàn.

Theo đó, kỷ luật tích cực nghiên cứu về sự phát triển của trẻ ở các độ tuổi khác nhau. Bởi: “Trẻ em từ khi mới sinh đến độ tuổi vị thành niên có những giai đoạn phát triển khác nhau, đặc thù phát triển về thể chất và tinh thần khác nhau”. Từ đó, cha mẹ có thể hiểu được sự phát triển, tính cách của trẻ và có sự giáo dục phù hợp. Nếu cha mẹ hiểu và đảm bảo sự tôn trọng với trẻ em sẽ tạo điều kiện cho trẻ em được bảo vệ, phát triển.

“Hiện nay, ở nhiều gia đình, vẫn chưa có sự bình đẳng giữa cha mẹ và trẻ em. Trẻ em và người lớn là 2 thế hệ với lối suy nghĩ khác nhau, cách tiếp cận vấn đề cũng khác biệt. Do đó, chương trình được thiết kế nhằm thúc đẩy văn hoá giao tiếp, cha mẹ lắng nghe và trao đổi cởi mở với con, tạo ra sự ấm áp trong môi trường gia đình tại Việt Nam”, Đại diện tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam cho hay.

Theo bà Mạc Thị Thanh Tuyền, nhiều người hiểu nhầm rằng, kỷ luật tích cực là giáo dục không có sự trừng phạt và cho trẻ làm bất kỳ điều gì chúng muốn, không có quy định trong gia đình nhưng điều này không đúng. Vì PDEP không đưa ra các giải pháp giải quyết tức thời mà giúp phụ huynh đưa ra những định hướng lâu dài, cha mẹ sẽ xác định những mục tiêu lâu dài mà họ muốn hướng tới cùng con của mình. 

Bà lý giải, điều này giúp cha mẹ, giúp trẻ kiểm soát được cảm xúc, kiểm soát những cơn nóng giận và hướng tới mục tiêu giúp trẻ phát triển lành mạnh theo định hướng trước của cha mẹ.

Cha mẹ có thể đưa ra cách dạy trẻ một cách đúng đắn, trao đổi với con, phân tích giúp con hiểu ra các khía cạnh của vấn đề, từ đó con tự tin đưa ra quyết định cuối cùng. Sau khi vấn đề đều được 2 bên cùng giải quyết, trẻ và cha mẹ sẽ có sự thuận hoà hơn.

Ngoài ra, kỷ luật tích cực cũng giúp xây dựng kỹ năng và sự tự tin ở trẻ, không chỉ hướng dẫn cha mẹ mà còn dạy trẻ cách tôn trọng cảm xúc của mọi người xung quanh.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận