Lịch tiêm phòng cho trẻ từ 0 - 12 tháng tuổi
Việc tiêm chủng cho trẻ em từ 0-12 tháng tuổi đóng vai trò quan trọng, giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ khỏi nhiều loại bệnh nguy hiểm.
Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hải Hà - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, vắc xin được coi là một bước đột phá trong y tế dự phòng. Vắc xin giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ bằng cách ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng.
Lịch tiêm phòng đầy đủ cho trẻ từ 0 - 12 tháng tuổi:
1. Giai đoạn sơ sinh
Tiêm vắc xin phòng viêm gan B (mũi 1) trong vòng 24 giờ đầu sau sinh hoặc càng sớm càng tốt nếu con bị hoãn chưa tiêm được vắc xin trong vòng 24 giờ sau sinh.
Tiêm vắc xin phòng bệnh Lao trong vòng 30 ngày đầu sau sinh.
Thử sức cùng Trắc nghiệm: các chỉ số cần chú ý về sự phát triển thể chất của trẻ
Chiều cao, cân nặng của bé ở từng giai đoạn nên là bao nhiêu là bình thường, bao nhiêu là bất thường? Cùng ThS.BS Ma Văn Thấm điểm lại xem bạn đã nắm được các chỉ số phát triển thể chất của bé chưa nhé!
2. Giai đoạn 1 tháng tuổi
Tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan B (mũi 2) nếu mẹ có mang virus viêm gan B. Nếu mẹ không mang virus viêm gan B thì viêm gan B mũi 2 sẽ tiêm lúc 2 tháng tuổi trong vắc xin kết hợp 6 trong 1 hoặc 5 trong 1 có thành phần viêm gan B.
3. Giai đoạn 6 tuần đến 2 tháng tuổi
Uống vắc xin phòng tiêu chảy do Rotavirus (liều 1)
Tiêm vắc xin phòng viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa do phế cầu (mũi 1) lúc trẻ từ 6 tuần tuổi trở lên.
Tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan B (mũi 2) và phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt - viêm màng não mủ, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi do Haemophilus influenzea (mũi 1) lúc trẻ tròn 2 tháng tuổi. Có thể sử dụng vắc xin 6 trong 1 (Chương trình tiêm chủng dịch vụ) hoặc sử dụng vắc xin 5 trong 1 trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và uống thêm vắc xin phòng bại liệt liều 1.
4. Giai đoạn 3 tháng tuổi
Uống vắc xin phòng tiêu chảy do Rotavirus (liều 2)
Tiêm vắc xin phòng viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa do phế cầu (mũi 2)
Tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan B (mũi 3) và phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt - viêm màng não mủ, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi do Haemophilus influenzea (mũi 2). Có thể sử dụng vắc xin 6 trong 1 mũi 2 hoặc 5 trong 1 + uống vắc xin phòng bại liệt liều 2 (theo Chương trình tiêm chủng mở rộng).
5. Giai đoạn 4 tháng tuổi
Uống vắc xin phòng tiêu chảy do Rotavirus (liều 3 nếu sử dụng vắc xin Rotateq của Mỹ)
Tiêm vắc xin phòng viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa do phế cầu (mũi 3)
Tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan B (mũi 4) và phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt - viêm màng não mủ, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi do Haemophilus influenzea (mũi 3). Có thể sử dụng vắc xin 6 trong 1 mũi 3 hoặc 5 trong 1 + uống vắc xin phòng bại liệt liều 3 (theo Chương trình tiêm chủng mở rộng).
6. Giai đoạn 5 tháng tuổi:
Tiêm 1 liều vắc xin phòng bại liệt nếu 2-3-4 tháng tuổi sử dụng vắc xin 5 trong 1 và uống bại liệt của Chương trình tiêm chủng quốc gia tại phường/xã.
7. Giai đoạn 6 tháng tuổi:
Tiêm vắc xin phòng bệnh cúm (mũi 1). Mũi 2 tiêm sau mũi 1 một tháng, sau đó tiêm nhắc lại hàng năm.
Tiêm vắc xin phòng viêm màng não do não mô cầu B,C: tiêm 2 mũi cách nhau tối thiểu 6-8 tuần (thường là 2 tháng).
8. Giai đoạn 9 -12 tháng tuổi
Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi hoặc vắc xin phòng sởi - quai bị - rubella (MMR mũi 1). Nếu mũi 1 tiêm lúc 9 – dưới 12 tháng thì tiêm vắc xin phòng sởi – quai bị - rubella sau mũi sởi hoặc sởi – quai bị - rubella 6 tháng, nhắc lại MMR sau 4 năm. Khi có dịch sởi, vắc xin phòng sởi MVVAC có thể tiêm được cho trẻ từ 6 tháng tuổi.
Nếu không được tiêm vắc xin có thành phần kháng nguyên sởi trước 1 tuổi thì 12 tháng tiêm vắc xin phòng sởi-quai bị-rubella (MMR mũi 1), sau 6 tháng có thể tiêm tăng cường 1 mũi vắc xin phòng sởi MVVAC hoặc sởi – rubella (MR) và 4 năm sau nhắc MMR mũi 2.
Vắc xin phòng viêm não Nhật Bản (Imojev): có thể tiêm từ 9 tháng tuổi, tiêm 2 mũi cách nhau 1-2 năm. Có thể tiêm cùng ngày tiêm với vắc xin phòng sởi hoặc sởi – quai bị - rubella hoặc tiêm cách vắc xin này tối thiểu 1 tháng.
Tiêm chủng cho trẻ sai hoặc chậm lịch có sao không?
Việc tiêm phòng đúng lịch là quan trọng để đảm bảo hiệu quả tối đa của vắc xin và bảo vệ trẻ khỏi các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu trẻ phải hoãn tiêm vắc xin do một số lý do, có một số điều cần lưu ý:
Tiêm sớm hơn lịch hẹn: Trẻ không nên được tiêm phòng sớm hơn lịch hẹn được đề xuất. Việc này có thể làm giảm hiệu quả của vắc xin hoặc tạo ra tình trạng không mong muốn. Nếu có thay đổi lịch hẹn, hãy thông báo cho bác sĩ để có hướng dẫn cụ thể.
Tiêm trễ lịch hẹn: Nếu trẻ tiêm phòng trễ so với lịch hẹn, vẫn có thể tiếp tục lịch trình tiêm phòng bình thường. Một số vắc xin có thể được tiêm độc lập mà không ảnh hưởng đến việc tiêm các loại khác. Tuy nhiên, việc này cần được thảo luận và quyết định bởi bác sĩ.
Tiêm mũi nhắc lại: Trong trường hợp trẻ chậm tiêm mũi nhắc lại, việc tiêm phòng vẫn nên được thực hiện khi có thể. Mặc dù có thể có một số thay đổi trong lịch trình, nhưng vẫn có thể đảm bảo sự bảo vệ tối đa của vắc xin.
Điều quan trọng là thảo luận với bác sĩ để đảm bảo rằng lịch trình tiêm phòng được điều chỉnh một cách an toàn và hiệu quả nhất cho sức khỏe của trẻ. Bác sĩ có thể cung cấp thông tin chi tiết và hướng dẫn cụ thể về việc tiêm phòng cho trẻ dựa trên tình trạng sức khỏe và lịch sử tiêm phòng của trẻ.
Nhưng lưu ý sau khi trẻ tiêm
Phản ứng bình thường: Nếu trẻ có biểu hiện như sốt nhẹ hoặc vùng da quanh chỗ tiêm bị sưng đỏ, đây là phản ứng bình thường và không đáng lo ngại.
Sốt dưới 38 độ C: Trong trường hợp trẻ chỉ có sốt dưới 38 độ C, bạn nên đảm bảo trẻ mặc thoáng và có thể lau người cho trẻ bằng nước ấm.
Sốt từ 38-39 độ C: Nếu trẻ có sốt trong khoảng từ 38-39 độ C, có thể sử dụng thuốc hạ sốt phù hợp với độ tuổi của trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhân viên y tế.
Sốt trên 39 độ C: Trong trường hợp trẻ có sốt cao hơn 39 độ C, bố mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và điều trị.
Quan sát và theo dõi: Sau khi tiêm, quan sát trẻ trong khoảng thời gian quy định tại phòng tiêm. Điều này giúp phát hiện sớm mọi dấu hiệu phản ứng không mong muốn hoặc vấn đề sức khỏe. Nếu trẻ có bất kỳ triệu chứng nào lạ, hãy thông báo ngay cho bác sĩ hoặc điều dưỡng.
Một số phản ứng sau tiêm như đau nhức, sưng, đỏ ở vùng tiêm là bình thường. Tuy nhiên, nếu những biểu hiện này kéo dài hoặc trở nên nặng hơn, hãy thảo luận với bác sĩ.
Không nên rời khỏi bệnh viện/ngay từ phòng tiêm ngay sau khi tiêm: Tránh rời khỏi bệnh viện hoặc phòng tiêm ngay lập tức. Nếu có bất kỳ vấn đề gì xảy ra, bạn sẽ có thể nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ đội ngũ y tế.
Dùng thuốc hạ sốt (nếu cần): Nếu bác sĩ khuyến cáo, bạn có thể sử dụng thuốc hạ sốt được đề xuất để giảm triệu chứng sốt và đau sau khi tiêm.
Giữ ấm và giữ nước đủ: Đảm bảo trẻ được giữ ấm và uống nước đủ sau khi tiêm. Việc này giúp giảm nguy cơ phản ứng không mong muốn và làm tăng hiệu suất của vắc xin.
Theo dõi lịch trình tiêm phòng tiếp theo: Ghi lại ngày tiêm cuối cùng và lên lịch trình cho các mũi tiêm tiếp theo theo hướng dẫn của bác sĩ. Điều này giúp đảm bảo trẻ được bảo vệ đầy đủ khỏi các bệnh nhiễm trùng.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất