15:34 26/11/2022

Dạy trẻ vượt qua cơn giận dữ, hung hăng

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam An An

Hành vi hung hăng hay những cơn giận dữ ở trẻ nhỏ có thể là điển hình khi chúng vẫn đang học cách tự kiểm soát. Để giúp một đứa trẻ đang rơi vào tình trạng này, cha mẹ hãy bắt đầu bằng cách cố gắng hết sức để giữ bình tĩnh và có quan điểm nhất quán.

Tại sao trẻ tức giận?

Một đứa trẻ tức giận rất có thể chúng đang cảm thấy đau khổ. Bí quyết là tìm ra nguyên nhân trẻ tức giận là gì. Có thể đơn giản như việc con bạn mệt và đói, hoặc có thể phức tạp hơn. Một số lý do phổ biến khiến con bạn có thể tức giận:

- Thất vọng là một nguyên nhân phổ biến. Con bạn có thể chỉ muốn làm điều gì đó mà chúng không thể, hoặc không muốn làm điều gì đó mà bạn muốn chúng làm.

- Lo lắng có thể biểu hiện như sự tức giận và hung hăng. Nếu con bạn lo lắng và không được giúp đỡ để bày tỏ nỗi sợ hãi, chúng có thể gặp khó khăn trong việc đối phó khi chúng đau khổ.

- Các vấn đề sức khỏe có thể dẫn đến sự tức giận bao gồm chứng tăng động giảm chú ý, chứng tự kỷ và rối loạn xử lý cảm giác.

tuc-gian-iStock_54256108_wide
Ảnh: iStock

Mặc dù trẻ em nào cũng có lúc tức giận, nhưng có một số dấu hiệu cho thấy sự tức giận của trẻ là quá mức. Nói chuyện với bác sĩ nếu hành vi của trẻ:

  • Hung hăng bất thường liên tục trong một vài tuần
  • Có hành động gây nguy hiểm cho bản thân hoặc người khác
  • Gây rắc rối nghiêm trọng ở trường
  • Ảnh hưởng đến khả năng hòa đồng với những đứa trẻ khác
  • Gây mâu thuẫn với các thành viên trong nhà

Vì sao trẻ hung hăng?

Sự hung hăng xuất hiện thường xuyên trong quá trình phát triển của trẻ. Trẻ có thể khó chịu về điều gì đó, chẳng hạn bị mất đồ chơi hoặc bị giật tóc, sau đó bày tỏ cảm xúc hoặc phản kháng bằng những hành vi hung hăng. Lý do đơn giản là trẻ chưa có đủ nhận thức để chọn lọc hành vi phản ứng phù hợp.

Dù nguyên nhân gây ra sự hung hăng của trẻ là gì, cuối cùng chúng sẽ phát triển khả năng tự kiểm soát hơn. Trẻ sẽ học cách sử dụng lời nói thay vì nắm đấm và bàn chân để giải quyết vấn đề của mình. Điều quan trọng là dạy trẻ học được tính kiên nhẫn.

Làm gì nếu con bạn đánh người khác

Đầu tiên, đặt ra các quy tắc rõ ràng rằng đánh là hành vi không thể chấp nhận được. Nếu con bạn đánh một đứa trẻ khác, ngay lập tức hãy tách chúng ra và chăm sóc đứa trẻ kia trước khi nói với con bạn. Để dạy cho con bạn sự đồng cảm, hãy nói "Mẹ biết con đang tức giận, nhưng đừng đánh. Đánh con sẽ đau đấy”. Hoặc nói với con bạn rằng, đánh người khác là không ổn và đưa ra giải pháp thay thế như đánh vào gối hoặc xé giấy để trút cơn giận. 

Giải pháp hạn chế hành vi hung hăng của trẻ

Giúp trẻ kiểm soát hành vi: Cho dù bạn có tức giận đến đâu, hãy cố gắng đừng quát mắng hoặc nói với con bạn rằng chúng hư. Thay vào đó hãy khiến con bạn thay đổi hành vi, chỉ đơn giản là dạy chúng rằng sự gây hấn bằng lời nói và thể chất là cách chúng không nên làm khi tức giận. 

Phản hồi ngay lập tức: Khi thấy trẻ hung hăng, bạn cần phản hồi ngay lúc đó. Tránh để sự việc qua đi hoặc sau đó bạn mới nói, trẻ có thể quên những gì đã làm hoặc nghĩ việc mình làm không sai. Việc phản hồi ngay cũng giúp bạn thể hiện thái độ không đồng tình với hành vi của trẻ lúc đó.

Nói chuyện với trẻ: Ngay sau khi con bạn bình tĩnh lại, bạn nên cùng con thảo luận về những gì đã xảy ra. Hỏi xem nguyên nhân con tức giận là gì? Giải thích với con bạn rằng, đôi khi tức giận là điều hoàn toàn tự nhiên, nhưng việc xô đẩy, đánh, đá hoặc cắn là không được. Những lúc tức giận, con có thể giải tỏa bằng cách đá một quả bóng, đập tay vào gối, tìm một người lớn để hòa giải tranh chấp hoặc đơn giản là bày tỏ cảm xúc của mình với một người bạn: "Mình cảm thấy thực sự tức giận vì bạn đã lấy cuốn sách của mình".

Thưởng cho hành vi tốt: Thay vì dành thời gian chú ý đến những cảm xúc tiêu cực của trẻ, hãy cố gắng bắt chúng làm điều tốt – chẳng hạn như dạy trẻ chủ động xin chơi một lượt chơi trò chơi thay vì giật lấy máy tính bảng hoặc chủ động nhường xích đu cho một đứa trẻ khác đang đợi.

Nói với trẻ rằng bạn tự hào về trẻ như thế nào. Cho chúng thấy rằng khả năng tự kiểm soát và giải quyết tranh chấp mang lại nhiều sự vui vẻ hơn, đạt được kết quả tốt hơn so với việc xô đẩy hoặc đánh những đứa trẻ khác.

Đưa ra giải pháp thay thế: Việc bạn cần làm sau khi khuyên nhủ chính là đưa ra giải pháp. Hãy hướng dẫn trẻ mở rộng kỹ năng diễn đạt, cách giải tỏa lành mạnh để đối phó với cảm xúc tiêu cực. Chẳng hạn nếu trẻ tranh giành gấu bông, đồ chơi với bạn, bạn hãy gợi ý để cả hai đứa trẻ tham gia việc tự làm đồ chơi và gấu bông mới. Khi trẻ làm tốt, bạn đừng quên dành những lời khen để ghi nhận sự cố gắng của chúng.

Dạy trẻ về sự trách nhiệm. Nếu sự hung hăng của con bạn làm hư hỏng tài sản của ai đó hoặc làm bừa bộn, trẻ nên chủ động giúp sửa sai. Chẳng hạn, trẻ có thể dán lại một món đồ chơi bị hỏng hoặc dọn dẹp những chiếc bánh quy bị rơi hoặc những gì  mà chúng đã ném ra trong cơn tức giận. Đừng coi hành động này là một hình phạt, mà là một việc nên làm để sửa sai cho hành vi hung hăng của trẻ.

Theo Babycenter

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận