15:13 28/06/2024

Nhiều trẻ em ở Bắc Kạn uống sữa không nhãn mác, Viện Y học ứng dụng Việt Nam nói gì?

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lại Cường

Nhiều trẻ ở huyện Bạch Thông, Chợ Mới (tỉnh Bắc Kạn) được cho uống sữa không nhãn mác khiến phụ huynh lo lắng.

Phản ánh tới Tạp chí Trẻ em Việt Nam, một số độc giả tại huyện Bạch Thông, Chợ Mới (Bắc Kạn) lo lắng về việc con em họ được uống sữa từ “Chương trình phục hồi dinh dưỡng và tăng trưởng chiều cao cho trẻ suy dinh dưỡng thấp còi từ 2 - 5 tuổi", không có bất kỳ nhãn mác nào.

Theo cung cấp của độc giả, “Chương trình phục hồi dinh dưỡng và tăng trưởng chiều cao cho trẻ suy dinh dưỡng thấp còi từ 2 - 5 tuổi" do Viện Y học ứng dụng Việt Nam phối hợp với các đơn vị y tế, giáo viên trường mầm non tổ chức cân đo, đánh giá tình trạng dinh dưỡng trẻ em, xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng; phỏng vấn phụ huynh của 300 trẻ từ 2 - 5 tuổi suy dinh dưỡng thấp còi tại các trường mầm non Tân Tú, Quân Hà, Cẩm Giàng, Nguyên Phúc, (huyện Bạch Thông); các trường mầm non Thanh Thịnh, Quảng Chu, Cao Kỳ, Nông Hạ (huyện Chợ Mới).

tre_em_viet_nam
Ảnh: CDC Bắc Kạn

Để làm rõ thông tin liên quan đến những hộp sữa không nhãn mác, Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã có cuộc trao đổi với đại diện của Viện Y học ứng dụng Việt Nam.

Theo đó, Viện Y học ứng dụng Việt Nam triển khai chương trình “Phục hồi dinh dưỡng và tăng trưởng chiều cao cho trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi từ 2-5 tuổi” tại 8 trường mầm non trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn theo công văn số 05/CV- YHUD/2024 ngày 19 tháng 4 năm 2024.

Chương trình phối hợp với Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn, Hội Y Dược học tỉnh Bắc Kạn. Sở Y tế Bắc Kạn đã giao chương trình cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn, Trung tâm y tế huyện Chợ Mới và Trung tâm y tế huyện Bạch Thông phối hợp với Viện Y học ứng dụng Việt Nam cùng thực hiện (theo công văn sô 1220/SYT- NVYD của Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn ngày 25 tháng 4 năm 2024).

Chương trình dự kiến sẽ phát sữa cho trẻ 2-5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi theo học tại 8 trường mầm non nói trên (các phụ huynh có ký giấy đồng ý kèm theo) với số lượng sữa 2 hộp 180ml/ngày trong vòng 4 tháng, kể từ ngày 15-16/5. Như vậy, dự kiến thời gian kết thúc phát sữa là 15-16/9/2024.

Trả lời cho câu hỏi của Tạp chí Trẻ em Việt Nam về việc vì sao cho trẻ em uống sữa không nhãn mác? Sữa này do đơn vị nào cung cấp? Đơn vị nào chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm?

Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, sữa dùng trong chương trình do Công ty cổ phần Sữa Quốc Tế (IDP) cung cấp miễn phí và chịu trách nhiệm.

Phía IDP đã cung cấp các kết quả kiểm nghiệm sản phẩm thực hiện tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Tổng Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng) và thư xác nhận sản phẩm với số lô sản xuất và ngày sản xuất tương ứng được sản xuất đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm, theo Tiêu chuẩn cơ sở đã đăng ký Tự Công bố tại Cơ quan nhà nước, do Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế IDP ký ngày 13/5/2024.

Theo lý giải của Viện Y học ứng dụng Việt Nam, do đây là chương trình tiếp nối với nghiên cứu về “Suy dinh dưỡng thấp còi và gầy còm tại một số xã khu vực khó khăn và đề xuất một số giải pháp cải thiện” mà Viện Y học ứng dụng Việt Nam đã triển khai năm 2023 và không mang tính chất quảng bá/quảng cáo sản phẩm, do vậy, Hội đồng Viện và nhà sản xuất (Công ty IDP) đã thống nhất không sử dụng sản phẩm có nhãn mác như các sản phẩm đang lưu hành trên thị trường.

Thay vào đó, phía công ty IDP sẽ sản xuất riêng lô sản phẩm với nhãn trắng để phục vụ riêng cho chương trình (vẫn đảm bảo đầy đủ các giấy tờ kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm của lô sản xuất – như đã nêu ở trên).

Theo quy định, sản phẩm sữa cho trẻ em tại các đơn vị cần tuân thủ theo Thông tư 31/2019/TT- BYT quy định về các sản phẩm sữa tươi nào được sử dụng trong Chương trình Sữa học đường.

Tuy vậy, Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, Chương trình “Phục hồi dinh dưỡng và tăng trưởng chiều cao cho trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi từ 2-5 tuổi” là hoạt động can thiệp triển khai miễn phí của Viện Y học ứng dụng Việt Nam nhằm phục hồi dinh dưỡng cho trẻ em đã bị thấp còi. Không phải là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình Sữa học đường cho các bé có tình trạng dinh dưỡng bình thường, vì vậy không áp dụng thông tư 31/2019/TT-BYT.

Sản phẩm được dùng là các loại sữa có năng lượng cao phù hợp và các vi khoáng liên quan đến tăng trưởng chiều cao ở trẻ em.

Nói về kịch bản ứng phó đối với trẻ em uống sữa của đơn vị mà có phản ứng bất thường, Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho biết: Trẻ em tham gia uống sữa trong chương trình là hoàn toàn tự nguyện (có giấy ký xác nhận đồng ý tham gia chương trình do bố/mẹ/người giám hộ ký tên). Phụ huynh có thể ngừng cho trẻ tham gia chương trình bất cứ lúc nào, vì bất cứ lý do gì.

Một số phản ứng bất thường có thể xảy ra (hiếm gặp) khi trẻ sử dụng sữa: đau bụng, buồn nôn, táo bón, tiêu chảy, khó tiêu. Nguyên nhân của các phản ứng này chủ yếu là do trẻ chưa quen với việc sử dụng sữa trong những lần đầu sử dụng (loại trừ các nguyên nhân do không dung nạp lactose, dị ứng sữa bò – vì những trẻ mắc phải các tình trạng này đã được phổ biến, giải thích để không tham gia chương trình).

Theo Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, khi trẻ gặp phải các triệu chứng trên, kịch bản đưa ra bao gồm:

- Dừng việc cho trẻ uống sữa trong vòng 1-2 ngày và theo dõi các dấu hiệu.

- Nếu các dấu hiệu tiêu hóa thuyên giảm và tự khỏi (vì trẻ chưa quen uống sữa), có thể dần dần cho trẻ quay lại sử dụng sữa.

- Nếu các dấu hiệu không biến mất, phụ huynh có trách nhiệm báo lên y tế trường học (là cán bộ trực tiếp phụ trách chương trình tại các trường), ghi chép vào sổ theo dõi (theo mẫu đã phát) sau đó báo cho trạm y tế xã phối hợp theo dõi, điều trị nếu cần. Trung tâm Y tế 2 huyện và Trung tâm kiểm soát bệnh tật Bắc Kạn (CDC) có vai trò trong giám sát và hỗ trợ quá trình triển khai.

Tạp chí Trẻ em Việt Nam cũng đã đặt ra câu hỏi nếu có trường hợp trẻ bất thường, ảnh hưởng đến sức khỏe? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm đối với trường hợp bất thường xảy ra?

Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng: Trước hết, nếu có trẻ bất thường, cần xem xét, tìm hiểu kỹ nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng bất thường của trẻ. Do trẻ không chỉ uống mỗi sữa trong suốt cả ngày mà còn sử dụng thực phẩm và ăn các bữa ăn chính tại gia đình/nhà trường, do vậy bất cứ khâu nào cũng có thể là nguyên nhân gây ra các vấn đề bất thường ở trẻ (do bảo quản thực phẩm không đúng cách, chế biến thực phẩm không đúng cách, nguồn gốc xuất xứ thực phẩm không đảm bảo, do kết hợp sai các loại thực phẩm với nhau…).

Nếu sau khi tìm hiểu, xác định được nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng bất thường của trẻ là do sử dụng sữa, thì các đơn vị chịu trách nhiệm bao gồm nhà sản xuất đảm bảo về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm của sản phẩm theo quy định, Viện là đơn vị chủ trì triển khai đến các cơ quan y tế cấp tỉnh - đồng chủ trì và cấp y tế huyện, xã, nhà trường là các đơn vị phối hợp triển khai chương trình.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận