Đồng hành cùng con trên không gian số
Sự phát triển của các công nghệ hiện đại khiến môi trường mạng ngày càng trở nên phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ trực tiếp, gián tiếp cho những người tham gia, đặc biệt là trẻ em.
Theo báo cáo tổng quan nghiên cứu thực hiện bởi tổ chức ECPAT, INTERPOL và UNICEF năm 2022, tỷ lệ sử dụng Internet ở nhóm tuổi 12-13; 14-15 và 16-17 lần lượt là 82%; 93% và 97%; trong đó nhóm 12-17 tuổi sử dụng điện thoại di động vào mạng Internet chiếm 98%; 90% trẻ em trong độ tuổi từ 14-15 tuổi sử dụng Internet ít nhất 1 lần/ngày.
Thông tin độc hại trên môi trường mạng
Nhận diện một số thông tin độc hại trên môi trường mạng mà trẻ em có thể gặp phải khi tham gia sử dụng Internet, bao gồm:
- Thông tin thúc đẩy, tự gây thương tổn bản thân: Hội, nhóm rủ nhau tự tử; thực hiện thử thách, hành động tự gây thương tổn.
- Thông tin kinh dị, ám ảnh: Gây tổn thương tâm lý, tinh thần nghiêm trọng.
- Văn hóa phẩm đồi trụy, cổ súy bạo lực, tệ nạn: Thúc đẩy lối sống sai trái, buông thả, coi nhẹ đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật.
- Tin giả về các vấn đề chính trị, xã hội: Gây hoang mang, lệch lạc nhận thức, nảy sinh tư tưởng xấu.
Các thông tin này có thể gây tác hại nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ, từ nhận thức đến tâm lý, hành vi. Bên cạnh đó, việc phát tán, rò rỉ thông tin riêng tư, thông tin cá nhân của trẻ xuất phát từ các hành vi vi phạm về thu thập sử dụng thông tin cá nhân của trẻ em, như:
- Sơ hở từ cơ quan, tổ chức thu thập, lưu trữ dữ liệu: Lỗ hổng trong hệ thống cơ sở dữ liệu, quản lý con người, dẫn đến dữ liệu bị đánh cắp, khai thác trái phép.
- Hoạt động của trẻ em, cha mẹ trên mạng: Từ hoạt động thông tin trên mạng, vô tình tiết lộ các thông tin “nhạy cảm” về trẻ em, nguy cơ mất an toàn cá nhân.
- Sơ xuất trong tác nghiệp của cơ quan chuyên trách: Dẫn đến thông tin, hình ảnh cá nhân của trẻ em bị sử dụng không đúng quy định trong hoạt động truyền thông.
- Do sự thiếu hiểu biết của người dùng mạng: Thu thập, sử dụng, chia sẻ thông tin cá nhân của trẻ em lên mạng và chưa được sự đồng ý của cha mẹ.
Trẻ em khi tham gia môi trường mạng còn có thể bị phát tán hình ảnh xâm hại tình dục, bị làm nhục, miệt thị, hình ảnh chế - ghép nhạy cảm; sử dụng tiền hoặc dụ dỗ tình cảm để trẻ trình diễn khiêu dâm, thậm chí gặp gỡ và xâm hại tình dục.
Lừa đảo trẻ em trên mạng
Tại Việt Nam, trong năm 2023 đã khởi tố 1.500 vụ án vì tội lừa đảo trên không gian mạng, tổng số tiền người dân bị lừa đảo là 8.000-10.000 tỷ đồng. Quý 1 năm 2024, các cơ quan chức năng tiếp nhận hơn 4.100 phản ánh về trường hợp lừa đảo trực tuyến do người dùng Internet Việt Nam gửi đến. Các đối tượng lừa đảo trực tuyến có 2 mục tiêu chính là lừa đảo tài chính và lừa đảo trực tuyến khác. Tuy nhiên, các hình thức lừa đảo khác đó cũng là bước đệm để tiếp nối cho việc lên kịch bản thực hiện lừa đảo tài chính.
Theo số liệu thống kê tại Báo cáo Tình trạng lừa đảo tại Việt Nam năm 2023 do Liên minh chống Lừa đảo Toàn cầu (GASA) tổng hợp, trong số những nền tảng mạng xã hội, đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều nhất qua Facebook, sau đó là Gmail và Telegram. Trẻ em thường bị lừa đảo 2 hình thức:
Lừa đảo tình cảm: Kẻ lừa đảo tạo một mối quan hệ tình cảm giả với nạn nhân bằng cách sử dụng các chiêu trò như tán tỉnh, chia sẻ câu chuyện cảm động hoặc đưa ra lời hứa. Trong các vụ lừa đảo này, trẻ không chỉ bị lừa, cướp tiền mà nhiều trường hợp còn bị xâm hại. Nhiều trẻ, trải qua việc bị lừa đã bị sang chấn tâm lý, rối loạn tâm lý, mất niềm tin, sợ hãi người lớn... ảnh hưởng lâu dài cho tương lai các em.
Lừa đảo tài chính với 4 hình thức lừa đảo phổ biến mà trẻ thường gặp phải:
Lừa đảo tuyển dụng: Đối tượng xấu lừa đảo những người tìm việc “nhẹ dạ cả tin”, vẽ ra “một công việc như mơ”, lương cao để tiếp cận, gặp gỡ, khống chế và bán trẻ em cho các khu lao động bất hợp pháp tại nước ngoài.
Lừa đảo nhận quà, nhận tiền từ nước ngoài: Đối tượng thông báo muốn gửi tiền, quà từ nước ngoài về Việt Nam.
Lừa đảo thông báo trúng thưởng: Đối tượng thông báo trúng thưởng một phần quà có giá trị lớn.
Lừa đảo vật phẩm hấp dẫn trong game: Đối tượng phát tán, dẫn dụ trẻ em truy cập link chứa thông tin độc để nhận được vật phẩm quý, hiếm trong game.
Việc trẻ em tham gia môi trường mạng có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ, từ việc bị xâm hại thông tin cá nhân đến những tác động tiêu cực về tâm lý, nếu không được bảo vệ và hướng dẫn đúng cách. Nhận biết những nguy cơ tiềm ẩn trên môi trường mạng và giáo dục con cái cách phòng tránh là biện pháp quan trọng để bảo vệ trẻ khi sử dụng Internet, giúp các em phát triển một cách an toàn, tự tin trong thế giới số.
Một số kỹ năng bảo vệ trẻ em tham gia môi trường mạng
Để bảo vệ tốt hơn cho trẻ em khi tham gia không gian số, Đảng, Nhà nước quan tâm, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Việt Nam đã quan tâm xây dựng hành lang pháp lý về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng như: Luật Trẻ em, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật tiếp cận thông tin… Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 01/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025”…
Cùng với đó, Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng được thành lập năm 2021 với sự tham gia của 24 đơn vị bao gồm các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp… nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và kết quả thực thi các nhiệm vụ phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng góp phần nâng cao nhận thức xã hội và tạo lập một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em.
Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tổ chức khóa tập huấn về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cho các tổ chức làm về trẻ em, trong đó hướng dẫn các cha mẹ, người chăm sóc trẻ về các biện pháp bảo vệ trẻ em khi tham gia không gian số bao gồm:
Sử dụng các biện pháp bảo vệ các thiết bị có kết nối Internet: Sử dụng phần mềm có bản quyền; sử dụng phần mềm diệt virus; kích hoạt Firewwall (tường lửa) trên Windows; tắt tính năng chia sẻ file, folder hay máy in trên máy tính dùng hệ điều hành Windows; giới hạn thời gian sử dụng, nội dung sử dụng trên các thiết bị số.
Sử dụng mạng xã hội, website an toàn:
+ YouTube Kids: Nền tảng video an toàn dành riêng cho trẻ em. Giới hạn thời gian sử dụng YouTube. Tạo danh mục phát video trên YouTube. Kích hoạt chế độ lọc nội dung xấu trên YouTube.
+ Các ứng dụng video an toàn thay thế cho YouTube: Jellies, Nick jr, Kidoodle.TV
+ Facebook: Hạn chế sử dụng theo độ tuổi; dạy trẻ bảo vệ danh tính (ẩn thông tin cá nhân, cài đặt bảo mật tài khoản, cài đặt hạn chế kết bạn…).
+ TikTok: Bật tính năng ghép nối gia đình; kích hoạt quản lý thời gian sử dụng thiết bị trên TikTok; kích hoạt chế độ hạn chế; tắt tin nhắn trực tiếp trên TikTok.
Sử dụng các thiết bị, ứng dụng bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng trên thiết bị đầu cuối: SafeGate Family - SafeGate School; Mobile Guard For Kid; Bkav Safe Kids - Bkav Safe Kids Edu…
Trang bị kiến thức, kỹ năng để tham gia môi trường mạng cho trẻ em: Cung cấp thông tin cá nhân trên môi trường mạng, kỹ năng sử dụng, quản lý mật khẩu để đảm bảo an toàn, kỹ năng phát hiện và trình báo khi phát hiện các sự việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng không chỉ là trách nhiệm của các tổ chức hay cơ quan Nhà nước mà còn là nghĩa vụ của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng, để tạo ra một không gian an toàn và lành mạnh cho sự phát triển của trẻ em.
Các kênh để phán ánh, thông tin khi phát hiện các trường hợp xâm hại trẻ em trên môi trường mạng: Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (111); Cơ quan Công an các cấp hoặc hotline (113); Mạng lưới ứng cứu bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (hotline: 0963563571; email: bvte@vncert.vn).
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất