06:46 02/11/2022

Hành trình 9 năm bên con tăng động của mẹ ‘chưa bao giờ thấy khổ’

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Nguyễn Ngọc Anh

Khi bác sĩ kết luận con trai 2 tuổi có biểu hiện tăng động, chị Dương Vân (phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức, TPHCM) quyết định tạm dừng công việc, bắt đầu đồng hành cùng sự tiến bộ của con.

Kho sách khổng lồ mẹ đọc cùng con

Từ lúc sinh ra, bé Đăng Khoa (Zin) nhà chị Vân chân tay luôn đạp loạn xạ. Khi biết nói, con toàn nói lộn từ. Biết đi sớm nhưng bé hay ngã, nghịch ngợm liên hồi, gặp nhiều tình huống nguy hiểm tới sức khỏe... Từ thời điểm đó, người mẹ đã biết có gì đó khác thường.

Quyết định đưa con đi khám, khi bác sĩ kết luận con bị tăng động, chị Vân đã khóc rất nhiều. “Cảm giác tồi tệ, thương con. Không biết sau này khi lớn lên, con sẽ học hành, trưởng thành ra sao?”, chị Vân nhớ lại.

Trong một lần đánh con vì con nghịch phá, thấy con cứ ôm mẹ khóc mà không nói được lời xin lỗi mẹ, chị chỉ biết khóc cùng con.

Lần khác, chị đưa con đi sinh nhật bạn hàng xóm, con tới nơi chỉ ném quà vào xong rồi đi về, mà quên hết lời chúc chị đã dạy. Lúc đó, chị Vân nghĩ: “Nếu mình không giúp con thì con sẽ mãi mãi như thế này sao?”. Chị gạt nước mắt, “sực tỉnh”, quyết tâm phải làm gì đó để thay đổi cuộc đời con.

Bé Zin
Zin được mẹ cho đi trải nghiệm ở nhiều nơi (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Chị Vân chia sẻ: "Zin nhà tôi bị thế nên ngủ rất ít. Tôi phải lựa thời gian, lúc gần ngủ (tầm 21h), tôi bắt đầu đọc sách cho con. Những cuốn sách ban đầu là các truyện Bubu chăm học, Bubu dũng cảm, Bubu nhổ răng… rồi các sách Ehon của Nhật, truyện Thỏ và rùa…”.

Ban đầu, chị Vân kể Zin cứ thấy mẹ mang sách ra là khóc, không chịu nghe, chỉ thích nhảy từ giường lên tủ, từ tủ xuống sàn nhà. Khi thấy con gần buồn ngủ, chị lôi sách ra, hỏi những gì liên quan trong sách: “Ủa, Bubu đi nhổ răng giống Zin nè. Bubu khóc chứ Zin không thèm khóc…”. Cứ như vậy, chị Vân kiên trì cùng con tới một năm, và Zin đã chịu nằm ngoan nghe mẹ đọc sách.

“Đến năm thứ hai, tôi vẫn duy trì thói quen đọc sách cho con. 20h, Zin kêu mẹ làm nhanh lên còn đọc sách. Tới 5 tuổi, con đi học mầm non biết viết rồi”, chị Vân tâm sự. Giai đoạn này, chị đưa con đi nhà sách để con tự tìm và lựa chọn quyển sách mình yêu thích.

Năm Zin vào lớp 3, hai mẹ con cùng thống kê có tới 250 quyển sách đã đọc, với đủ thể loại: Thế giới khủng long, Mười vạn câu hỏi vì sao, Trạng Tý, Doraemon, các sách lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới, Toán tư duy, Địa lý…

hai mẹ con bé Zin
9 năm đồng hành cùng con đã đem lại “quả ngọt” (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Rèn con kỹ năng sống

Để con có thể lực tốt, chị Vân đã cho con tham gia nhiều môn thể thao: Bóng đá, xe đạp, patin, bơi, cờ vua, bida, cờ tướng… Hoạt động nào cũng có mẹ chơi cùng.

Bên cạnh đó, chị Vân còn tranh thủ dạy con óc quan sát trong cuộc sống thường ngày như lúc vào tòa nhà chỉ cho con thấy lối thoát hiểm, nếu cháy nổ con phải làm gì? Nếu lạc ở trung tâm thương mại con phải làm sao? Chị dạy con rửa bát, giặt quần áo, quét nhà, dạy con khóa cửa…

Chị Vân nhớ lần 4 tuổi, Zin bị lạc ở trung tâm thương mại lớn. Thoáng cái không thấy con đâu, chị hoảng lên đi tìm, rồi nhờ cả bảo vệ nhưng cũng không thấy con. Khi xác định đi trình báo công an, chị xuống nhà xe thì bất ngờ thấy con đứng ngay lối đi, mặt ráo hoảnh. Zin bảo bị lạc mẹ, nghĩ mẹ sẽ đi lối này nên chạy thẳng xuống đây.

Lần khác, Zin và bạn hàng xóm bị kẹt ở trong phòng không mở được cửa. Bạn khóc tru tréo, Zin bình tĩnh tìm cách mở cửa ngon lành, vì trước đó mẹ đã dạy rồi.

“Chung quy các bé bình thường dạy một thì bé tăng động phải dạy 100 lần. Quan trọng là kiên trì và đúng cách. Ví dụ, bé đi siêu thị ăn vạ, ba mẹ đừng tức giận đánh mắng. Thay vào đó, hãy bình tĩnh nói: “Con muốn khóc con cứ ở đây khóc, khóc xong rồi về nhé. Tôi cứ đi, chút xíu con sẽ theo mình về thôi”, chị cho biết.

Hãy tập sống để người khác không "kỳ thị" mình

Trong quá trình nuôi con tăng động, chị Vân không ít lần bị những người xung quanh tác động tiêu cực đến tâm lý. Một ánh nhìn “miệt thị”, một câu nói gây tổn thương cũng làm ba mẹ nản lòng.

Luôn vững tư tưởng “mình mới là người lo được cho con mình”, chị Vân thẳng thắn: “Con ngoan hay hư, tôi chịu trách nhiệm. Nếu không giúp được thì làm ơn im lặng”. Khi đã vững tin thần, không ai dám nói gì tổn thương tới mẹ con chị nữa.

“Tôi dành thời gian hết cho con con mới ổn được như hôm nay. Gần 9 năm qua, tôi rất ít khi sống ảo, tập trung lo cho con. Rảnh rỗi là tôi đưa con đi khắp nơi để con được giao lưu tiếp xúc nhiều hơn, rèn cho con kỹ năng giao tiếp.

Bây giờ, bé đã giao tiếp rất ổn, giàu vốn từ, câu từ chuẩn xác và trôi chảy. Ngoài ra, kỹ năng làm việc mẹ cũng rèn: Từ cầm cái kéo, bật bếp, nấu ăn, cắm cơm, mua thực phẩm đơn giản, mua thuốc tây,...”, chị Vân kể.

9 năm đồng hành cùng con vượt qua bao vui buồn để có thành quả ngày hôm nay, chị Vân muốn nhắn nhủ tới những ông bố, bà mẹ có con “đặc biệt”, hãy dành nhiều thời gian cho con, kiên nhẫn, luôn bên cạnh con, chắc chắn các con sẽ tiến bộ.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận