16:43 02/11/2022

Cha mẹ cơm bưng nước rót cho con 'cày game', bác sĩ chỉ lỗi tai hại khi nuông chiều trẻ

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lan Phạm

Nhiều bậc cha mẹ cho rằng mình đang nuôi dạy con theo kiểu 'cho con quyền tự chủ', yêu thương nuông chiều con vô điều kiện nhưng không hề biết chính mình đã đẩy con vào con đường phát triển lệch lạc.

Tại Viện Tâm lý lâm sàng MP, Hà Nội, các bác sĩ tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bất ổn tâm lý mà nguyên nhân phần lớn đều do sự nuông chiều của cha mẹ, ông bà.

Điển hình trong số đó là trường hợp cô bé năm nay 15 tuổi, được gia đình nuôi dưỡng như tiểu thư, hưởng các điều kiện sống sung sướng từ bé. Cô bé được ông bà, cha mẹ "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa" với tiêu chí luôn luôn là: "Tôn trọng nó và để cho nó học".

Nhưng cách đây khoảng 6 tháng, cô bé bắt đầu quậy phá, bỏ học, nghiện công nghệ và say mê hoạt hình anime. Trong nhà hễ có ai ngăn cản là cô bé mang quyền trẻ em ra đáp trả. Căng thẳng nhất là khi cô bé cãi hỗn lại với ông và đánh mẹ sưng mặt.

Cha mẹ bất lực nên đưa cô bé tới nhờ bác sĩ Nguyễn Hồng Bách tư vấn. Qua khai thác, bác sĩ Bách phát hiện cô bé không biết làm bất kì thứ gì, không biết một kĩ năng sống nào ngoài việc dựa dẫm vào cha mẹ, ông bà. Bác sĩ phải tiến hành trị liệu tâm lý và uốn nắn cho cô bé.

Bác sĩ Bách còn kể tới một trường hợp tương tự về cậu bé con nhà giàu, bố mẹ nhiều tuổi. Được cha mẹ cho đi học trường quốc tế và cung phụng vô điều kiện nên cậu bé này ngày càng bướng bỉnh, vô lối. Cách đây 1 tháng, cậu bé bỏ học rồi tuyên bố với bố mẹ: "Đó là quyền của con".

Sau khi bỏ học thì cậu bé này tập trung chơi game không cần biết đến giờ giấc. Chỉ cần đói, cậu gọi đồ ăn sẽ có người mang lên tận phòng rồi vừa ăn vừa "cày game". Thấy cháu phát triển khác thường như thế nhưng ông nội của cậu bé còn lo cháu chơi nhiều mệt mỏi nên tự tay mang khăn mát lên phòng cho cháu lau mặt cho tỉnh táo để chơi tiếp.

Trường hợp của một nữ sinh khác 17 tuổi cũng là ví dụ điển hình cho cách nuôi dạy sai lầm của cha mẹ. Cô bé này không cãi cha mẹ, học hành chăm chỉ nhưng kĩ năng sống thì bằng 0. Mọi cái đều do ông bà, cha mẹ sắp đặt, cô bé chỉ biết học và đòi hỏi những gì cô bé cho là tốt nhất cho mình như máy tính, điện thoại, quần áo, ăn uống, đi chơi.... Cách đây ít ngày, chỉ vì chuyện cha chưa kịp mua cho một thỏi son hàng hiệu mà cô bé sẵn sàng hất bát cơm trước mặt cha mẹ.

12
Ảnh minh họa

Bác sĩ Bách cho rằng, các trường hợp trên đều do cha mẹ nuông chiều con sai cách và khi những đứa trẻ “bật lại” thì họ mới sực tỉnh. Những đứa trẻ này khi trò chuyện với bác sĩ đều thể hiện chứng ái kỷ quá cao.

Nhiều người nói rằng khi họ có con thì yêu thương, nuông chiều con bao nhiêu cũng không đủ. Họ cứ nghĩ cho con vào trường học tốt nhất, cung cấp những dưỡng chất tốt nhất, xây dựng lô cốt an toàn nhất... là chắc chắn sẽ tạo nên anh tài, tuấn kiệt nhưng thực tế thì không phải vậy.

Theo bác sĩ Bách, khi cha mẹ nuông chiều thái quá, chấp nhận làm “nô lệ” cho con cái thì chính cha mẹ đã tạo ra một thế hệ trẻ ích kỷ, vô cảm và ăn bám cha mẹ.

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cũng cho rằng, nếu cha mẹ quá nuông chiều con thì đứa trẻ sẽ coi chúng là trung tâm của vũ trụ. Nhiều cha mẹ lại là người “tiêm nhiễm” cho con suy nghĩ lệch lạc về bản thân, tự cho mình có quyền được hưởng tất cả và cha mẹ là người phục tùng chúng.

Chuyên gia Đinh Đoàn cũng từng gặp nhiều câu chuyện trẻ được cưng chiều quá đà, chúng “thao túng tâm lý” được cả cha mẹ vì biết mình là điểm yếu của cha mẹ. Đứa trẻ được nuông chiều luôn bắt mọi người phục tùng mình, đôi khi chúng có tâm lý coi thường những người xung quanh, thậm chí cả cha mẹ. Trẻ trở thành người ái kỷ thay vì biết cảm thông, thấu cảm.

Theo ông Đinh Đoàn, những bậc cha mẹ có con như vậy cần xem lại cách giáo dục của mình đã đúng chưa. Trong gia đình cần giữ nguyên tắc tốt có thưởng, sai có phạt. Cha mẹ không nên bao che, che giấu tật xấu của con mà nên phân tích để chúng hiểu.

Ngoài ra, cha mẹ nên cho trẻ thật nhiều trải nghiệm để chúng có những cảm xúc thực tế của chính mình thay vì được bao bọc như châu báu và hưởng thụ sẵn mọi thứ.

Theo Infonet

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận