06:05 24/11/2022

Mẹ Hà thành xinh đẹp mách bí quyết dạy 3 con ‘không roi vọt’

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Nguyễn Ngọc Anh

Là một người mẹ 3 con, chị Trần Thùy Linh (31 tuổi, sống ở Hà Nội) không tránh khỏi những lúc stress vì con không nghe lời. Nhưng chị luôn quán triệt tư tưởng, dù bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không bao giờ sử dụng đòn roi với các con.

Giúp con tự nhận biết những điều nên làm

Chị Linh quan niệm, bất cứ hành động nào mình làm đều sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hành vi của 3 con. Bé lớn nhà chị mới 5 tuổi rưỡi, con trai thứ hai 4 tuổi và em út hơn 2 tuổi.

Chị Linh chia sẻ với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam: “Tôi không muốn con có tư duy rằng, đòn roi hay bạo lực có thể giải quyết được vấn đề. Nếu con có suy nghĩ như vậy, sau này con sẽ sử dụng bạo lực để giải quyết các vấn đề của bản thân và nghĩ rằng, chuyện đánh nhau là điều bình thường”.

mẹ Hà thành xinh đẹp
Chị Trần Thùy Linh.

Đặc biệt, theo chị Linh, sử dụng đòn roi chính là cách nhanh nhất làm thui chột tư duy của bé. Bởi lẽ, nếu không sử dụng đòn roi, con trẻ sẽ phải suy nghĩ xem mình nên nói như thế nào để thuyết phục người khác, nói làm sao để người khác hiểu và đồng tình với mình.

Như vậy, trẻ mới phát triển được tư duy, biết rút kinh nghiệm và áp dụng kinh nghiệm đó vào những khó khăn đang gặp phải. Ngoài ra, trẻ còn được rèn sự bình tĩnh, nhẫn nại.

“Đòn roi là con đường ngắn nhất để giải quyết vấn đề, bởi nó sẽ làm cho đối phương sợ hãi mà nghe theo. Cha mẹ thường vội vàng áp dụng mà không suy nghĩ thấu đáo.

Việc dừng lại một chút, ổn định tinh thần, suy nghĩ về cách nói chuyện sao cho hợp lý cũng khiến con học được tính nhẫn nại hơn”, mẹ Hà thành cho biết.

Và tác hại lâu dài của đòn roi chính là đẩy các con xa bố mẹ hơn. Trẻ không còn muốn chia sẻ, trò chuyện với bố mẹ, tự thu mình lại, nhất là khi trẻ bước vào tuổi dậy thì.

Vậy nếu không dùng đòn roi thì phải làm gì để các con hiểu và nghe lời? Bí quyết của chị Linh là để con tự chịu trách nhiệm và trải nghiệm hậu quả của việc làm đó.

Me Ha Thanh
Các con đang trong độ tuổi tò mò, chị Linh luôn trả lời mọi câu hỏi của con và thực hiện đúng những gì đã nói với con.

Ví dụ như một lần, Bông - con gái lớn của chị Linh lấy đồ chơi của em Bống khi em chưa cho phép. Khi em lấy lại thì chị Bông tỏ ý giận dỗi. Lúc đó, gia đình chuẩn bị đi chơi, Bông vào trong phòng, không nói chuyện với ai, giận lây sang cả bố mẹ.

Chị Linh bình tĩnh nói với con: “Bây giờ con không đi là lựa chọn của con, con sẽ ở nhà với bà nhé. Mẹ vẫn sẽ đưa các em đi. Khi mẹ về, nếu con bình tĩnh lại rồi, hai mẹ con mình có thể nói chuyện”.

Lúc này, chị thấy con đã biết hành động của mình chưa đúng nhưng con không chấp nhận và chưa biết cách kiểm soát cảm xúc. Đồng thời, con cũng sẽ trải nghiệm hậu quả của việc sẽ ở nhà, không được đi chơi cùng bố mẹ và các em.

Theo chị Linh, việc của bố mẹ trong những tình huống này chỉ là quyết đoán, không thỏa hiệp với con, cũng không cần đánh, mắng vì con sẽ có khả năng tự tư duy.

trẻ em tự đi mua đồ
Chị Linh luôn để các con được tự làm mọi thứ. Khi đi ăn hay mua đồ, các bé nhà chị thường tự ra xin giấy, cốc, đá... nếu con muốn thêm; tự cầm tiền đi trả rồi lấy tiền thừa về cho mẹ. Việc của mẹ sẽ là quan sát để chỉnh sửa cho con, nếu cần.

Bí quyết để con “răm rắp” ngồi vào bàn học

Con gái lớn nhà chị Linh sang năm sẽ bước chân vào lớp một, mới học tiền tiểu học được khoảng một tháng. Ngày nào cũng vậy, cứ ngồi vào bàn viết chữ được một lúc là con lại nói: “Mẹ ơi con chỉ viết đến đây thôi, con không viết nữa đâu” .

“Nhà có em Bin, em Bống vẫn đang lứa tuổi vui chơi, chỉ mình chị Bông phải học bài nên tôi biết, thi thoảng con cũng muốn được chơi như các em. Tôi đã thử một số cách để giúp con yêu thích việc học hơn”, chị Linh tâm sự.

các em bé đáng yêu
3 em bé đáng yêu đang trong độ tuổi mầm non của chị Linh.

Trước tiên, chị nhẹ nhàng chia sẻ với con lý do vì sao cần học bài. Ở tuổi này, giải thích với con về việc học giỏi, đi làm thành đạt, mua nhà mua xe… chị biết con cũng sẽ hiểu nhưng chưa quan tâm lắm.

Thay vào đó, chị tìm hiểu xem con đang thần tượng gì, ví dụ, con thích được giống mẹ vì mẹ nói được tiếng Anh hay khi xem phim “Thương ngày nắng về”, con thích cô Vân Trang vì cô ấy giỏi, làm quản lý.

Lúc đó chị thủ thỉ nói với con rằng: "Nếu con thích giống cô Trang thì bây giờ mình học bài, tập viết chăm chỉ, lớn lên học giỏi thì mới làm như cô Trang được. Và chị thấy con hào hứng hơn với việc học vì có một hình tượng để nhìn vào.

con gái và mẹ
Tờ giấy con gái chị Linh vẽ ô vuông để mẹ viết bài theo con.

Khi ngồi cạnh con, nếu mẹ dùng điện thoại hay làm gì đó giải trí thì có vẻ không công bằng và con cũng dễ bị phân tán. Thế nên, chị Linh thường mang máy tính xách tay ngồi cạnh con tranh thủ làm việc, để con thấy mẹ cũng đang làm việc như mình, con cũng được động viên. Hoặc chị sẽ lấy giấy trắng ra viết cùng con một lúc, hai mẹ con luyện tập.

Gia đình ở chung cư nên thi thoảng, chị Linh lại thay đổi không gian học tập cho con. Thấy sảnh tầng một có dãy bàn làm việc khá yên tĩnh, còn có cả cây xanh nên thỉnh thoảng, chị lại dắt con xuống ngồi dưới đó viết bài. Bông khá hứng thú với không gian mới, ngồi làm bài nhanh hơn.

Cuối cùng, bí quyết của chị Linh là nhờ cô giáo nói chuyện với con về việc học bài. Khi về nhà chị hỏi, con đáp: “Cô bảo con là viết bài chăm chỉ thì sẽ viết đẹp, rồi sau này học giỏi, con thích mua gì cũng được. Con học xong con chụp ảnh cho cô nhé”… Cũng cùng một câu nói, cùng thông điệp tương đồng, vậy mà cô nói thì con nghe ngay và rất vui nữa.

Ảnh: NVCC

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận