08:30 04/07/2023

Bé trai 9 tuổi chậm phát triển nghi bị cô giáo bạo hành

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Quốc Anh (t/h)

Mẹ bé trai 9 tuổi chậm phát triển nghi bị cô giáo bạo hành cho biết, chị phát hiện cơ thể con có nhiều vết bầm tím, đặc biệt ở vùng mông, kèm theo biểu hiệu hoảng loạn, sợ hãi.

Không phải lần đầu tiên bé bị cô giáo đánh

Ngày 30/6, Công an phường Phương Liệt (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đang xác minh vụ cháu bé 9 tuổi nghi bị cô giáo bạo hành.

Trước đó, mạng xã hội xuất hiện bài đăng tố cáo cô giáo bạo hành cháu bé 9 tuổi chậm phát triển. Nội dung đoạn tin nhắn Zalo được chụp lại cho thấy, cháu bé bị chậm phát triển dạng tăng động được phụ huynh nhờ giáo viên dạy dịp nghỉ hè.

Địa chỉ cháu bé học tại một tòa nhà ở đường Giải Phóng, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân.

be9tuoi
Vết thâm tím trên người cháu bé nghi bị bạo hành - Ảnh: MXH

Trước khi nghỉ hè, phụ huynh thuê cô giáo trông con trai 2 tiếng mỗi buổi chiều, học phí khoảng 8 triệu đồng/tháng. Đến khi nghỉ hè, cô giáo nhận trông, dạy cả ngày, chi phí khoảng 13 triệu đồng/tháng.

Trong cuộc trao đổi giữa phụ huynh này với một người khác, vị phụ huynh gửi nhiều hình ảnh con của mình bị đánh bầm tím trên cơ thể, đặc biệt ở vùng mông.

Thông tin sau khi được đăng tải đã gây xôn xao cộng đồng mạng. Nhiều ý kiến bày tỏ việc cô giáo có hành vi bạo hành với trẻ nhỏ mà lại là trẻ chậm phát triển thì càng không thể chấp nhận.

Lãnh đạo UBND phường Phương Liệt cho biết qua xác minh được biết căn hộ ở số 360 phố Giải Phóng được cô giáo này thuê ở và tổ chức dạy tự phát. Hiện công an đang tiếp tục làm rõ vụ việc này.

Chị V.A. (mẹ cháu bé) cho biết, con trai chị bị tự kỷ. Trong quá trình gửi cháu, đến ngày 20/6, chị phát hiện cơ thể con có nhiều vết bầm tím, đặc biệt ở vùng mông, kèm theo biểu hiệu hoảng loạn, sợ hãi.

Chị thắc mắc hỏi cô T. (cô giáo nhận trông trẻ) thì người này nói con bị ngã. Tuy nhiên, sau khi xem kỹ vết thương, chị A. khẳng định con trai bị đánh. Con trai của chị cũng cho biết bị 2 cô giáo đánh.

Ngày 21/6, chị A. hẹn gặp nói chuyện với cô T.. Cô giáo này thừa nhận có đánh con trai chị và khẳng định chỉ có mình đánh bé trai, không có ai khác tham gia.

Chị A. kể lại: "Thời điểm đó, tôi thương cảm cô giáo còn trẻ nên không định tố cáo mà chỉ yêu cầu cô viết bản cam kết sẽ không đánh con nữa. Nhưng vài ngày sau, con khẳng định với mẹ bị 2 cô giáo đánh".

Cảm thấy cô giáo không trung thực, chị A quyết định tố cáo vụ việc với Công an phường Phương Liệt.

Đại diện gia đình cũng cho biết: "Cô T. từng có ý muốn bồi thường gia đình bằng 6 tháng học phí nhưng tôi từ chối và quyết định tố cáo. Bởi cảm thấy cô không trung thực và không muốn có thêm bé nào bị đánh nữa".

Cô giáo có thể bị xử lý hình sự?

Trao đổi trên Dân trí, Luật sư Lưu Thị Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, Điều 4 Luật Trẻ em 2016 quy định bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em. Theo thông tin mẹ bé trai chia sẻ, cô Th. đã đánh đập, xâm hại sức khỏe cháu bé nên đây là hành vi có dấu hiệu bạo lực trẻ em, căn cứ quy định của Luật Trẻ em 2016.

Trường hợp này, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục củng cố lời khai để làm rõ tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi này. Tùy thuộc các căn cứ trên, cô giáo có thể bị xem xét xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Dưới góc độ hành chính, hành vi bạo hành trẻ em nếu không gây ra thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của nạn nhân thì người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt 10-20 triệu đồng về hành vi Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em, căn cứ khoản 1, Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Dưới góc độ hình sự, luật sư Trang cho rằng cần làm rõ nhiều vấn đề như thực sự có hành vi đánh đập đối với cháu bé hay không; nếu có, cô giáo đã bạo hành bé bằng hình thức nào, tác động vào những bộ phận nào trên cơ thể, tần suất, cường độ lực tác động ra sao hay ý chí chủ quan của cô giáo khi bạo hành bé là gì?...

Tùy thuộc kết quả xác minh của cơ quan chức năng, trong trường hợp xử lý hình sự, cô giáo có thể bị xem xét các tội danh theo Bộ luật Hình sự 2015 như Hành hạ người khác (Điều 140), Cố ý gây thương tích (Điều 134) hay Giết người (Điều 123). Ngoài ra, người thực hiện hành vi hành hạ, ngược đãi đối với trẻ em còn phải bồi thường cho cha mẹ hoặc người giám hộ của các bé số tiền để bù đắp những tổn thất vật chất thực tế và tổn thất tinh thần.

Còn luật sư Tạ Anh Tuấn (Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia luật và liên danh) nhìn nhận, dưới góc độ khoa học pháp lý, để hành vi cấu thành tội Hành hạ người khác cần có 4 yếu tố cấu thành như sau:

Về mặt khách thể, người thực hiện hành vi đã đánh đập, dùng lời lẽ dọa nạt, uy hiếp tinh thần, xâm phạm đến quyền được bảo hộ đến tính mạng, sức khỏe, tự do, danh dự của người bị lệ thuộc là các cháu ở tuổi mầm non được Luật Trẻ em bảo vệ.

Về mặt khách quan, cô giáo thực hiện hành vi bạo lực như dùng chân tay, vật dụng khác để đánh đập bé, dùng lời lẽ dọa nạt, uy hiếp, gây đau đớn về thể xác, đè nén, áp bức về mặt tinh thần, khiến cháu lo sợ, hoảng loạn.

Về mặt chủ thể, người thực hiện hành vi phạm tội từ đủ 16 tuổi trở lên còn nạn nhân phải là người bị lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần, công việc, giáo dục hay tín ngưỡng…

Về mặt chủ quan, hành vi được thực hiện với lỗi cố ý.

Từ những phân tích trên, luật sư Tuấn nhìn nhận theo lời kể của mẹ cháu bé, hành vi có dấu hiệu của tội Hành hạ người khác. Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục thu thập lời khai, củng cố chứng cứ để làm rõ dấu hiệu hình sự trong vụ việc này.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận