Lách luật, giáo viên có thể "bắt tay" nhau ép nhiều học sinh học thêm?
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra quy định cấm giáo viên dạy thêm cho học sinh của mình, nhưng thực tế vẫn tồn tại những kẽ hở có thể dẫn tới tình trạng "lách luật", tiếp tục gây áp lực ép trẻ nhỏ phải học thêm.
Trong những năm qua, việc dạy thêm học thêm đã trở thành áp lực vô hình với rất nhiều học sinh, từ hình thức tự nguyện đã bị biến tướng trở thành công cụ kiếm tiền cho nhiều giáo viên. Thậm chí mỗi dịp vào hè, các em phải học thêm để "chạy" trước kiến thức, trong khi đáng lẽ đây là thời gian để thể thư giãn, giải trí, nghỉ ngơi, để nạp năng lượng sau một năm học vất vả. Các em còn nhỏ tuổi, nên sức khoẻ thể chất và tinh thần rất quan trọng, nhiều trường hợp học sinh quá tải, áp lực học hành nhiều dẫn đến việc các em không tiếp thu được bài trong lớp, sa sút trí tuệ, dẫn đến chán ghét việc học.
Mới đây, Bộ GD&ĐT tiếp tục siết chặt các quy định về dạy thêm bằng Thông tư 29/2024/TT-BGD&ĐT (có hiệu lực từ 14/2/2025), nhưng vẫn có những lo ngại liệu rằng trong thực tế có thể tồn tại những "quy định ngầm", nhiều phụ huynh và học sinh nhận thấy bất hợp lý nhưng vì lo ngại bị ảnh hưởng nên đành im lặng cho qua?
Tại Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận 91-KL/TW, Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển giáo dục do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 6/2 vừa qua, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã chia sẻ quan điểm liên quan đến Thông tư 29 về quy định dạy thêm, học thêm mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành: "Quan điểm của Bộ GD-ĐT là không cấm hoạt động dạy thêm, học thêm mà chỉ cấm những điều vi phạm về quy định dạy thêm, học thêm; không đúng quy định... Dạy thêm, học thêm phải phù hợp với lợi ích của học sinh. Tức không được ép buộc hay có bất cứ hình thức nào để ép buộc... Những thầy cô chân chính, đủ năng lực, có tâm huyết không bao giờ có những hành vi ép buộc đối với học sinh mình để dạy học có thu tiền. Vì vậy, việc quy định một cách minh bạch như thế chính là bảo vệ sự tôn nghiêm của ngành và của các thầy cô".

Nhiều đứa trẻ nộp tiền học thêm để “mua sự yên tâm”?
Học thêm là nhu cầu chính đáng khi bồi dưỡng năng khiếu, học các chương trình nâng cao. Việc đáp ứng nhu cầu này hoàn toàn theo nguyên tắc tự nguyện, không áp đặt, tuy nhiên, ngày càng trở thành một quy định bắt buộc, "luật bất thành văn". Học sinh tham gia học thêm để không lạc lõng với bạn bè, không bị áp lực từ thầy cô, hoặc để không bị ảnh hưởng đến điểm số. Và học thêm giờ đây, đôi khi chỉ để "mua sự bình yên" cho phụ huynh, không giúp học sinh tiến bộ thực sự.
Ví dụ, một nam sinh lớp 9 ở Hà Nội cho biết, mặc dù thành tích ổn định, em vẫn phải học thêm môn Toán vì phụ huynh muốn cải thiện điểm số. Tuy nhiên, học sinh này không cảm thấy tiến bộ vì lớp học chỉ dạy các bài tập "giải sẵn". Hậu quả là em bị cuốn vào cuộc chạy đua học thêm, thiếu thời gian nghỉ ngơi, tự học hay tham gia hoạt động ngoài giờ.
Một học sinh THPT ở Hà Nội chia sẻ, lịch học thêm của em kín cả tuần, ngoài những môn tự chọn Toán - Văn - tiếng Anh cùng các thầy cô tại trường thì còn phải ôn luyện tiếng Anh từ trung tâm để thi được chứng chỉ EILTS. Mỗi ngày, ngoài thời gian học chính khóa buổi sáng, các em phải tham gia ít nhất ba lớp học thêm toàn thời gian vào buổi chiều và tiếp tục học online với trung tâm vào buổi tối. Thậm chí có cả những môn không thuộc tổ hợp lựa chọn vào đại học nhưng trường vẫn tổ chức nên cả học sinh và phụ huynh im lặng nộp tiền cho con, ngồi hết giờ rồi về.
Nhiều chuyên gia đã từng khẳng định, giáo dục không nên là cuộc đua điểm số. Thay vì chú trọng vào kết quả một cách cơ học, phụ huynh cần quan tâm đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Học thêm không phải là "phao cứu sinh" duy nhất duy nhất để thành công, và mỗi đứa trẻ đều có thế mạnh riêng, có con đường riêng.
Hạn chế dạy thêm để hướng đến giá trị tốt đẹp, không nhồi nhét kiến thức
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định chỉ có ba nhóm đối tượng được dạy bổ trợ kiến thức trong trường, không thu phí: Nhóm có kết quả chưa đạt ở một môn bất kỳ trong học kỳ liền kề; được chọn bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh cuối cấp, tự nguyện đăng ký ôn thi lớp 10, thi tốt nghiệp.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết: “Quan điểm của lãnh đạo Bộ GD-ĐT là trong các nhà trường công lập, giáo viên đã nhận lương nhà nước, sử dụng cơ sở vật chất của nhà nước thì không có chuyện dạy thêm thu tiền của phụ huynh, học sinh”.
Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đông Phương - nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục đại học, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đã chỉ ra một số điểm tích cực của các quy định mới về dạy và học thêm.
Thứ nhất, quy định này giúp giảm tải cho học sinh, tạo điều kiện cho các em nghỉ ngơi, vui chơi và phát triển toàn diện. Nó cũng giúp giáo viên tập trung bồi dưỡng cho học sinh thực sự cần thiết, ngăn ngừa tình trạng dạy thêm vì tiền.

Thứ hai, quy định giáo viên không được dạy thêm cho chính học sinh của mình là hợp lý. Việc học sinh tham gia lớp học thêm của thầy cô trước đây có những trường hợp không phải vì nhu cầu thực sự, mà vì sợ bị thiệt thòi hoặc áp lực từ giáo viên. Thậm chí, nhiều gia đình khó khăn cũng phải xoay xở để đóng học phí thêm.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lí giáo dục Việt Nam cũng đồng tình với hướng quy định của Thông tư 29, ngay từ nguyên tắc đã thể hiện quan điểm đúng và trúng, mang ý nghĩa nhân văn.
Quy định chỉ dạy thêm cho học sinh tự nguyện, phù hợp với khả năng và năng lực của các em là đúng đắn, không phải nhồi nhét thêm kiến thức. Điều này giúp học sinh có thêm thời gian vui chơi, nghỉ ngơi, thời lượng học tập phù hợp với tâm lý lứa tuổi, đảm bảo sức khỏe các em. Việc không thu phí cho ba nhóm đối tượng cũng giúp đảm bảo chất lượng giáo dục, không tạo thêm áp lực học tập cho học sinh.

Vẫn còn kẽ hở để giáo viên lách luật ép trẻ nhỏ học thêm?
Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Đông Phương cũng chỉ ra rằng, quy định này vẫn còn kẽ hở. Học sinh có thể bị ép học thêm dưới các hình thức khác như giáo viên giới thiệu lớp học ngoài trường. Thậm chí, giáo viên có thể "bắt tay" với nhau để giới thiệu học sinh cho nhau, gây áp lực cho phụ huynh, đặc biệt với những gia đình khó khăn.
Ngoài ra, việc cho phép giáo viên dạy thêm ngoài giờ vẫn khiến họ có thể phân tâm, không toàn tâm toàn ý vào dạy chính khóa. Thậm chí, một số thầy cô chỉ dạy qua loa ở trường để dành thời gian chuẩn bị cho các lớp học thêm, hoặc sử dụng thời gian dạy chính khóa để quảng bá các trung tâm học thêm, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Tiến sĩ Lê Đông Phương nhấn mạnh: “Việc mở cửa cho giáo viên đi dạy ngoài chưa thực sự giải quyết được vấn đề, bởi lẽ đối tượng được hưởng lợi ở đây vẫn là giáo viên, chứ không phải học sinh. Do đó, cần có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả hơn để giải quyết triệt để vấn đề này, đảm bảo quyền lợi của học sinh và tạo ra một môi trường học tập công bằng, lành mạnh theo hướng cấm hoàn toàn giáo viên dạy thêm, đồng thời phải xem xét lại chương trình học hiện nay".
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ, các quy định trong thông tư mới chưa phải là “liều thuốc” giải quyết triệt để vấn đề dạy thêm, học thêm hiện nay:
Thứ nhất, nền giáo dục của chúng ta lâu nay chưa hướng tới thực chất nhằm phát triển phẩm chất, năng lực, khả năng sáng tạo cho từng học sinh mà vẫn nặng nề về thi cử, điểm số.
Thứ hai, hiện nay vẫn tồn tại các loại hình trường học khác nhau, chất lượng các nhà trường không đồng đều, cơ sở vật chất nơi rộng rãi, nơi nhỏ hẹp, nơi được đầu tư, nơi còn hạn chế… do đó, phụ huynh luôn có nhu cầu chọn trường tốt cho con. Và dĩ nhiên, chọn trường tốt là nguyện vọng chính đáng của người dân, khó cấm cản. Khi đó, học sinh vẫn phải chạy theo các cuộc thi, điểm số tốt để đáp ứng điều kiện tuyển sinh đầu vào.
"Chừng nào việc tuyển sinh vào các trường top đầu, thi vượt cấp, các lớp chọn, trường chuyên còn áp lực lớn như một cuộc đua, thì nhu cầu học thêm sẽ tiếp tục hiện diện", Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nói và bày tỏ sự ủng hộ quan điểm trường học hướng tới không dạy thêm, học thêm. Bởi lẽ, ba yếu tố để phát triển toàn diện ở trẻ em đó là: Cơ thể khoẻ mạnh; Tinh thần sống thoải mái, có thể phát huy hết năng lực của bản thân khi học tập kiến thức và Trau dồi kỹ năng. Thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới, nhiều trường hiện nay dạy học 2 buổi/ngày đã là rất đủ thời lượng để tiếp nạp kiến thức.

Đầu tháng 2/2025, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh THCS, THPT và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và chủ tịch UBND các tỉnh, thành.
Công điện của Thủ tướng nêu, trong thời gian qua, công tác tuyển sinh THCS, THPT và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm ở một số địa phương còn bất cập, chưa kịp thời xử lý, ảnh hưởng đến các hoạt động dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông, tạo dư luận không tốt trong xã hội.
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp và chịu trách nhiệm toàn diện về công tác tuyển sinh THCS, THPT và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất