11:19 23/08/2022

Thiếu sắt và kẽm, trẻ bị suy giảm hệ miễn dịch

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Tâm An (t/h)

Cơ thể trẻ bị thiếu sắt thì hệ miễn dịch sẽ suy giảm. Khi đó, hàng rào bảo vệ cơ thể trở nên lỏng lẻo sẽ tạo cơ hội cho virus, vi khuẩn hoành hành, gây bệnh.

Theo TS. BS Phan Bích Nga, Trưởng khoa Khám Trẻ em (Viện Dinh dưỡng), Phó Chủ tịch Hội dinh dưỡng Nhi khoa cho biết, trẻ thiếu sắt thường đi đôi với thiếu kẽm.

Khả năng tăng cường miễn dịch được chi phối bởi một số yếu tố nhưng quan trọng nhất là yếu tố về dinh dưỡng bởi các vitamin, khoáng chất tham gia vào hệ thống miễn dịch cơ thể đặc biệt là vi chất sắt và kẽm có vai trò vô cùng quan trọng.

dinhduong
Đối với trẻ sau khi bị ốm, trẻ chậm lớn và trẻ biếng ăn, nên bổ sung sắt và kẽm. Ảnh: Internet

TS. BS Phan Bích Nga cho biết, theo điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2019-2020, trên toàn quốc có đến 60% trẻ dưới 5 tuổi thiếu kẽm và cứ 3 trẻ có 1 trẻ thiếu sắt. Đặc biệt, trẻ thiếu sắt thường đi đôi thiếu kẽm. Trong khi đó, sắt và kẽm có vai trò rất quan trọng đối với hệ miễn dịch.

Khi cơ thể trẻ bị thiếu sắt thì hệ miễn dịch sẽ suy giảm. Hàng rào bảo vệ cơ thể trở nên lỏng lẻo và tạo cơ hội cho virus, vi khuẩn hoành hành, gây bệnh. Trẻ thiếu kẽm dẫn tới nhẹ cân, suy dinh dưỡng, thấp còi và nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, các bệnh do virus tăng cao hơn.

Để bổ sung sắt, kẽm giúp trẻ có hệ miễn dịch khỏe mạnh, phòng tránh các bệnh nhiễm trùng, TS. BS Phan Bích Nga cho biết, cần phải bảo đảm đầy đủ trong tất cả các giai đoạn của cuộc đời kể từ khi còn trong bào thai.

Trong quá trình cho con bú, mẹ cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và bà mẹ nên được bổ sung đa vi chất cũng như bổ sung sắt để phục hồi cơ thể. 

Lượng sắt, kẽm dự trữ 3, 4 tuần cuối thai kỳ sang con chỉ dùng đủ trong 4 tháng – 6 tháng đầu đời với điều kiện mẹ sinh đủ ngày đủ tháng và bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng trong quá trình mang thai.

Lượng sắt trong sữa mẹ khá thấp, 1 lít sữa mẹ chỉ chứa 0.35mg sắt còn kẽm thì tốt hơn một chút là 2 – 3mg kẽm, tuy nhiên sau 3 tháng lượng kẽm trong sữa mẹ chỉ còn 0,9mg/lít.

Để đảm bảo đủ nhu cầu sắt và kẽm, trẻ phải bú mẹ với một lượng rất lớn, quá khả năng của cả mẹ và con. Do đó sau 6 tháng với chế độ ăn hàng ngày thông thường thì trẻ khó đáp ứng đủ nhu cầu kẽm và sắt. 

Sau 6 tháng, khi trẻ ăn dặm, các bà mẹ cần cho con ăn đủ dinh dưỡng bằng chế độ ăn hằng ngày. Kẽm và sắt có nhiều thực phẩm như thịt bò, trứng, thủy hải sản như hàu, sò, ghẹ, và một số loại rau lá xanh…

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của cuộc điều tra đinh dưỡng Đông Nam Á (Seanuts), bữa ăn hàng ngày của trẻ em Việt Nam thiếu đến 50% nhu cầu  vi chất điển hình là kẽm và sắt.

TS.BS Phan Bích Nga lưu ý, nhiều người thường lầm tưởng, khi cho trẻ ăn các thực phẩm giàu sắt và kẽm, cơ thể sẽ hấp thu được 100% lượng sắt và kẽm có trong thực phẩm. Sự thật không phải như vậy. Khả năng hấp thu sắt từ thực phẩm chỉ từ 5-15%, kẽm từ 10-30% . Chính vì vậy, sau 6 tháng, tỷ lệ thiếu kẽm và sắt ở trẻ tăng rất cao.

Theo TS.BS Nga, đối với trẻ sau khi bị ốm, trẻ chậm lớn và trẻ biếng ăn, nên bổ sung sắt và kẽm. Nên chọn các sản phẩm có hàm lượng sắt và kẽm đủ nhu cầu hàng ngày nhưng cũng không quá lạm dụng sẽ gây dư thừa sắt và kẽm.

Cần lưu ý, sắt và kẽm rất khó hấp thu nên khi lựa chọn các sản phẩm, nên chọn loại có thành phần hữu cơ sẽ dễ hấp thu. Đặc biệt trong sản phẩm nên có đủ cả kẽm và sắt theo  tỷ lệ sắt kẽm ngang bằng nhau 1:1, hoặc kẽm thấp hơn sắt một chút sẽ đảm bảo hấp thu.

Một số biểu hiện cho thấy liên quan nhiều đến thiếu sắt, kẽm:

· Thèm ăn, liếm, hoặc nhai các đồ không phải thực phẩm (đất, giấy, bìa cứng…)

· Suy giảm đề kháng, trẻ dễ ốm vặt;

· Da tái, da xanh, niêm mạc nhợt;

· Móng tay, móng chân mỏng;

· Lưỡi khô, dễ bị sưng viêm;

· Mệt mỏi, hay ngáp vặt, buồn ngủ, học tập thiếu tập trung, dễ cáu gắt;

· Tóc móng giòn dễ gẫy, móng tay có những khía, hoặc vạch trắng;

· Dễ mắc các bệnh về da mẩn ngứa và dị ứng

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận