Nâng cao hiệu quả các nỗ lực bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ khuyết tật
Ngày 12/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo tổng kết Dự án “Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần và phân biệt đối xử với trẻ em, trong đó có trẻ khuyết tật" (AVAC). Ngoài việc tổng kết các hoạt động triển khai của dự án, sự kiện còn thu thập ý kiến đóng góp, mở ra các định hướng và phương án mới để thúc đẩy sự tham gia của trẻ em.
Dự án “Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần và phân biệt đối xử với trẻ em, trong đó có trẻ khuyết tật" do tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế - SCI tài trợ và được Bộ Nội Vụ phê duyệt. Hội Nghiên cứu Khoa học về Đông Nam Á của Việt Nam (SEARAV) là chủ Dự án, Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững (MSD) là đơn vị chủ trì thực hiện Dự án.
Mục tiêu của Dự án nhằm góp phần cùng Nhà nước và các bên thực hiện hiệu quả Quyền Trẻ em, đảm bảo Quyền Trẻ em được thực hiện đầy đủ như cam kết. Trong đó, mục tiêu trung hạn là trẻ em, đặc biệt là trẻ em khuyết tật được hỗ trợ bởi các tổ chức xã hội và các bên liên quan để thực hiện quyền tham gia một cách có ý nghĩa và được bảo vệ khỏi mọi hình thức bạo lực.
Tham dự Hội thảo có sự hiện diện của TS. Phạm Thanh Tịnh, Chủ tịch Hội Nghiên Cứu Khoa Học Về Đông Nam Á Việt Nam; Bà Trần Vân Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD); Ông Lương Thế Khanh - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (VACR); Bà Lê Thị Thùy Dương - Giám đốc chiến lược và chất lượng chương trình, Tổ chức Cứu trợ trẻ em (SC); cùng nhiều tổ chức xã hội về trẻ em trong nước.
Ngoài ra còn có sự tham gia của các thầy cô giáo từ các cơ sở giáo dục, bậc phụ huynh và các em học sinh trong khuôn khổ triển khai dự án AVAC.
Phát biểu khai mạc sự kiện, TS. Phạm Thanh Tịnh, Chủ tịch Hội Nghiên Cứu Khoa Học Về Đông Nam Á Việt Nam (SEARAV) cho biết, trong buổi làm việc để rà soát và đánh giá việc thực hiện dự án bởi Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Nội vụ tổ chức, dự án được đánh giá là đạt được kết quả tốt, góp phần mang lại những chuyển biến tích cực đối với trẻ em nói chung và trẻ em tự tập nói riêng.
Với mục tiêu chung là góp phần cùng Nhà nước và các bên liên quan ở tất cả các cấp thực hiện hiệu quả Quyền Trẻ em, đảm bảo các em, đặc biệt là trẻ khuyết tật thực hiện quyền tham gia một cách có ý nghĩa và được bảo vệ khỏi mọi hình thức bạo lực. Trong giai đoạn từ 2023 - 2024, MSD đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể:
Thứ nhất, nâng cao năng lực cho các cá nhân và trẻ em, bao gồm trẻ em khuyết tật, cha mẹ và hoặc người chăm sóc trẻ có kiến thức và kỹ năng về bảo vệ trẻ em và sự tham gia của trẻ em.
Thứ hai, nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội, chủ yếu là các tổ chức làm việc với lĩnh vực trẻ em, người khuyết tật để các tổ chức này có đầy đủ kiến thức, kỹ năng khi làm về quyền trẻ em, trọng tâm phải chọn phòng, chống trừng phạt thể chất và tinh thần có yếu tố trên mạng.
Thứ ba, Nhà nước và các bên liên quan đã có hỗ trợ, đóng góp, thúc đẩy sự tham gia của trẻ em và quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em khuyết tật.
“Hy vọng dự án được triển khai trong tương lai cùng với sự tham gia của các bên xây dựng môi trường an toàn thân thiện nơi trẻ em được bảo vệ và phát triển toàn diện”, TS. Phạm Thanh Tịnh nói.
Cũng tại Hội thảo, bà Trần Vân Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) - đại diện Ban Tổ chức có những chia sẻ về quá trình thực hiện dự án và một lần nữa nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc đảm bảo Quyền trẻ em và sự tham gia của trẻ.
Đối với MSD, dự án AVAC là một nguồn lực vô cùng là quý báu và kịp thời để góp phần thực hiện một trong những cái mục tiêu, sứ mệnh của tổ chức. Đó là xây dựng một cộng đồng, một môi trường mà tất cả mọi trẻ em đều có thể sống, học tập một cách an toàn, bình đẳng và thân thiện. Trong tương lai, bà mong muốn có thể nhân rộng, lan tỏa phương pháp tiếp cận này đến các tỉnh thành khác của Việt Nam.
“Việc lắng nghe tiếng nói của trẻ, đặc biệt là trẻ khuyết tật, không chỉ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bạo lực, phân biệt đối xử mà còn tạo cơ hội cho trẻ em được tham gia vào các quyết định liên quan đến cuộc sống của mình”, bà Trần Vân Anh nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Lê Thị Thùy Dương - Giám đốc chiến lược và chất lượng chương trình, Tổ chức Cứu trợ trẻ em (SC) cũng chia sẻ về những phương án và quá trình triển khai hoạt động của tổ chức nhằm đảm bảo việc thực thi Quyền trẻ em, đặc biệt là tại Việt Nam.
Sau 3 năm triển khai, dự án đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận: 85,5% trẻ em khuyết tật tham gia dự án đã tự tin chia sẻ ý kiến với người lớn; 45,3% cha mẹ/người chăm sóc đã áp dụng các kiến thức và kỹ năng về bảo vệ trẻ em, tăng 44,8% so với ban đầu; Tỷ lệ sử dụng các biện pháp trừng phạt thân thể và tinh thần đối với trẻ em đã giảm từ 40,8% xuống còn 11,9%.
Trong tương lai, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em cam kết sẽ tiếp tục đồng hành với các đối tác trong công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trong việc phòng, chống các nguy cơ xâm hại và đảm bảo sự phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần của trẻ em.
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, hai tọa đàm “Lắng nghe trẻ em để bảo vệ trẻ em” và “Chung tay phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần và phân biệt đối xử với trẻ em” được tổ chức với sự tham gia tích cực của đại diện các bên liên quan nhằm mang đến những nội dung thiết thực liên quan đến quan đến bảo vệ trẻ em, là tiền đề để các bên liên quan chung tay xây dựng môi trường an toàn, tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của trẻ, kiến tạo một xã hội bình đẳng, văn minh.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất