Phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình
Năm 2023, tuổi thọ trung bình (tính từ lúc sinh) của người Việt Nam năm 2023, là 73,8 tuổi; tỷ số lệ giới tính khi sinh cả năm 2023 ước cả năm là 113,2 bé trai/100 bé gái sinh ra sống
Tổng tỷ suất sinh tiếp tục giảm
Tại Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam (26/12), triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác này năm 2024 do Bộ Y tế tổ chức ngày 26/12, đại diện Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, theo số liệu ước tính, tổng tỷ suất sinh năm nay của Việt Nam là 1,95 con/phụ nữ, tiếp tục giảm so với năm 2022 (2,01 con/phụ nữ) và ở dưới mức sinh thay thế. Kết quả này không đạt kế hoạch đề ra (2,1 con/phụ nữ).
Theo báo cáo của Cục Dân số (Bộ Y tế), tuổi thọ trung bình (tính từ lúc sinh) của người Việt Nam năm 2023, là 73,8 tuổi; tỷ số lệ giới tính khi sinh cả năm 2023 ước cả năm là 113,2 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tổng số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại năm 2023 tại 48 tỉnh, thành phố là gần 4,5 triệu người, đạt 110%; số trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh bằng kỹ thuật xét nghiệm máu gót chân (ít nhất 2 bệnh) đạt 59,91% số trẻ mới sinh năm 2023; Tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn tăng thêm...
Kết quả giám sát cho thấy, hầu hết trạm y tế tại địa bàn được giám sát đều có cán bộ y tế có khả năng cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/chăm sóc sức khỏe sinh sản thường xuyên như khám thai, khám phụ khoa, đặt dụng cụ tránh thai, tiêm thuốc tránh thai, cấy thuốc tránh thai, cung cấp bao cao su. Nhiều địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động, mô hình nhằm nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em, xây dựng các chuẩn mực giá trị phù hợp nhằm thực hiện hiệu quả bình đẳng giới.
Tuy nhiên, tỷ số giới tính khi sinh có dấu hiệu gia tăng tại một số tỉnh, thành phố; cơ cấu và tổ chức bộ máy của ngành dân số liên tục biến động, đặc biệt là tuyến cơ sở, đội ngũ cán bộ chuyên trách và công tác viên dân số thường xuyên thay đổi; kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ vừa thiếu, vừa yếu; nội dung truyền thông còn chưa đa dạng, phong phú và chưa bao trùm đến từng nhóm đối tượng của chương trình dân số và phát triển hiện nay.
Ngoài ra, các chính sách để hỗ trợ, khuyến khích người dân sinh đủ hai con và các mô hình can thiệp để nâng mức sinh thuộc vùng mức sinh thấp (các can thiệp đối với đối tượng vị thành niên/thanh niên, dự phòng vô sinh tại cộng đồng đối với nhóm dân số trẻ, khóa học trước khi kết hôn,...) đang trong quá trình xây dựng, đề xuất nên chưa đủ mạnh để nâng mức sinh của các tỉnh/TP thuộc vùng này.
Giảm số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn
Theo Cục Dân số, năm 2024, Cục đặt mục tiêu nâng tuổi thọ trung bình từ lúc sinh của người dân lên 73,9 tuổi; tỷ số giới tính khi sinh đạt 111,1 số bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tổng tỷ suất sinh đạt 2,1 con/phụ nữ. Giảm tỷ số giới tính khi sinh (-SRB) xuống -0,1 điểm phần trăm so năm 2023; điều chỉnh mức sinh (+/-CBR) ở tỉ lệ +0,3‰ so với năm 2023. Tổng số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại trong năm đạt trên 5 triệu người. Giảm số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn xuống 15% so với năm 2023; tỷ lệ bà mẹ mang thai được tầm soát (sàng lọc trước sinh), đủ 4 bệnh đạt 50%. Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát (sàng lọc sơ sinh), đủ 5 bệnh đạt 60%. Tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm tăng thêm 11% so với năm 2023.
Cục cũng sẽ tiếp tục triển khai xây dựng Luật Dân số theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để báo cáo Bộ Y tế, trình Chính phủ xem xét, quyết định việc đề xuất Quốc hội cho phép đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, tiến tới trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
Bên cạnh đó, Cục tiếp tục đôn đốc việc xây dựng, triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp của các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, gồm một số chương trình, đề án như: Chương trình Điều chỉnh mức sinh (Chương trình 588); Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (Chương trình 1848); mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh (Chương trình 1999); Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (Đề án 468)...
Tại Lễ mít tinh, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, công tác dân số vừa cấp bách, nhưng cũng vừa cơ bản, lâu dài, có ý nghĩa quyết định quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo nhất là về công tác cán bộ, sớm kiện toàn ổn định tổ chức bộ máy, nhân lực làm công tác dân số, đảm bảo chế độ chính sách cho họ; ưu tiên đầu tư, hỗ trợ nguồn lực kịp thời cho công tác dân số, tiếp tục phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo dân số và phát triển ở các cấp.
Đồng thời, theo PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, các cấp cần đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, các chương trình, đề án, kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đưa công tác dân số thành nội dung quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp. Các ban, bộ, ngành, đoàn thể các cấp, các cơ quan truyền thông đại chúng, mỗi cộng đồng và từng người dân tăng cường phối hợp, chia sẻ, đồng hành, hưởng ứng tích cực góp phần cùng với ngành Y tế - dân số triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu về công tác Dân số trong tình hình mới đã đề ra.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất