06:59 17/02/2025

Dạy thêm, học thêm: "Đặc sản" trường công, xa lạ ở trường tư

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Sau 4 năm triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, vấn nạn dạy thêm - học thêm vẫn tràn lan, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định sẽ tiến hành thanh tra, xử lý những trường hợp vi phạm sau khi Thông tư 29 có hiệu lực từ ngày 14/2.

Kiểm soát chặt quy trình dạy thêm giảm áp lực cho học sinh, phụ huynh và xã hội

Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ 14/2/2025 với nhiều điểm mới đang tạo ra nhiều luồng ý kiến khác nhau. Nhiều phụ huynh cho rằng, việc dạy thêm, học thêm đã trở thành một "đặc sản" không mong muốn ở các trường công lập. Họ lo lắng và cảm thấy áp lực khi con em mình phải tham gia các lớp học thêm để theo kịp chương trình học.

Trong khi đó, các trường tư thục lại ít khi gặp phải tình trạng này. Điều này khiến nhiều phụ huynh đặt ra câu hỏi: Tại sao lại có sự khác biệt lớn như vậy giữa trường công và trường tư về vấn đề dạy thêm, học thêm? Do chương trình học ở trường công quá nặng, gây khó khăn cho học sinh trong việc tiếp thu kiến thứ hay do cách thức giảng dạy ở trường công chưa thực sự hiệu quả, khiến học sinh phải tìm đến các lớp học thêm để bổ sung kiến thức? Hoặc cũng có thể do áp lực thành tích từ phía phụ huynh và xã hội, khiến các trường công lập phải "gồng mình" để đáp ứng, dẫn đến tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan?

học thêm
Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiêm cấp ép buộc học sinh học thêm dưới mọi hình thức.

Chia sẻ với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, thầy Phạm Bảo Trương – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS và THPT Quốc Tế Hòa Bình cho biết, học sinh của trường ít khi phải học thêm vì chương trình học được thiết kế và điều chỉnh để cung cấp lượng kiến thức phù hợp với năng lực của học sinh, sao cho các em có thể nắm vững bài ngay tại lớp. Ngoài ra, nhằm chú trọng phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực của học sinh, các em luôn được khuyến khích học ngoại ngữ và tham gia các hoạt động ngoại khóa. 

Đặc biệt, thay vì lối mòn kiểm tra truyền thống như trước đây, trường đã áp dụng các hình thức đánh giá đa dạng hơn như báo cáo, thuyết trình, thực hành thí nghiệm và hoạt động dự án,... Điều này không chỉ giúp học sinh hạn chế học thuộc lòng mà còn giúp các em tự tin hơn khi giao tiếp trước đám đông. Số lượng bài kiểm tra trên giấy cũng được giảm bớt, giúp các em dễ thở hơn. Đề kiểm tra cũng không còn “hàn lâm” mà thay vào đó là những câu hỏi sát với thực tế, giúp các em học sinh có thể vận dụng kiến thức một cách linh hoạt.

"Với những thay đổi trong phương pháp kiểm tra đánh giá, học sinh có thể chủ động hơn trong quá trình học tập. Các em không còn bị áp lực nhiều về mặt điểm số mà thay vào đó, được khuyến khích tự tìm hiểu, khám phá, phát triển các kỹ năng mềm như thuyết trình, làm việc nhóm và giải quyết vấn đề”, thầy Trương nói.

học thêm
Thầy Phạm Bảo Trương nhấn mạnh, việc đánh giá học sinh không nên chỉ dựa vào một bài kiểm tra cuối khóa mà là cả một quá trình. Giáo viên cần theo sát và quan tâm học sinh nhiều hơn để giúp các em giải quyết những khó khăn trong học tập (Ảnh: NVCC).

Trong bối cảnh giáo dục hiện nay, việc dạy thêm sẽ dần trở nên không cần thiết nếu giáo viên biết cách đổi mới phương pháp giảng dạy, tận dụng hiệu quả công nghệ và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quá trình dạy học, đồng thời áp dụng đa dạng các hình thức kiểm tra đánh giá. Khi đó, việc học của học sinh sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn, đồng thời khả năng áp dụng kiến thức vào thực tế cũng được nâng cao.

"Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đánh dấu một bước chuyển mình quan trọng, tập trung vào việc phát triển toàn diện cho học sinh. Thay vì chỉ chú trọng vào kiến thức, chương trình mới còn đề cao việc vận dụng kiến thức vào thực tế, phát triển kỹ năng, xây dựng các mối quan hệ xã hội và hình thành nhân cách cho học sinh. Tôi hoàn toàn ủng hộ những thay đổi này và trường chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục xây dựng môi trường học tập hạnh phúc cho học sinh", thầy Trương khẳng định.

Ngăn chặn triệt để dạy thêm - học thêm để trẻ em được giáo dục toàn diện

Chia sẻ với Tạp chí Trẻ em Việt Nam, em Nguyễn Gia Hân, học sinh lớp 11.1 Trường Liên cấp Quốc Tế Hòa Bình, đã chứng minh rằng việc học thêm là không cần thiết nếu có sự nỗ lực và phương pháp học tập đúng đắn. Theo học tại trường từ năm lớp 4, Gia Hân luôn đạt thành tích học sinh giỏi và xuất sắc.

Gia Hân chia sẻ, tại trường, các em luôn được thảo luận nhóm, chơi trò chơi trả lời câu hỏi để tăng cường sự tương tác và chủ động của học sinh. Bên cạnh đó, việc làm bài tập nhóm, thiết kế sơ đồ tư duy, tìm hiểu và thuyết trình giúp em phát hiện ra những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, từ đó ghi nhớ kiến thức sâu sắc hơn. Đồng thời, em được rèn luyện tinh thần trách nhiệm, kỹ năng quản lý thời gian và khả năng giải quyết tình huống, những kỹ năng rất cần thiết cho quá trình học tập trong tương lai.

Em Lê Thuỳ Linh, học sinh lớp 9 tại một trường tư ở Hà Nội, đã có những chia sẻ về sự khác biệt giữa trường công và trường tư mà em đã trải nghiệm. Sau 2 năm chuyển từ trường công sang trường tư, Thùy Linh nhận thấy khối lượng bài tập về nhà ở trường tư cũng không hề ít hơn so với trường công. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất là em không còn phải "vật lộn" với đủ loại bài nâng cao, đề cương ở các lớp học thêm như trước đây.

Trước đây, lịch học một tuần của Thùy Linh dày đặc với 5 buổi học thêm mỗi tối. Em phải chạy đua với đề cương, đề thi thử chất chồng trên bàn học và thường xuyên về nhà muộn, thay quần áo và ăn tối lúc 20h. Việc học thêm đã chiếm gần hết thời gian nghỉ ngơi, giải trí khiến em cảm thấy áp lực và vô cùng sợ học. Tuy nhiên, sau khi chuyển sang trường tư, Thùy Linh đã có một trải nghiệm học tập hoàn toàn khác biệt. Em chỉ cần dành khoảng 1,5 - 2 tiếng mỗi tối để làm bài tập và không còn phải lo lắng về việc học thêm nữa.

"Ở trường tư, em không còn phải học thêm nhiều như trước, có nhiều thời gian hơn cho bản thân và cảm thấy thoải mái, vui vẻ hơn khi học tập. Đặc biệt, em rất phấn khích và háo hức mỗi khi có các buổi ngoại khoá kết hợp kỹ năng sống do nhà trường tổ chức", Thuỳ Linh chia sẻ.

Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, anh Dương Đình Duy (quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, chương trình học ở các trường công lập hiện nay đang quá tải, kiến thức quá nhiều và khó, khiến học sinh khó theo kịp nếu chỉ học ở trường.

“Nhiều phụ huynh cho con đi học thêm là vì sợ con không theo kịp bài vở, tốc độ giảng bài của giáo viên trên lớp. Gốc rễ đến từ chương trình học quá nặng nề, nếu không học thêm, học sinh không thể có đủ lượng kiến thức để đáp ứng việc kiểm tra, thi cử. Trong khi tâm lý nhiều phụ huynh vẫn đặt nặng thành tích, mong muốn con mình phải đạt điểm cao, phải đỗ vào các trường danh tiếng”, anh Duy nêu ý kiến.

Theo vị phụ huynh này, cấm dạy thêm chỉ là chữa phần ngọn, cốt lõi vẫn là làm sao giảm tải chương trình để các em tiếp thu được bài học. Giáo dục nên cải thiện hơn về tư duy, học sinh cần được tăng cường về mặt thể chất, thay vì nhồi nhét kiến thức.

Đồng tình với quan điểm trên, chị Nguyễn Khánh Vy (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, việc ban hành quy định dạy thêm, học thêm sẽ không khiến cho nhu cầu học thêm giảm. Một trong những nguyên nhân chính là tình trạng phân biệt đối xử, "trù dập" học sinh không học thêm ở một số trường công lập. Điều này khiến phụ huynh lo sợ con mình sẽ bị bỏ lại phía sau nếu không tham gia học thêm, từ đó tạo ra một vòng luẩn quẩn.

Nhiều phụ huynh khác cũng đồng tình và cho rằng, ban hành thông tư, quy định về dạy thêm, học thêm là cần thiết nhưng không phải là giải pháp căn cơ, triệt để. Bởi chỉ đến khi nào chúng ta có một nền giáo dục thực sự hạnh phúc cho người học, khi đó, dạy thêm, học thêm nếu có mới thực sự là nhu cầu chính đáng của xã hội.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận