14:17 16/08/2022

Top 7 loại thực phẩm tăng trí thông minh cho trẻ

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam An An (t/h)

Theo nghiên cứu, não bộ của trẻ được phát triển mạnh mẽ trong 3 năm đầu đời (được tính từ khi trẻ còn nằm trong bụng mẹ). Trong 1.000 ngày vàng này, não bộ tăng gấp 3 lần, đạt đến 80% trọng lượng não bộ của người trưởng thành và tăng sinh 100 tỷ tế bào thần kinh. Vì vậy, giai đoạn này, trẻ cần nhận được nguồn dinh dưỡng tốt nhất.

1. Sữa và sữa chua

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sữa mẹ chính là nguồn thực phẩm số 1 giúp trẻ phát triển trí não tốt nhất. Vì vậy, mẹ nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cố gắng duy trì đến khi trẻ được 2 tuổi.

Các nghiên cứu cho thấy, sữa mẹ rất giàu acid béo DHA, vitamin A, D, E là thành phần quan trọng xây dựng não bộ, hoàn thiện vỏ não và phát triển hệ thần kinh trung ương, cũng như phát triển võng mạc, khả năng ghi nhớ ở trẻ một cách tối ưu nhất.

Trong trường hợp mẹ không đủ sữa cho bú thì cần cho con uống sữa công thức có bổ sung các dưỡng chất gần với sữa mẹ giúp trẻ phát triển trí não tốt nhất.

suachua

2. Các loại tinh bột

Tinh bột chủ yếu từ gạo, các loại ngũ cốc như: gạo, ngô, khoai, sắn...

Não là cơ quan tiêu thụ nhiều glucose nhất trong cơ thể (chiếm khoảng 20% lượng đường cung cấp vào cơ thể). Để não hoạt động tốt thì lượng đường trong máu cần ổn định (không nên quá thấp hay quá cao).

Các nghiên cứu cho thấy sự sụt giảm về lượng glucose có thể có tác động tiêu cực đến sự tập trung, trí nhớ, học tập và nhận thức. Bộ não cũng sử dụng nhiều glucose hơn trong các thời điểm trí não cần tập trung cao độ.

tre

3. Các loại cá biển

Cá biển là nguồn thực phẩm tăng trí thông minh cho trẻ vượt trội, bao gồm: cá hồi, cá mòi, cá ngừ, cá thu, cá trích… Những loại cá này cung cấp omega 3, một loại acid béo không no mà cơ thể không thể tổng hợp và tạo ra được, là dưỡng chất tuyệt vời giúp não bộ trẻ phát triển.

Theo PGS.TS.BS Lê Bạch Mai, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong giai đoạn cho con bú, mẹ nên ăn nhiều cá để tăng lượng DHA trong sữa mẹ. Khi trẻ đến tuổi ăn dặm mẹ có thể chế biến cá thành nhiều món ăn đa dạng giúp trẻ ngon miệng hơn.

Ngoài ra, mẹ có thể bổ sung omega 3 bằng cách cho con uống dầu cá, tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo nên dùng thực phẩm có chứa omega 3 tự nhiên từ cá vẫn tốt hơn.

4. Trứng

Trứng là một nguồn cung cấp choline dồi dào. Choline là một chất dinh dưỡng thiết yếu giúp hình thành các tế bào sâu bên trong não.

Trứng cũng chứa hàm lượng protein, sắt và vitamin A cao góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi tế bào.

Tùy theo độ tuổi của trẻ, mẹ có thể cho trẻ ăn lượng trứng khác nhau:

Trẻ 6 – 7 tháng tuổi: ½ lòng đỏ trứng gà/bữa ăn, 2 – 3 lần/tuần

Trẻ 8 – 12 tháng tuổi: 1 lòng đỏ/bữa ăn, 3 – 4 lần/tuần

Trẻ 1 – 2 tuổi: 3 – 4 trứng/tuần, ăn cả lòng trắng

Trẻ từ 2 tuổi trở lên nếu bé thích trứng có thể cho ăn 1 quả/ngày.

Cách chế biến trứng tốt nhất là luộc chín tới, không những đảm bảo được chất dinh dưỡng như protein, lipid, khoáng chất… mà các vitamin không bị mất đi nhiều, phòng nhiễm khuẩn…

trung

5. Rau xanh

Rau xanh đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển trí não của trẻ. Rau xanh chứa nhiều vitamin, khoáng chất, folate… rất tốt cho thai kỳ khỏe mạnh cũng như sự phát triển não bộ khi trẻ chào đời.

Folate là một vitamin nhóm B có trong cải xoăn, rau bina, rau diếp, măng tây, bông cải xanh… Vitamin và khoáng chất có vai trò chuyển hóa và chống oxy hóa của tế bào não, giúp trí não minh mẫn hơn.

rau

6. Các loại hạt

Omega là dưỡng chất rất quan trọng hỗ trợ sự hình thành và phát triển não bộ bởi trong chất xám của não hầu hết là acid béo omega. Omega chủ yếu gồm DHA, EPA và ALA, hỗ trợ giúp tạo ra độ nhạy của các neuron thần kinh, giúp dẫn truyền thông tin nhanh và chính xác, giúp tăng sự tập trung, chú ý, hỗ trợ cải thiện nhận thức cho trẻ, giúp bé phản xạ nhanh, ghi nhớ tốt, tăng khả năng học hỏi, đánh giá, bắt chước.

Nếu thiếu omega, trong quá trình phát triển trẻ sẽ có chỉ số thông minh IQ và EQ thấp, tăng nguy cơ tiềm ẩn bị rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn hành vi hoặc trầm cảm...

Omega có 2 nguồn là omega thực vật và omega động vật. Omega thực vật có nhiều trong các loại hạt: đỗ xanh, đỗ đen, hạt lạc, hạt lanh, hạt óc chó, quả lý chua đen…

7. Bột yến mạch

Bột yến mạch là nguồn thực phẩm cung cấp năng lượng và “nguyên liệu” tuyệt vời cho hoạt động não bộ của trẻ.

Bột yến mạch có nhiều chất xơ, giúp trẻ không cảm thấy đói, từ đó hạn chế được cảm giác thèm thức ăn vặt ở các bé. Đây cũng được xem là nguồn cung cấp vitamin E, vitamin B (gồm B1, B6, B12…) và kẽm giúp não bộ của trẻ làm việc tốt nhất.

Mẹ có thể cho bé ăn kèm bột yến mạch với chuối, táo, việt quất hoặc hạnh nhân.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận