07:12 03/11/2022

Mẹ Việt ép con học thêm 14 ca mỗi tuần, trẻ ám ảnh nhưng 'sợ không dám nói'

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

14 ca học thêm mỗi tuần, từ tiếng Anh, Toán, Tiếng Việt cho đến các lớp học ngoại khoá như catwalk, mỹ thuật, đàn... khiến trẻ ám ảnh, muốn được đi chơi nhưng không dám xin mẹ vì "sợ mẹ buồn".

Bài viết này thuộc chuyên đề Học thêm

14 ca học thêm mỗi tuần, từ tiếng Anh, Toán, Tiếng Việt cho đến các lớp học ngoại khoá như catwalk, mỹ thuật, đàn... khiến trẻ ám ảnh, muốn được đi chơi nhưng không dám xin mẹ vì "sợ mẹ buồn".

Xem thêm

Gần đây, việc điều chỉnh giờ học của học sinh tại TPHCM đã dẫn đến một chủ đề được bàn tán sôi nổi giữa các phụ huynh xung quanh việc tại sao trẻ em dần có xu hướng thức khuya hơn trước. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau được các em nhỏ chia sẻ như: Thời gian giải trí quá đà, có quá nhiều bài tập về nhà, không chỉ bài tập trên lớp mà còn từ các trung tâm học thêm... 

Nguyên nhân do đâu?

Trao đổi với PV Tạp chí điện tử Trẻ em Việt Nam, em Phạm Hữu Nam - học sinh lớp 4 trường Tiểu học Nghĩa Tân (Hà Nội) chia sẻ: “Bình thường, em tan học vào lúc 17h. Có hôm học thêm những môn phụ như học đàn, học bóng rổ... thì khoảng 18h mới tan và bắt đầu về nhà. Cả ngày học ở trường, sau khi về nhà ăn xong lại lo hoàn thành bài tập về nhà tiếp nên tầm khoảng 23h30 em mới được đi ngủ”.

Theo lời chị Trần Kim Thu, phụ huynh em Nam cho biết: “Theo tôi, bậc tiểu học thì chương trình học lớp 4 là học nặng nhất nên cô giáo thường giao rất nhiều bài tập về nhà để các cháu làm, củng cố kiến thức.

Cháu về nhà tắm rửa, ăn uống xong thì 20h mới ngồi vào bàn học. Tôi để cho cháu học khoảng 2 - 3 tiếng rồi tầm 23h30 sẽ yêu cầu đi ngủ để hôm sau còn có thể dậy sớm đi học”.

Ngoài ra, chị cho biết thêm, trước đây, chương trình học không nặng như bây giờ nên mỗi tối tầm 21h là con chị sẽ hoàn thành bài. Sau khi học hành căng thẳng, chị sẽ cho cháu xem phim hoạt hình, đọc truyện 30 phút để giải trí trước khi đi ngủ.

Khi được hỏi về thói quen trước lúc ngủ, em Nguyễn Phạm Hoa - học sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cho hay: “Hằng ngày, khi đi học về em sẽ chợp mắt khoảng 30 phút để có thể hồi lại sức sau một ngày học hành gắng sức.

Vậy nên, em thường bắt đầu ngồi vào bàn học từ 21h. Tuỳ thuộc hôm đó có nhiều bài hay không thì em sẽ học xong vào khoảng 23h-0h. Sau đó, em sẽ xem các nền tảng giải trí như TikTok, Facebook khoảng một tiếng để thư giãn và đi ngủ lúc một giờ sáng”.

“Vì con tôi học lớp chuyên tiếng Anh nên tỉ lệ cạnh tranh để có thể ở lại lớp rất cao. Cháu thường xuyên phải tham gia các lớp học Ielts ở trung tâm sau giờ học trên trường. Về nhà, cháu phải dành thời gian để làm bài tập trên lớp cũng như ở lớp học thêm nên cháu thường ngủ muộn.

Tôi cũng thường xuyên nhắc nhở cháu phải đi ngủ sớm nhưng bài tập dồn ứ nên không cũng không biết làm cách nào”, phụ huynh em Hoa, anh Nguyễn Hùng Sơn tâm sự.

Học thêm
Ngoài giờ học, nhiều trẻ còn phải "chạy show" học thêm (Ảnh: Internet).

Giảm bài tập về nhà, giảm học thêm

Phần lớn trẻ em khi đến trường còn ngái ngủ, chỉ vì các em đã có một “ngày hôm qua” quá mệt mỏi, bài tập về nhà quá nhiều, sau đó còn "chạy show" học thêm ở các trung tâm...

Theo chia sẻ của một số phụ huynh (xin được giấu tên), vẫn còn có đâu đó nhiều thầy cô giao bài tập về nhà rất nhiều cho học trò, để học trò học môn mình tốt hơn, điểm bài kiểm tra cao hơn, hoặc có khi tạo áp lực để học trò phải đi học thêm tại nhà, trung tâm mình dạy.

Một vị phụ huynh khi được hỏi đã nhẩm tính, con chị có 14 ca học thêm mỗi tuần: Từ tiếng Anh, Toán, Tiếng Việt cho đến các lớp học ngoại khoá như catwalk, mỹ thuật, đàn... "Có những lớp, cô giáo trên trường mở ra, gợi ý, bạn nào cũng học, con mình không theo cũng dở. Học thì ấm vào thân chứ có áp lực đâu. Thời xưa mình muốn đi học đàn, bố mẹ còn chẳng có tiền cho học", chị này nói.

Nhưng khi hỏi bé N.T.N.A, con gái chị, bé tâm sự: "Con muốn mẹ cho con đi chơi vào cuối tuần. Con không thích học đàn, không thích đi catwalk, con chỉ thích học vẽ thôi". Trả lời câu hỏi, vì sao không tâm sự với mẹ, bé đáp: "Con sợ không dám nói. Con sợ mẹ buồn".

Với việc “chạy show” học thêm như thế, khối lượng bài tập về nhà như thế, còn đâu thời điểm nào để các em giải trí, nghỉ ngơi để nạp năng lượng cho ngày mai.

Một bậc phụ huynh trên mạng bức xúc: “Nhiều học sinh hiện nay, bậc tiểu học đã phải đi học thêm vì nhiều lý do, bản thân bị áp lực học hành nhiều, dẫn đến việc thức khuya cũng là chuyện dễ hiểu.

Do đó, nên cắt giảm bài tập về nhà, giảm tải các lớp học thêm vì các em còn nhỏ tuổi, nên sức khoẻ của các em rất quan trọng, nhiều trường hợp đi ngủ muộn và phải dậy sớm, áp lực học hành nhiều dẫn đến việc các em không tiếp thu được bài trong lớp, sa sút trí tuệ”.

Ngoài ra, ở những gia đình, bố mẹ ít để ý đến con cái, thì thời gian các con sử dụng điện thoại, máy tính để giải trí thiếu sự kiểm soát, sẽ dẫn đến việc thiếu ngủ do vui chơi quá đà. Không thiếu trường hợp các em học sinh đến lớp mà mắt mũi đỏ ké, gục lên gục xuống không thể học tập được, chỉ vì chơi game, xem phim hoặc lên mạng xã hội quá khuya, thậm chí có khi đến sáng. Bên cạnh sa sút trong việc học, còn ảnh hưởng vô cùng lớn đến sức khỏe, tinh thần của các em. 

Như vậy, trước mắt để giải quyết nỗi khổ ngái ngủ, hoặc chưa kịp ăn khi đến trường buổi sáng của học sinh, các bậc cha mẹ phải tạo cơ hội để cho các con ngủ sớm, ngủ đủ giấc. Khi đi ngủ sớm, thức dậy sớm vừa xây dựng một thói quen tốt để đảm bảo sức khỏe thể chất và trí óc. 

Để làm được điều này, phải là nỗ lực của nhà trường trong việc giảm tải bài tập về nhà cho học sinh, xóa bỏ những mặt tiêu cực trong việc dạy thêm. Ngoài ra, còn cần sự cộng tác tích cực của gia đình trong việc quản lý, rèn luyện thói quen tự giác, tự chủ của con em mình, quan tâm để ý đến thời lượng, nội dung khi cho những đứa trẻ sử dụng máy tính, điện thoại.

Có như vậy, mỗi buổi sáng tới trường mới không phải là gánh nặng, sự ám ảnh, lo sợ nào đó và sẽ luôn mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho trẻ em.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận