16:12 24/03/2025

Trẻ em “nghiện” xem video ngắn: Hệ lụy khôn lường

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Minh Ánh

Bên cạnh nhiều lợi ích không thể phủ nhận, những video ngắn trên mạng xã hội còn có những tác hại khiến trẻ em dễ bị cuốn vào những thông tin tiêu cực, rắc rối thậm chí để lại hậu quả khôn lường về tâm sinh lý.

Trong bối cảnh các công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ và trở thành công cụ làm việc giải trí không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của mỗi người thì những nguy cơ rủi ro về sự an toàn, bảo mật thông tin, về đảm bảo quyền riêng tư cũng đang càng gia tăng. 

Lướt qua các nền tảng mạng xã hội, người dùng có thể dễ dàng bắt gặp những video lan truyền các bài giảng về "đạo đức làm người". Nhìn bề ngoài, chúng chỉ là những chia sẻ thông thường về quan điểm và triết lý sống. Tuy nhiên, người đủ tỉnh táo hoàn toàn có thể nhận ra những tư tưởng sai lệch được khéo léo lồng ghép vào đó. Ví dụ như: trong lúc khó khăn, chỉ có bạn bè mới giúp đỡ, người thân thì không; sống thật thà chỉ chuốc lấy khổ sở; người giàu có thường nham hiểm, độc ác...

z6428605159693_2100ea65adfaf626c4540d1f4ac001f7
Hàng loạt video có nội dung “triết lý” nhảm nhí, lệch lạc xuất hiện đầy rẫy trên mạng xã hội, không những vậy còn nhận được lượt tương tác rất lớn từ cộng đồng.

Thông thường, những video này đưa ra quan điểm thông qua những câu chuyện chạm đến “nỗi đau” của một số người từng trải qua biến cố trong cuộc sống, khơi gợi sự đồng cảm hoặc tạo ra tranh luận giữa cộng đồng mạng để “câu” tương tác. Khi tương tác mạnh mẽ với các video này, thuật toán của nền tảng sẽ nhận diện và phân phối đến người dùng nhiều nội dung tương tự hơn. Thế là chỉ sau vài lần vô tình tiếp xúc, mạng xã hội của chúng ta đã dễ dàng biến thành một không gian ngập tràn “triết lý nhân sinh”.

Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, TS. Đặng Hoàng Ngân, Giảng viên Khoa Tâm lý học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu cảnh báo: “Trẻ em khi sử dụng mạng xã hội sẽ có nguy cơ bị một số ảnh hưởng như: Bắt chước hành vi xấu hoặc hành vi tự gây hại (bạo lực, khoe khoang với mục đích phân biệt đối xử hoặc tổn thương người khác, quan hệ tình dục không an toàn, cưỡng ép người khác, tự làm đau, tự sát…”

Hình thành niềm tin lệch lạc về ứng xử con người, giá trị đạo đức, cách sống (công chúng có quyền trừng phạt người có hành vi sai; kẻ xấu xứng đáng bị chửi bới, miệt thị bởi bất kỳ ai; sự giàu có là mục tiêu tối thượng; tình dục quyết định tình yêu…).

Ngoài ra, trẻ em có thể trở thành nạn nhân của bạo lực, bắt nạt trực tuyến và tin rằng mình sai trái đến mức đáng bị như vậy. Thậm chí gây sốc tâm lý hoặc sang chấn tâm lý khi trẻ tiếp xúc với những nội dung quá mức độ chịu đựng tinh thần”.

TS. Đặng Hoàng Ngân - Giảng viên Khoa Tâm lý học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: NVCC).

TS. Đặng Hoàng Ngân cũng chia sẻ thêm: “ Khi trẻ em nghiện, phụ thuộc mạng xã hội sẽ không còn thời gian cho các hoạt động sống bình thường. Bên cạnh đó, xem nội dung ngắn liên tục và thói quen xem video giải trí khi gặp bài khó sẽ bào mòn sự ứng phó tích cực trước căng thẳng của trẻ, ảnh hưởng nhiều đến khả năng tập trung.

Trẻ em dễ hình thành niềm tin sai lầm rằng có thể tìm mọi câu trả lời đúng trên mạng xã hội và Internet, nguy hiểm nhất là tin rằng người nổi tiếng nói gì cũng đúng. Trong khi đó, niềm tin đúng là học tập, tìm hiểu các nguồn tin cậy, thảo luận cùng người có kinh nghiệm làm việc thực tế và hiểu biết, tự trải nghiệm, đánh giá. 

Ngoài ra, khi dành nhiều thời gian trên không gian ảo, trẻ em ít ra ngoài dễ bị thu rút xã hội, cô đơn, thiếu năng lực ứng phó với các tình huống xã hội, nguy cơ mắc rối nhiễu lo âu, trầm cảm, lạm dụng chất kích thích…”

Khi dành nhiều thời gian trên không gian ảo, trẻ em ít ra ngoài dễ bị thu rút xã hội, cô đơn, thiếu năng lực ứng phó với các tình huống xã hội, nguy cơ mắc rối nhiễu lo âu, trầm cảm, lạm dụng chất kích thích (Ảnh: Báo điện tử Chính phủ).

Để bảo vệ con trước những rủi ro tiềm ẩn trên mạng, đồng thời đưa ra một số lời khuyên từ góc nhìn của một người mẹ, TS. Đặng Hoàng Ngân cho biết: “Cha mẹ khi nhận thấy con làm theo nội dung xấu trên mạng xã hội, cần nói chuyện và giải thích cho con hiểu vì sao những hành động ấy lại không tốt. Cha mẹ nên tập trung nói về hành động bị lan truyền trên mạng xã hội kia và tránh phê phán con, khi con đang chỉ tin rằng mình làm theo những điều mọi người đều được phép.

Hãy đứng cùng một phía với con, để con hiểu rằng cả gia đình đang cùng con phân tích về hành vi và hiện tượng mạng xã hội. Cha mẹ cần là người nêu gương cho con trẻ. Do vậy, để chỉ dẫn được con, cha mẹ cũng cần là những người sử dụng mạng xã hội một cách có ý thức và lành mạnh”. 

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận