Vụ Hiệu trưởng yêu cầu nam nữ ngồi riêng, kỳ thị giới tính: Học trò LGBT bức xúc lên tiếng
Hiệu trưởng yêu cầu nam nữ ngồi riêng, động chạm đến vấn đề giới tính khiến nhiều em học sinh thuộc cộng đồng LGBT sốc, cảm thấy bị tổn thương. Thông qua Tạp chí điện tử Trẻ em Việt Nam, một số em bức xúc lên tiếng.
Tin nhắn sốc từ Hiệu trưởng yêu cầu nam nữ ngồi riêng
Trong thời gian gần đây, trên nhiều trang mạng xã hội đều lan truyền đoạn tin nhắn của Hiệu trưởng trường THPT Dương Văn Thì gửi đến các thầy cô có nội dung như sau: “Không được bố trí nam nữ ngồi chung bàn, đặc biệt các em nam/nữ có vấn đề về giới tính (đồng tính nữ/nam) cần được bố trí ngồi riêng”.
Chiều 3/11, trong cuộc họp báo, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đã thông tin với truyền thông về tin nhắn gây tranh cãi từ cô Nguyễn Thị Thanh Trúc, Hiệu trưởng trường THPT Dương Văn Thì (TP Thủ Đức, TPHCM).
Ông Trọng cho biết, đây là tin nhắn nội bộ của Hiệu trưởng gửi cho các thầy cô trong trường nhằm giáo dục, định hướng học sinh để không xảy ra hành vi hành động vượt quá mức tình bạn trong môi trường giáo dục. Do tin nhắn được viết ngắn gọn, không diễn giải đúng nội dung, mục đích mà nhà trường muốn triển khai nên gây ra tình trạng hiểu lầm nhà trường có sự phân biệt, kỳ thị về giới tính.
Sau khi thông tin này được đăng tải, đã rất có nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra, có ý kiến đồng tình nhưng cũng có ý kiến không đồng tình.
Học sinh LGBT cảm thấy bị tổn thương khi đọc tin nhắn
Chị Hồng Minh (Hà Nội) bày tỏ chị ủng hộ cách làm của nhà trường, trên cương vị phụ huynh chị nhận thấy rằng, không phải bậc cha mẹ nào cũng có thể dễ dàng đón nhận việc con mình thuộc cộng đồng LGBT (LGBT là tên viết tắt các chữ cái đầu của cộng đồng những người đồng tính luyến ái nữ (Lesbian), đồng tính luyến ái nam (Gay), song tính luyến ái (Bisexual) và người chuyển giới (Transgender).
Đồng quan điểm với chị Hồng Minh, anh Nam (Hà Nội) cho rằng: “Lúc này học sinh đang phát triển cả thể chất và nhân cách, đó là cách làm của nhà trường, nên để nhà trường quản lý”.
Tuy nhiên, trái với quan điểm đồng tình, bạn T.M.T trong cộng đồng LGBT thổ lộ, bạn cảm thấy rất sốc và lo lắng khi tin nhắn ấy được lan truyền, bạn cho biết, những người thuộc cộng đồng LGBT không có lỗi, không ai được phép chọn sẵn giới tính từ khi sinh ra. Và cũng muốn sống thật với bản thân và gia đình.
“Nếu ngay từ trường học đã định hướng về cách nhìn nhận những người thuộc cộng đồng LGBT như vậy thì ngoài xã hội những người như chúng em sẽ khó được cởi mở và sống đúng với con người của mình. Dù đoạn tin nhắn ấy được giải thích không mang tính kì thị về giới, em cũng cảm thấy lo ngại”, bạn M.T nghẹn ngào.
"Em tự hỏi, trường học có còn an toàn không? Ngay tại nơi dạy chúng em học làm người tử tế mà cách hành xử lại thiếu tử tế, văn minh, tôn trọng học sinh như vậy. Tin nhắn đó khiến em và nhiều người bạn của em rất buồn. Em tự hỏi, thầy cô có đặt hoàn cảnh nếu con cái mình cũng thuộc cộng đồng LGBT thì sẽ ứng xử thế nào, có viết ra tin nhắn đau lòng như vậy không", bạn N.K.T bức xúc.
“Người thuộc cộng đồng LGBT được pháp luật bảo vệ và được quyền học hành, vui chơi. Tôi thấy rằng, không nên để suy nghĩ cá nhân mà áp đặt vô lý lên các con. Trường học nên định hướng thay vì cấm đoán, áp đặt vô lý sẽ phản tác dụng và phản giáo dục trong môi trường sư phạm”, phụ huynh Lâm Anh cho ý kiến.
Theo báo cáo nghiên cứu bạo lực học đường trên cơ sở giới tại Việt Nam do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc thực hiện năm 2016 đã chỉ ra, những học sinh coi là LGBT (bao gồm cả học sinh không theo chuẩn mực giới) có nguy cơ dễ phải trải qua các hình thức bạo lực học đường đáng kể so với các bạn học khác. Trong nghiên cứu, 71% học sinh LGBT đã trải qua bạo lực thể chất, 72,2% bạo lực lời nói, 65,2% bạo lực tâm lý xã hội, 26% bạo lực tình dục và 20% bạo lực liên quan đến công nghệ thông tin.
Sau vụ việc tin nhắn gây hiểu lầm đó, Hiệu trưởng trường THPT Dương Văn Thì cho biết, sẽ rút kinh nghiệm trong việc sử dụng từ ngữ.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất