Sức khoẻ sinh sản vị thành niên: Khi giới trẻ lạc lối trong "rừng" kiến thức ảo
Trong bối cảnh thông tin bùng nổ hiện nay, việc trang bị cho trẻ những kiến thức chính xác về sức khoẻ sinh sản, tình dục là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, bên cạnh những kiến thức khoa học, các em cũng cần được trang bị những kỹ năng sống cần thiết để tự bảo vệ mình trước những thông tin sai lệch.
Những thông tin sai lệch về sức khoẻ sinh sản, tình yêu, giới tính đang len lỏi vào cuộc sống của trẻ vị thành niên, gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Vậy làm thế nào để giúp các em trang bị cho mình những kiến thức đúng đắn và kỹ năng sống cần thiết?
Phóng viên (PV) Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã có những trao đổi với Thạc sĩ, Chuyên gia tâm lý Lưu Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Tâm lý giáo dục Xanh (Green Edu) về mặt trái của mạng xã hội, điện thoại di động,… tới việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe sinh sản vị thành niên và cách phòng ngừa, giáo dục về vấn đề này.
PV: Thưa chuyên gia, đâu là những thách thức lớn nhất trong việc giáo dục trẻ vị thành niên về sức khỏe sinh sản trong thời đại số? Mạng xã hội và Internet đang tác động như thế nào đến nhận thức và hành vi của trẻ vị thành niên về sức khỏe sinh sản?
Ths. Chuyên gia Tâm lý Lưu Văn Tuấn: Trong bối cảnh bùng nổ thông tin trên mạng xã hội, việc giáo dục sức khỏe sinh sản cho giới trẻ đang đối mặt với hai thách thức lớn. Thứ nhất, việc kiểm soát thông tin trên mạng xã hội là một bài toán khó. Việc xác minh độ tuổi người dùng, lọc bỏ thông tin sai lệch, độc hại vô cùng phức tạp, trong khi trẻ có thể dễ dàng tạo ra các tài khoản ảo với thông tin không chính xác như khai man độ tuổi.
Các thông tin sai lệch tràn lan trên mạng xã hội cộng với sự thiếu hụt kỹ năng sàng lọc thông tin và sự tò mò vốn có ở tuổi trẻ, đã khiến không ít học sinh thực hiện những hành vi chưa phù hợp với lứa tuổi, như thể hiện tình cảm quá mức nơi công cộng, gây ảnh hưởng đến môi trường học tập.
Thậm chí, việc tiếp xúc với những văn hóa phẩm ngoại lai tiêu cực, những thông tin sai lệch về tình dục đã đẩy nhiều bạn trẻ đến những quyết định sai lầm, như quan hệ tình dục sớm. Đặc biệt, nhiều trẻ vị thành niên có những hiểu biết sai lệch về cơ thể và sức khỏe sinh sản của mình như tên gọi các bộ phận sinh dục, các phương pháp tránh thai an toàn.
Một ví dụ điển hình là nhiều bạn trẻ tin vào những phương pháp tránh thai dân gian thiếu khoa học như uống nước chanh, ăn đu đủ, dẫn đến việc họ không sử dụng các biện pháp bảo vệ an toàn, từ đó dễ dàng mang thai ngoài ý muốn và mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục nguy hiểm như HIV/AIDS, lậu, giang mai, sùi mào gà... Điều này không chỉ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho bản thân mà còn ảnh hưởng đến tương lai của các em và cộng đồng.
Theo khảo sát của tôi, tình trạng này đang trở nên phổ biến ở lứa tuổi học sinh, đặc biệt là học sinh trung học phổ thông. Qua các buổi tuyên truyền, tôi nhận thấy rất nhiều giáo viên bày tỏ sự lo ngại về việc học sinh ngày càng có những hành vi vượt quá giới hạn cho phép.
Thứ hai, hiện nay, những nội dung giải trí, thậm chí là những thông tin sai lệch, độc hại lại thu hút sự quan tâm rất lớn của người xem, ngược lại các thông tin chính thống về sức khỏe sinh sản lại ít nhận được sự chú ý. Điều này đặt ra yêu cầu cao về việc làm sao để đổi mới phương pháp giáo dục, tạo ra những sản phẩm truyền thông hấp dẫn, phù hợp với tâm lý của giới trẻ để thu hút sự quan tâm của họ.
PV: Để giảm thiểu những tác động tiêu cực của mạng xã hội tới việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe sinh sản vị thành niên, các bậc phụ huynh và nhà trường nên có những biện pháp giáo dục nào cho trẻ thông qua các loại hình truyền thông?
ThS. Chuyên gia Tâm lý Lưu Văn Tuấn: Theo tôi, để các thông điệp về sức khỏe sinh sản đến gần hơn với giới trẻ, chúng ta cần tạo ra những sản phẩm truyền thông hấp dẫn, đa dạng, đáp ứng nhu cầu và sở thích của các em. Ngoài ra, cần tạo cơ hội cho trẻ tham gia trực tiếp vào các cuộc thi, tranh biện, đóng kịch về sức khỏe sinh sản trong môi trường học đường từ quy mô lớp học đến toàn trường, nhằm tạo cơ hội cho tất cả học sinh được tiếp cận thông tin.
Việc lồng ghép các hoạt động truyền thông này vào các hoạt động thường niên của nhà trường cũng sẽ giúp các em trang bị những kỹ năng sống cần thiết để tự bảo vệ mình trước những thông tin sai lệch. Đặc biệt, để tăng tính tương tác và hiệu quả của các chương trình, trẻ em nên được khuyến khích đóng vai trò là người truyền tải thông điệp, các diễn giả, chuyên gia để chia sẻ kinh nghiệm. Tuy nhiên, tất cả các hoạt động truyền thông đều cần được sự giám sát và hướng dẫn của các chuyên gia để đảm bảo tính chính xác và phù hợp.
Để xây dựng một môi trường học đường lành mạnh mà học sinh được khuyến khích đặt câu hỏi và chia sẻ những thắc mắc của mình, giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một không khí cởi mở, giúp học sinh cảm thấy thoải mái khi thảo luận về những vấn đề nhạy cảm. Bên cạnh đó, việc trang bị kiến thức chuyên môn về sức khỏe sinh sản là điều kiện tiên quyết để giáo viên có thể tư vấn hiệu quả cho học sinh.
Trong giai đoạn dậy thì, tâm sinh lý của trẻ thay đổi rất nhanh, vì vậy, sự quan tâm của cha mẹ là vô cùng cần thiết. Cha mẹ nên trở thành người bạn để con có thể chia sẻ những băn khoăn, lo lắng về sức khỏe sinh sản. Việc xây dựng mối quan hệ tin cậy giữa cha mẹ và con cái là nền tảng quan trọng để giáo dục sức khỏe sinh sản. Cha mẹ cần thể hiện sự tôn trọng, thấu hiểu và đồng hành cùng con trong suốt quá trình trưởng thành. Khi đó, trẻ sẽ cảm thấy được lắng nghe, thấu hiểu và tự tin hơn khi chia sẻ những vấn đề tế nhị.
PV: Các tổ chức xã hội và cơ quan chức năng nên đóng vai trò như thế nào trong việc hỗ trợ trẻ vị thành niên tiếp cận thông tin chính xác về sức khỏe sinh sản? Ông có khuyến nghị nào cho các nhà làm chính sách để xây dựng một môi trường số an toàn và lành mạnh hơn cho giới trẻ?
ThS. Chuyên gia Tâm lý Lưu Văn Tuấn: Các tổ chức xã hội và cơ quan chức năng cần tiên phong trong việc xây dựng và triển khai các chương trình truyền thông về sức khỏe sinh sản, nhằm cung cấp thông tin chính xác, khoa học cho giới trẻ. Các hình thức truyền thông đa dạng như ấn phẩm, video, các buổi tọa đàm, hội thảo sẽ giúp thông tin về sức khỏe sinh sản đến gần hơn với giới trẻ và các đối tượng liên quan. Nhà nước cần ban hành những quy định chặt chẽ về nội dung trên mạng xã hội, đặc biệt là những nội dung liên quan đến sức khỏe sinh sản của giới trẻ.
Việc xây dựng và áp dụng các thuật toán kiểm soát độ tuổi người dùng và nội dung trên mạng là cần thiết để bảo vệ trẻ em khỏi những thông tin độc hại. Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về truyền bá thông tin sai lệch, độc hại trên mạng xã hội. Các hình phạt đối với những hành vi vi phạm cần được nghiêm minh hóa để tạo sức răn đe.
Trân trọng cảm ơn ông!
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất