07:09 20/01/2025

Dạy trẻ quản lý tiền lì xì: Bài học từ lớp học đặc biệt

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Tiền lì xì đầu năm mang theo những lời chúc tốt đẹp về một năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc, bình an và may mắn. Theo nhiều nhà giáo, cha mẹ nên xem đây là cơ hội giúp con hiểu được giá trị của đồng tiền và giáo dục con biết cách quản lý tài chính, không chi tiêu lãng phí.

Bài viết này thuộc chuyên đề Cha mẹ có nên giữ tiền lì xì của con

Với chuyên đề "Cha mẹ có nên giữ tiền lì xì của con", Tạp chí Trẻ em Việt Nam hy vọng mang đến cho độc giả những góc nhìn nhân văn, đa chiều xung quanh câu chuyện lì xì ngày Tết.

Xem thêm

LTS: Mỗi dịp Tết đến, chủ đề cha mẹ có nên giữ tiền lì xì của con luôn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Một số cha mẹ cho rằng, việc giữ tiền có thể giúp đảm bảo an toàn tài sản, thậm chí được dùng chi tiêu cho các việc của cá nhân hoặc gia đình. Ở chiều ngược lại, cũng có nhiều cha mẹ lại nhấn mạnh tính quan trọng của việc khuyến khích tính tự lập, trách nhiệm tài chính cho trẻ và không giữ tiền lì xì của con.

Với mong muốn có thêm nhiều góc nhìn đa chiều, tìm ra các giải pháp phù hợp cho chủ đề gây nhiều tranh cãi những năm vừa qua, Tạp chí Trẻ em Việt Nam khởi đăng tuyến bài "Cha mẹ có nên giữ tiền lì xì của con?".

Trân trọng gửi tới quý độc giả!

Cha mẹ không nên sử dụng tiền lì xì của con vào việc riêng

Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, Nhà giáo Lê Thị An Bình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai cho rằng, việc phụ huynh muốn giữ tiền lì xì của con là hoàn toàn hợp lý và xuất phát từ nhiều nguyên nhân chính đáng. 

Thứ nhất, trẻ em ở độ tuổi còn nhỏ vẫn chưa có đủ nhận thức và kỹ năng để quản lý tài chính một cách hiệu quả. Thứ hai, cha mẹ thường lo lắng rằng nếu để con tự do sử dụng tiền mừng tuổi, trẻ có thể tiêu xài hoang phí vào những món đồ chơi vô bổ, quà vặt không lành mạnh, hoặc thậm chí là bị dụ dỗ vào những hoạt động không tốt. Do đó, việc cha mẹ giữ tiền cho con được xem là một biện pháp cần thiết để bảo vệ và định hướng cho con.

Theo Nhà giáo Lê Thị An Bình, việc xử lý tiền mừng tuổi cần được cha mẹ thực hiện một cách minh bạch và có tính giáo dục. Với số tiền mừng tuổi lớn, việc lập tài khoản hoặc sổ tiết kiệm cho con là một giải pháp tốt, vừa giúp con bảo quản tiền bạc, vừa dạy con về tiết kiệm. Đồng thời công khai thông tin này cho con biết và khuyến khích con tiếp tục tiết kiệm từ các khoản khác để chuẩn bị cho tương lai. Điều quan trọng là cha mẹ không nên sử dụng tiền của con cho mục đích riêng. Với số tiền nhỏ hơn, cha mẹ có thể định hướng con sử dụng vào những việc thiết thực như mua đồ dùng cá nhân, sách vở, hoặc tham gia hoạt động từ thiện để giáo dục con về lòng trắc ẩn. Việc nuôi heo đất cũng là một cách hay để rèn luyện thói quen tiết kiệm cho con. 

lì xì
Nhà giáo Lê Thị An Bình đặc biệt nhấn mạnh rằng cha mẹ tuyệt đối không nên chiếm giữ tiền mừng tuổi của con hoặc khuyến khích con xin thêm tiền lì xì từ người khác.

Theo cô giáo Bình, thông qua việc cho trẻ quản lý tiền mừng tuổi, trẻ sẽ có cơ hội rèn luyện nhiều kỹ năng quan trọng thông qua việc thực hành và trải nghiệm thực tế với tiền bạc. Trẻ sẽ học được cách mua bán, trao đổi đồ dùng, phân biệt các mệnh giá tiền và biết cách chi tiêu hợp lý cho những nhu cầu thiết yếu. Đây là những kỹ năng sống quan trọng giúp trẻ tự tin và chủ động hơn để bước vào cuộc sống.

“Việc giáo dục trẻ về tiết kiệm và chi tiêu hợp lý cần bắt đầu từ việc giúp trẻ nhận thức được giá trị của những đồ vật hàng ngày. Việc cho con cùng đi chợ, siêu thị, tham gia vào quá trình mua bán sẽ giúp con hiểu giá trị của đồng tiền và có thêm kinh nghiệm thực tế. Cha mẹ cũng có thể cho con quản lý một khoản tiền nhỏ và để con tự quyết định chi tiêu dưới sự giám sát của mình”, cô giáo Bình nhấn mạnh.

Dạy trẻ về giá trị của đồng tiền giúp trẻ nuôi dưỡng nhân cách

Chia sẻ trên Tạp chí Trẻ em Việt Nam, Nhà giáo Phạm Thị Ngọc, giáo viên môn Ngữ Văn tại Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng, trước đây, tiền mừng tuổi thường được xem là món quà tượng trưng, và cha mẹ quản lý thay con là điều hiển nhiên bởi phụ huynh lo ngại trẻ chưa đủ nhận thức để sử dụng tiền đúng cách hoặc bị lạm dụng bởi các yếu tố bên ngoài. Nhiều cha mẹ cho rằng việc quản lý tiền của con là cách bảo vệ và định hướng cho con thay vì để trẻ tự ý sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều gia đình coi đây là cơ hội để dạy trẻ kỹ năng tài chính, phụ huynh không chỉ giữ tiền mà còn hướng dẫn con cách sử dụng hợp lý, giúp trẻ hiểu giá trị của đồng tiền. 

Theo cô giáo Ngọc, việc dạy trẻ về giá trị của đồng tiền không chỉ giúp trẻ hiểu rõ mối liên hệ giữa lao động và thành quả mà còn nuôi dưỡng nhân cách. Trẻ sẽ học cách biết ơn, trân trọng công sức của người khác, đồng thời phát triển tư duy logic và kỹ năng quản lý cuộc sống. Đây là nền tảng để trẻ trở thành người tự lập, có trách nhiệm và biết sử dụng nguồn lực hiệu quả. Các con cũng tránh được một số thói quen phung phí hay bị sa vào các vấn đề như “nghiện mua sắm” trong tương lai. 

Tại lớp học của cô Ngọc, các học sinh cũng từng có cơ hội chia sẻ ý kiến cá nhân về vấn đề  “Phụ huynh nên hay không cho các con quản lý tiền tiêu vặt?”. Các em đã có những chia sẻ rất thẳng thắn về lợi ích của việc được bố mẹ cho tự quản lý một khoản tiền tiêu vặt cố định nhưng đồng thời cũng khẳng định rằng bố mẹ cần hướng dẫn các con cách quản lý và ra nguyên tắc cụ thể về việc cung cấp tiền tiêu vặt; tránh cho con em mình tự “xoay xở” và tiêu pha một cách phung phí số tiền đó.

“Mỗi kỳ ban phụ huynh sẽ hoạch định cho các học sinh một khoản tiền, các em sẽ cần lên kế hoạch chi tiêu phù hợp cho các hoạt động của lớp như trang trí, liên hoan, sự kiện,.. đủ trong một kỳ. Trước đó, cô giáo chủ nhiệm sẽ hướng dẫn thật kỹ từng hoạt động trong kỳ đầu tiên lớp 10, sau đó các kỳ tiếp theo các em sự tự mình quản lý”, cô Ngọc chia sẻ.

Cô giáo Ngọc nhấn mạnh rằng, trẻ học nhiều từ hành vi của cha mẹ, vì vậy cha mẹ cần làm gương và thể hiện cách sử dụng tiền có kế hoạch. Để hình thành thói quen tiết kiệm và chi tiêu hợp lý cho trẻ, mỗi phụ huynh nên giao cho cho trẻ một khoản tiền nhỏ, sau đó giúp trẻ lập kế hoạch chi tiêu cũng như tư vấn cho con để trẻ phân biệt được các khoản chi phù hợp và các khoản cho mang tính chất bộc phát nhất thời. 

Với tiền mừng tuổi, bố mẹ có thể giúp con bỏ vào ống heo để các em cảm nhận được niềm vui khi tích góp. Sau đó, phụ huynh hãy cùng con lên danh sách các việc muốn chi tiêu theo tháng/ năm để định hướng trẻ nhận thức được các khoản chi tiêu phù hợp. Khi trẻ lớn hơn, phụ huynh có thể để con tự lên kế hoạch, tự quản lý toàn bộ số tiền đó nhưng cũng không quên khuyến khích các con tự tiết kiệm một khoản để chuẩn bị cho một mục tiêu dài hơn. 

z6193176536828_caa08a994f
“Phụ huynh có thể dạy trẻ chia tiền mừng tuổi thành ba phần chính như tiết kiệm, chi tiêu, và cho đi. Ví dụ: 50% tiết kiệm, 40% chi tiêu cá nhân, 10% cho các hoạt động thiện nguyện”, cô giáo Ngọc gợi ý.

Cô Nguyễn Thị Hường - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Hua Nà, tỉnh Lai Châu có quan điểm rằng, tiền lì xì là biểu tượng của sự may mắn, sức khỏe, hạnh phúc và bình an được trao tặng cho trẻ em vào dịp đầu xuân năm mới. Trẻ con thường rất vui mừng khi nhận được món quà này. Vì vậy, thay vì thu lại tiền lì xì của con, cha mẹ nên cùng con thảo luận và thống nhất cách quản lý hoặc định hướng cho con về việc sử dụng số tiền đó theo những mong muốn và mục tiêu của con.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận