14:11 22/11/2024

Mạng xã hội: Thế giới ảo, hiểm họa thật

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Tỷ lệ trẻ em Việt Nam sử dụng Internet và mạng xã hội ngày càng nhiều, điều này đồng nghĩa với nguy cơ lạm dụng tình dục, bắt nạt qua mạng cũng tăng lên, trở thành một vấn đề đáng báo động.

Trong bối cảnh các công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ và trở thành công cụ làm việc giải trí không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của mỗi người thì những nguy cơ rủi ro về sự an toàn, bảo mật thông tin, về đảm bảo quyền riêng tư cũng đang càng gia tăng. Với trẻ em, những nguy cơ, rủi ro này càng trở nên rõ nét hơn vì các em chưa có đủ kỹ năng để nhận diện cũng như phòng tránh khi tham gia mạng xã hội.

025117249
Bảo vệ trẻ em, tăng cường hợp tác kết nối trên không gian mạng để bảo vệ và trao quyền cho trẻ em cũng là những vấn đề được đặt ra trên toàn cầu.​​

Tỷ lệ trẻ sử dụng Internet gia tăng kèm theo nhiều mối nguy hại 

Tại Hội thảo “Đẩy mạnh hợp tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” diễn ra vào ngày 21/11 tại Hà Nội, bà Đinh Thị Như Hoa - Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) nhận định, việc sử dụng Internet ngày càng gia tăng kèm theo rất nhiều mối nguy hại đối với trẻ em.

Thứ nhất, việc trẻ truy cập, sử dụng Internet quá nhiều có thể gây đến việc các em tiếp cận tới các nguồn thông tin không phù hợp, trẻ truy cập vào các trang web đen có chứa nội dung xấu độc hay bạo lực. Nếu không được phát hiện sớm thì có sẽ ảnh hưởng đến cái việc tâm sinh lý, sức khỏe thể chất và hành vi của trẻ.

Thứ hai, phát tán rộng về thông tin riêng tư và thông tin cá nhân của trẻ. Việc cha mẹ vô tình chia sẻ thông tin cá nhân của trẻ trên mạng xã hội cũng là một trong những mối nguy lớn dẫn đến việc rò rỉ, phát tán thông tin riêng tư của trẻ. 

Thứ ba, việc sử dụng Internet quá nhiều có tác động tới trẻ, dẫn đến việc nghiện game, nghiện mạng xã hội. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, có tới 70 - 80% số trẻ em từ 10 - 15 tuổi thích chơi game online, trong đó tỷ lệ trẻ bị nghiện game chiếm khoảng 10 - 15%.

Thứ tư, trẻ phải đối mặt với các hình thức bắt nạt trực tuyến. Trong nghiên cứu Microsoft chỉ ra rằng, 51% người dùng mạng, bao gồm 48% người trưởng thành và 54% thanh thiếu niên, cho biết họ từng có liên quan đến một "vụ bắt nạt"; 21% đáp viên cho biết họ từng là nạn nhân và 38% là người đứng ngoài hoặc chứng kiến hành vi bắt nạt hoặc quấy rối. Thông thường những trẻ từ 10 - 14 tuổi sẽ bị bắt nạt qua mạng nhiều nhất.

Cuối cùng, thách thức lớn nhất hiện nay chúng ta đang đối mặt, đó là trẻ bị lôi kéo, dụ dỗ, lừa đảo, ép tham gia các hoạt động phi pháp. 

Trong các vụ lừa đảo này, trẻ không chỉ bị lừa, cướp tiền mà nhiều trường hợp còn bị xâm hại. Tình trạng nhận thức của trẻ còn hạn chế, suy nghĩ ngây thơ của các em về các mối quan hệ ảo dễ khiến các em trở thành đối tượng bị lừa gạt về tình cảm, đặc biệt là đối với trẻ đang tuổi lớn, trẻ thiếu tình thương của cha mẹ. Nhiều trẻ, trải qua việc bị lừa đã bị sang chấn tâm lý, rối loạn tâm lý, mất niềm tin, sợ hãi người lớn làm ảnh hưởng lâu dài cho tương lai các em.

batch_Bà Đinh Thị Nh
Theo bà Đinh Thị Như Hoa - Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), những nguy cơ rủi ro về sự an toàn, bảo mật thông tin, về đảm bảo quyền riêng tư đang càng gia tăng.

Bà Hoa đưa ra 5 nhóm giải pháp: Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý; Giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng; Triển khai các biện pháp, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ; Hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực thực thi pháp luật; Tăng cường hợp tác quốc tế.

“Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Thay vì cấm đoán, cần trang bị cho trẻ em kiến thức và kỹ năng để tự bảo vệ mình trên môi trường mạng. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức nhà nước và doanh nghiệp là rất cần thiết để triển khai các giải pháp hiệu quả”, bà Hoa nhấn mạnh.

Xâm hại trẻ em qua môi trường mạng nguy hiểm không kém gì đời thực

Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, sự phát triển của công nghệ thông tin, Internet mang lại nhiều lợi ích nhưng không kém rủi ro cho trẻ em, nhất là trong thời đại công nghệ số, kỷ nguyên số, công dân số như hiện nay. 

bà Nguyễn Thị Nga lớn
Theo bà Nguyễn Thị Nga, xâm hại trẻ em qua môi trường mạng nguy hiểm không kém gì đời thực, bởi những nội dung, hình ảnh, clip được phát tán khắp nơi, có thể hiện hữu bất cứ lúc nào, gây tổn thương dai dẳng cho trẻ em. 

Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Trẻ em) đang thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Quyết định số 830/QĐ-TTg. Cụ thể như xây dựng, tích hợp các kênh thông báo trực tuyến về các vấn đề liên quan đến trẻ em trên môi trường mạng với Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111). Theo đó, Tổng đài 111 sẽ tiếp nhận thông tin qua: điện thoại, website, zalo, fanpage, email.

Tại một số tỉnh, thành phố, Bộ cũng tổ chức tập huấn cho trẻ em nòng cốt về kỹ năng tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng và kỹ năng tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Đồng thời, tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng qua tổng đài 111, phát hiện, kết nối tới mạng lưới ứng cứu và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và có văn bản đề nghị xác minh, xử lý hoặc xử lý các trường hợp xâm hại hoặc nghi ngờ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Đặc biệt, các vấn đề về trẻ em trên môi trường mạng luôn được tiếp nhận, xử lý, phân tích qua Tổng đài 111. 

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện, bổ sung chi tiết các quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em, bảo vệ dữ liệu về trẻ em trên mạng, đặc biệt chú ý đến việc thiết lập cơ sở dữ liệu CSAM. Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng: Cơ chế giữa doanh nghiệp và nhà nước để khuyến khích việc xây dựng các ứng dụng, phần mềm hay các nền tảng, trò chơi trực tuyến là sân chơi bổ ích cho trẻ em, kích thích trẻ em tương tác lành mạnh sáng tạo trên không gian mạng.

Đồng thời tập trung phát triển những công cụ để lọc tự động, báo cáo phát hiện về xâm hại trẻ em trên môi trường mạng giúp nhanh chóng phát hiện hành vi xâm hại và tăng cường khả năng phòng ngừa.

Cần trang bị cho trẻ kỹ năng cần thiết để khám phá thế giới số một cách an toàn và hiệu quả

Chia sẻ về vấn đề này, bà Phan Thị Kim Liên, Quản lý Chương trình Bảo vệ trẻ em và Thúc đẩy sự tham gia của trẻ em, World Vision International tại Việt Nam chia sẻ: "Môi trường số ngày nay đang hiện hữu trong mọi mặt đời sống của tất cả mọi người, trong đó trẻ em cũng không ngoại lệ, đem lại vô vàn cơ hội cùng những rủi ro cho sự phát triển của trẻ em. Tại Việt Nam, cứ 10 trẻ em thì có 9 em sử dụng Internet”.

nh màn hình 2024-11-22 lúc 08.53.52
Nhiều người thường lầm tưởng trẻ em ở thành thị có cơ hội sử dụng Internet nhiều hơn nhưng trên thực tế, việc sử dụng Internet không có quá nhiều sự khác biệt giữa trẻ em nông thôn và thành thị (Báo cáo Ngăn chặn hành vi gây tổn hại của UNICEF 2022).

Để bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em trên môi trường mạng, bà Liên đề xuất một số giải pháp như sau.

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, năng lực, vai trò trách nhiệm của trẻ em, thúc đẩy văn hóa mạng ở người trẻ. Đồng thời nghiên cứu về trải nghiệm, hành vi, thói quen của trẻ em, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh.

Thứ hai, cung cấp các chương trình tư vấn và hỗ trợ tâm lý cho trẻ em có hành vi lệch lạc, giúp các em thay đổi và hòa nhập cộng đồng; nâng cao nhận thức về hành vi vi phạm, bao gồm hành vi tình dục trực tuyến gây hại. Đặc biệt, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho trẻ em và cộng đồng hiểu rõ hơn về các loại hình xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em trực tuyến.

Thứ ba, trang bị cho trẻ em những kỹ năng cần thiết để khám phá thế giới số một cách an toàn và hiệu quả, đồng thời rèn luyện khả năng tư duy phản biện để tránh những nguy cơ tiềm ẩn trên mạng. Đồng thời, tìm hiểu sâu hơn về cách trẻ em sử dụng internet, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp để bảo vệ trẻ em mà vẫn tôn trọng quyền riêng tư của các em.

Thứ tư, thúc đẩy sự tham gia của trẻ trong các giải pháp thúc đẩy trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo và lấy ý kiến của trẻ em trong các chương trình truyền thông giáo dục, dịch vụ, chính sách liên quan.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận