16:13 28/03/2024

Tạo điều kiện tốt nhất để bảo đảm các quyền của trẻ em

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

“Trẻ em - những chủ nhân tương lai của đất nước cần được quan tâm, dành những điều kiện tốt nhất cho sự phát triển toàn diện. Việc thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của các cấp, các ngành, mọi gia đình và toàn xã hội”, ông Khuất Văn Quý - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch nhấn mạnh.

Ngày 28/3, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (BVQTEVN) tổ chức Diễn đàn để các tổ chức xã hội liên quan đến trẻ em cùng cập nhật các quy định, chính sách mới của Nhà nước và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện quyền trẻ em.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Vụ Gia đình (Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch) đã đề cập đến các nội dung về trẻ em quy định tại các văn bản hướng dẫn Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), Bộ tiêu chí ứng trong gia đình và định hướng sửa đổi Quy chế phối hợp liên ngành về phòng chống bạo lực gia đình. Trẻ em được tiếp cận dưới góc độ là thành viên yếu thế trong gia đình, được hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để bảo đảm các quyền của trẻ em.

Một số điều của luật phòng, chống bạo lực gia đình

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Khuất Văn Quý - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cho biết, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Vụ Gia đình đã tham mưu lãnh đạo Bộ trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản về công tác gia đình, trong đó có các nội dung về trẻ em trong gia đình. 

z5292599838535_b0d07f386781ea11ff202f6f91fcadac
Theo ông Khuất Văn Quý, sự phối hợp giữa hai ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ, phòng, chống bạo lực gia đình với trẻ em (Ảnh: Duy Cường).

Luật PCBLGĐ năm 2022 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV đã đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn và khắc phục những bất cập trong các quy định của Luật PCBLGĐ năm 2007. Luật đã bám sát phương pháp tiếp cận quyền con người, bảo đảm quyền con người, đặc biệt là trẻ em, ưu tiên nguyện vọng chính đáng, sự an toàn là trên hết của trẻ em bị bạo lực gia đình, đồng thời tôn trọng các quyền của công dân khi xử lý các hành vi vi phạm về bạo lực gia đình.

“Ngay sau khi Luật được thông qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 76/2023/NĐ-CP ngày 01/11/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật PCBLGĐ”, ông nói.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, trẻ em trong Nghị định trên là chủ thể đặc thù nằm trong nhóm yếu thế; có những chính sách, biện pháp riêng để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ, đặc biệt là trong việc bảo vệ, hỗ trợ trẻ bị bạo lực gia đình. 

Đồng thời các nội dung này cũng liên thông với các văn bản quy định khác về trẻ em, thể hiện ở nội dung việc xử lý các tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình mà người bị bạo lực gia đình là trẻ em theo quy định của pháp luật về trẻ em. 

Nghị định cũng quy định rất rõ trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thực hiện quản lý về công tác trẻ em. Theo đó, Bộ triển khai lồng ghép các nhiệm vụ về PCBLGĐ gắn với việc thực hiện phòng, chống bạo lực trẻ em nói chung, trong môi trường gia đình nói riêng; tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác hành vi bạo lực gia đình với trẻ em trong hoạt động của Tổng đài 111. 

Hiện nay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định cơ sở dữ liệu về PCBLGĐ, những thông tin về trẻ em trong gia đình, trẻ em bị bạo lực gia đình sẽ được thu thập đầy đủ, hệ thống.

Trẻ em trong bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình

Ngày 28/01/2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 224/QĐ-BVHTTDL ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Bộ tiêu chí áp dụng cho các thành viên gia đình bao gồm trẻ em. Phạm vi Bộ tiêu chí được phổ biến và áp dụng với mọi gia đình và các thành viên gia đình Việt Nam. 

Các tiêu chí này đều có nội dung liên quan mật thiết đến trẻ em. Là thành viên gia đình, trẻ em vừa là chủ thể của tiêu chí vừa là đối tượng mà tiêu chí hướng đến; trẻ em có quyền nhưng cũng có trách nhiệm trong việc thực hiện tiêu chí. Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình gồm các tiêu chí sau:

Thứ nhất, tiêu chí ứng xử chung: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ. Là thành viên trong gia đình, trẻ em phải thực hiện các nguyên tắc trên đặc biệt phải biết yêu thương, chia sẻ với các thành viên khác; không được có suy nghĩ hành động vì mình là trẻ con, chỉ biết hưởng thụ tình yêu, sự chăm sóc của cha mẹ mà không biết quan tâm, chia sẻ với cha mẹ. 

Ngược lại cha mẹ cũng cần giữ nguyên tắc tôn trọng, bình đẳng với con cái; không được có tư tưởng “cha mẹ luôn đúng, trẻ con phải làm theo mọi thứ cha mẹ sắp đặt”. Rõ ràng bất kỳ mối quan hệ nào cũng xuất phát từ các thành viên của mối quan hệ đó. Trong quan hệ giữa các thành viên gia đình, trẻ em vừa là chủ thể nhưng cũng là khách thể, vừa có quyền lợi nhưng cũng có những nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện.

Thứ hai, tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương. Cha mẹ cần tôn trọng con cái như một cá nhân có đầy đủ nhân phẩm và trách nhiệm, biết áp dụng những biện pháp kỷ luật tích cực thay vì đánh đập, đòn roi. 

“Hãy là “người bạn lớn” của con để chia sẻ tâm tư và hướng dẫn con giải quyết những khó khăn thách thức trong đời sống và lắng nghe, cho phép con tham gia phát biểu, hỏi về những vấn đề liên quan đến bản thân và việc chung của gia đình”, ông gợi ý.

Ngoài ra, ông cho rằng, cha mẹ phải làm gương cho con về ý chí rèn luyện, tu dưỡng để mình là tấm gương sáng về đạo đức, nhân cách, là điểm tựa tinh thần của con. Vì vậy, luôn đối xử công bằng, không thiên vị, suy bì giữa các con, biết cách kiềm chế trước những lỗi lầm của con, biết nói lời giải thích và xin lỗi khi có ứng xử chưa phù hợp.

Thứ ba, tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép. Tùy theo tuổi nhỏ hay đã trưởng thành mà có những ứng xử cho phù hợp. Con trẻ phải kính trọng bố mẹ thể hiện bằng việc làm, lời nói, cách đối xử…

Luôn chăm chỉ học tập và lao động phù hợp với lứa tuổi, giúp đỡ cha mẹ những công việc phù hợp, hỏi ý kiến cha mẹ trong những việc lớn, coi trọng ý kiến của cha mẹ, chăm sóc đời sống vật chất (tùy theo điều kiện), tinh thần khi cha mẹ tuổi cao,...

Ngoài ra, bên cạnh sự thương yêu, kỳ vọng, những khác biệt về tuổi tác, quan niệm sống, đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi tạo nên giữa thế hệ ông bà với thế hệ cháu có những khác biệt nhất định. Điều kiện ngày nay, do xu hướng gia đình hạt nhân hóa, tốc độ di cư nhanh nên điều kiện ở gần, chăm sóc có phần suy giảm. Tuy nhiên, con cháu phải hiếu, kính đối với ông, bà thông qua lời nói lễ phép, thường xuyên thăm hỏi, động viên và chia sẻ,... 

Thứ tư, tiêu chí ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ. Ngày nay, mô hình gia đình đã thu nhỏ lại. Gia đình có ít anh chị em ruột hơn. Dù là mối quan hệ huyết thống hay được nhận nuôi, anh chị em trong gia đình, họ hàng đều cần được giáo dục cách ứng xử đoàn kết, thân ái, phải luôn hòa thuận, thương yêu, chia sẻ trách nhiệm chung của gia đình như làm việc nhà; anh chị trông em nhỏ, giữ gìn sự bình đẳng, tương hỗ với nhau, hướng dẫn nhau trong học tập, chia sẻ việc nhà theo khả năng,...

Ông Khuất Văn Quý thông tin, bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đã được triển khai trên toàn quốc, bước đầu ghi nhận những kết quả tích cực, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ, hạnh phúc.

Một số giải pháp thực hiện nhiệm vụ về trẻ em trong gia đình

Ông Khuất Văn Quý cho biết, nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em trong gia đình luôn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm thực hiện. Việc đưa các nội dung về trẻ em trong Luật PCBLGĐ, các văn bản hướng dẫn Luật, các văn bản thực hiện công tác gia đình, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình thể hiện rõ trách nhiệm của Bộ trong việc thực hiện công tác trẻ em của ngành. 

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác này, thời gian tới, Vụ Gia đình sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ thực hiện các các nhiệm vụ như sau: Thực hiện hiệu quả các văn bản, đề án về công tác gia đình, công tác trẻ em đã được phê duyệt; Xây dựng Quy chế phối hợp liên ngành trong PCBLGĐ; Phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện Quy chế phối hợp trong việc thực hiện công tác gia đình và công tác trẻ em; Phối hợp với Hội Bảo vệ quyền trẻ em ký kết và triển khai thực hiện Chương trình phối hợp trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và bảo vệ trẻ em trong gia đình.

Ngoài ra, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường việc thực hiện công tác trẻ em theo Luật Trẻ em năm 2016 và các văn bản liên quan. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trong đó có nội dung về phát triển toàn diện trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng; Lồng ghép nội dung này trong các buổi họp tổ, sinh hoạt nhóm, câu lạc bộ về gia đình trên địa bàn dân cư.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất thử nghiệm dịch vụ công về giáo dục kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc trước khi kết hôn, xây dựng thí điểm bộ chỉ số gia đình hạnh phúc, duy trì và nhân rộng các mô hình về gia đình; Đưa nội dung về trẻ em vào hoạt động của mô hình để tiếp cận được đông đảo người dân; Tăng cường phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan; gắn bó chặt chẽ mối quan hệ giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong việc thực hiện công tác trẻ em; Đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động nhằm nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, đoàn thể và toàn thể người dân về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của gia đình trong việc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em trong cộng đồng xã hội; Đưa nội dung về trẻ em trong các lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình, văn hóa cơ sở và cho đối tượng là các già làng, trưởng bản.

“Việc thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em, bảo đảm cho trẻ em những điều kiện tốt nhất để phát triển là trách nhiệm của các cấp, các ngành, mọi gia đình và toàn xã hội; góp phần xây dựng con người Việt Nam văn minh, tiến bộ, xây dựng gia đình Việt Nam hạnh phúc”, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch nhấn mạnh.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận