10:52 01/08/2023

Cho trẻ ăn mì ăn liền như nào đảm bảo dinh dưỡng?

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Tâm An (t/h)

Mì gói hoàn toàn có thể đưa vào bữa ăn trong gia đình, có thể thay thế bữa chính hoặc bữa phụ đều được. Vấn đề là chúng ta cần chọn loại mì có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng từ nguyên liệu đến cơ sở chế biến có uy tín và phải biết chế biến cho dinh dưỡng hơn.

Nhiều các bậc cha mẹ hiện nay lo lắng về việc trẻ em sử dụng quá nhiều thức ăn nhanh, lơ là các món ăn truyền thống, từ đó có thể dẫn đến thói quen ăn uống sai lệch, kéo theo mất cân bằng dinh dưỡng, thừa cân, béo phì. Bởi lẽ, khi ăn quá nhiều/hoặc quá ít một loại thực phẩm sẽ khiến cơ thể dư một số chất dinh dưỡng và thiếu những dưỡng chất khác do không có cơ hội ăn món khác. Vì vậy, việc hướng dẫn trẻ cách ăn sao cho đúng khoa học, lành mạnh, để trẻ có thói quen ăn uống đúng ngay từ khi còn nhỏ là rất cần thiết.

586136495-H
Ảnh: parenting

Mì ăn liền có nhiều tác hại?

Tại Chương trình tọa đàm với chủ đề "Hiểu đúng về Mì ăn liền" do Báo điện tử VTC News tổ chức, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia cho biết, theo quan điểm của tôi, mì gói hoàn toàn có thể đưa vào bữa ăn trong gia đình, có thể thay thế bữa chính hoặc bữa phụ đều được. Vấn đề là chúng ta cần chọn loại mì có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng từ nguyên liệu đến cơ sở chế biến có uy tín. Các khâu từ chọn lựa đến sản xuất, đóng gói đều đứng về khía cạnh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người sử dụng.

Bên cạnh đó, kiến thức từ người tiêu dùng cũng quan trọng. Khi chúng ta đã lựa chọn được gói mì tốt rồi, thì còn phải biết chế biến cho dinh dưỡng hơn.

Trong gia đình chúng ta có sẵn các loại rau, gia vị như xà lách, hành tây… cũng sẽ giúp chế biến nhanh 1 bát mì ăn liền. Rồi chúng ta có thể cho thêm quả trứng, mấy miếng giò để được 1 bát mì cân đối, đủ các nhóm thực phẩm từ chất bột đường, chất béo, protein, rau xanh, quả chín. Nếu ăn xong mà không vội thì có thể ăn thêm 1 quả chín gì đó, giúp bữa ăn thêm cân đối.

Đồng quan điểm, tại buổi tọa đàm, chuyên gia dinh dưỡng PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề cho biết, trước việc xuất hiện những xu hướng thực phẩm như thực phẩm ăn nhanh, mì gói…, chúng ta cũng không thể cấm trẻ con không nên ăn mà chúng ta lựa chọn ăn sao cho an toàn cũng như chế biến hợp lý để có bữa ăn lành mạnh.

Tuy nhiên, với mì gói thì việc đọc nhãn mác cũng có thể thấy rất nhiều nguồn thực phẩm khác nhau. Ví dụ như mì gói có loại sản xuất từ lúa mì, lúa mạch… Như ở Nhật thì mì gói còn sản xuất từ gạo, nhóm ngũ cốc. Do vậy chúng ta phải có thêm các thực phẩm khác như nhóm vitamin và khoáng chất từ rau, củ, quả, thêm nhóm đạm vào thì mới có 1 bát mì đầy đủ chất dinh dưỡng.

Theo PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung, đối với bất kì một xu hướng nào, chúng ta cũng không nên cực đoan từ góc độ này hay góc độ khác. Nếu như chúng ta luôn luôn khuyến khích các bạn nhỏ ăn, chúng ta cũng biết nhược điểm của chế độ ăn nhanh của các nước đang phát triển sẽ thiếu đi sự đa dạng.

Vì vậy, ngay cả các bữa sáng, chúng ta cũng phải phân bố một cách đồng đều các món bún, miến, phở mỗi ngày. Chúng ta cũng khuyến khích mỗi ngày một món thay đổi, cũng có những bữa là mì. Chúng ta không cấm cản đến nỗi các bạn thèm quá và đến lúc ăn được thì lại không khống chế được.

PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung phân tích, những gói mì ấy ăn vào buổi chiều tan trường, khi ấy cơ thể không cần quá nhiều năng lượng nữa, trong khi bữa ăn thay thế hẳn cho bữa sáng mà lại ăn vào buổi không cần năng lượng thì cũng đem đến nguồn năng lượng rất nhiều.

Nhiều bạn thức khuya, thức đến 1-2h đêm mà lúc đó đói lại úp bát mì để ăn thì cũng quá nhiều năng lượng cho bữa đêm.

co-nen-cho-tre-an-mi-tom-2_800x400

Ăn mì gây nóng?

Về vấn đề này, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm phân tích, nóng trong người thường được hiểu như khi trẻ bị táo bón, mẹ sẽ bảo là do ăn món này, món kia nên bị nóng. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu bản chất rằng, các khẩu phần ăn, đặc biệt là của học sinh, sinh viên thường lười ăn rau xanh và quả chín, dẫn đến thiếu chất xơ. Chính đây là nguyên nhân gây ra hiện tượng táo bón thường xuyên.

Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa là do uống ít nước. Ở tuổi học sinh, các cháu chạy, chơi, vận động ra mồ hôi rất nhiều nhưng không có ý thức uống đủ nước. Đối với độ tuổi học sinh cấp 1, cấp 2, cũng phải cần bổ sung đủ nước, từ 1 - 2 lít nước mỗi ngày. Khi cơ thể thiếu nước thì sẽ tăng hấp thu nước ở đường ruột, dẫn đến táo bón.

Có một thực trạng là nhiều người ăn những loại quả có vị chát như hồng xiêm chưa chín, mận còn xanh, ổi chát, sung… điều này cũng có thể gây táo bón ở người trưởng thành.

Một tình trạng nữa là thiếu vitamin D. Theo các nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng, 50% người Việt Nam thiếu vitamin D. Chính điều này làm cho canxi trong khẩu phần ăn không được hấp thu. Đặc biệt như khi các em nhỏ uống sữa rất nhiều, nhưng trong đó có ít vitamin D thì canxi không được hấp thu, đọng trong lồng ruột và gây ra táo bón.

Ngoài ra, ở Việt Nam, quy trình vệ sinh ở nhà trường không sạch sẽ, các cháu mót đi ngoài nhưng sợ, nhịn, tạo thành thói quen dẫn đến táo bón.

“Ở các bạn học sinh, sinh viên thường vận động quá ít, mà thời gian tĩnh tại nhiều như xem tivi, chơi điện tử, học bài… cũng là nguyên nhân góp phần gây thêm tình trạng táo bón. Do vậy, nguyên nhân gây táo bón thì rất nhiều, chúng ta cứ “đổ oan” cho mì gói thì cũng không đúng”, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm cho biết.

Có nên cấm trẻ ăn mì ăn liền?

Theo PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung, thực tế, chúng ta không cấm được trẻ em. Chúng ta cũng biết rằng kẹo và nước ngọt không tốt cho sức khỏe. Có những em bé bị bố mẹ cấm đến 5 tuổi, chưa bao giờ được ăn một cái kẹo hay nước ngọt. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng, với đường tự do thì có những khuyến cáo, ví dụ như theo khuyến cáo mới của Tổ chức Y tế Thế giới là có thể dùng dưới 12g/ngày. Như vậy, đối với một cái kẹo nhỏ thì không đến mức quá nghiêm trọng như vậy.

Nhiều khi chúng ta hơi cực đoan, dẫn đến việc ngược lại là bỗng một ngày đứa trẻ phát hiện ra là cái kẹo này rất ngon, và khi lên đến bậc tiểu học, THCS, THPT thì lúc đó có những bạn đã không thể kiểm soát được. Vậy, tốt nhất là chúng ta chung sống với tất cả môi trường xung quanh, hướng dẫn con lựa chọn. Ngay cả với những bài học dinh dưỡng, chúng tôi cũng đều hướng dẫn các con đọc nhãn mác, lựa chọn thức ăn khi ở bên ngoài.

Với mì gói cũng vậy. Thực tế đây cũng là một thực phẩm đã được công bố, có quy trình sản xuất. Khi mà các cục, chi cục ATTP cấp giấy phép sản xuất thì có nghĩa đây là một sản phẩm an toàn. Tuy nhiên, có những sản phẩm ở vùng sâu vùng xa, không có nhãn mác, quy trình chưa chuẩn… thì khi ấy chúng ta phải lựa chọn.

“Bây giờ, các bạn đang có xu hướng thích ăn những thực phẩm rất cay. Một số món mì nhập khẩu rất cay. Những vị cay đấy có thể ảnh hưởng tới dạ dày và gây nóng. Do vậy, chúng ta phải lựa chọn một cách phù hợp. Còn để cấm các bạn nhỏ tuyệt đối thì rất khó”, PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung nói.

PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung chia sẻ: Chúng tôi cũng triển khai một nghiên cứu, tìm hiểu về các loại thực phẩm mà các bạn nhỏ yêu thích và mua ở xung quanh cổng trường, thì mì gói cũng là một thực phẩm được mua rất nhiều. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là ăn vào buổi chiều tối, như vậy có thể cũng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nữa. Bởi lúc đó, nước không còn hợp vệ sinh, cốc cũng đã bốc ra rồi, chưa rửa tay hay đũa cũng mất vệ sinh cả ngày…

"Cho nên, với tất cả xu hướng thực phẩm, về cơ bản, chúng tôi đã hướng dẫn cho các con biết lựa chọn và thay đổi, biết ăn và sử dụng một cách vừa phải để không gây hại cho sức khỏe mà vẫn được thưởng thức các món ăn yêu thích. Còn nếu rằng ngày nào cũng ăn mì gói thì chúng tôi không khuyến khích", PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung nói.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận