Nghệ thuật giúp con lắng nghe lời dạy của cha mẹ
Khi cha mẹ từ chối mua một món đồ chơi hay hạn chế thời gian sử dụng thiết bị công nghệ,.. trẻ thường phản kháng vì mong muốn của chúng không được đáp ứng.
Trong một cuốn sách có tựa đề “Tâm lý kiểm soát của cha mẹ” có nói rằng, để việc nuôi dạy con tốt không thể thiếu tầm quan trọng của việc đặt ra các giới hạn và ranh giới cho trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ cần hiểu rằng việc thiết lập và thực thi những giới hạn này một cách tích cực và mang tính xây dựng mới có thể giúp con trẻ phát triển các kỹ năng cần thiết như tự chủ, đồng cảm và tôn trọng.
Vì vậy, cha mẹ hãy khéo léo trong khi ra quyết định, tránh sự cứng nhắc khiến trẻ có xu hướng sẽ phớt lờ hoặc đôi khi tỏ thái độ thách thức.
Những lời khuyên dưới đây sẽ giúp cha mẹ làm được điều đó:
Từ chối rõ ràng và trực tiếp
Tránh sử dụng những cụm từ mơ hồ hoặc vòng vo. Giả sử con bạn muốn xem một bộ phim không phù hợp với lứa tuổi. Thay vì nói “Con không được xem” hoặc “Không phải bây giờ”, cha mẹ có thể nói “Bộ phim này không dành cho trẻ em. Hãy tìm một bộ phim hoạt hình thú vị đang nổi tiếng và dành cho trẻ em như con nhé.”
Đưa ra lời giải thích
Trẻ em thường hỏi “Tại sao?” khi thấy cha mẹ nói “không”. Thay vì chỉ nói: “Cứ làm theo đi vì mẹ đã nói vậy”, hãy dành một chút thời gian để giải thích lý do với con. Ví dụ, nếu con đòi thức khuya vào buổi đêm, cha mẹ có thể nói rằng: “Ước gì mẹ cũng có thể thức khuya. Tuy nhiên, cả hai chúng ta đều cần ngủ đủ giấc để có thể thức dậy sảng khoái vào buổi sáng mai và đến trường đúng giờ.”
Đưa ra lựa chọn
Bên cạnh việc từ chối, hãy đưa ra cho trẻ những lựa chọn thay thế khác, để chúng nghĩ rằng chúng vẫn còn có quyền lựa chọn, điều này sẽ khiến chúng không cảm thấy quá tổn thương về mặt cảm xúc và kiểm soát tốt hơn phản ứng của mình trước câu nói “không”. Ví dụ: thay vì nói “Không, bây giờ con không được xem TV”, hãy nói “Vẫn chưa đến giờ để con có thể xem TV đâu” hoặc “Hết giờ để con có thể xem TV rồi”. Sau đó, đưa ra lựa chọn thay thế rằng: “Thay vào đó, con hãy đọc sách một chút hoặc chơi cờ vua cho mắt được nghỉ ngơi nhé”.
Nói “có” với những gì trẻ có thể làm
Đừng tập trung vào những gì trẻ không được làm mà hãy tập trung vào những gì chúng có thể làm theo cách khác. Ví dụ, nếu con muốn mặc một chiếc váy công chúa bồng bềnh đi ngủ, thay vì nói “không”, cha mẹ hoàn toàn có thể nói: “Mẹ thấy con thích chiếc váy này nhất, vậy hãy giữ cho nó sạch sẽ và phẳng phiu. Thay vào đó, con hãy thay một chiếc váy ngủ dễ chịu khác thật nhanh và chúng ta có thể cùng nhau đọc truyện nhé”. Hoặc giả sử nếu trẻ muốn viết nguệch ngoạc lên tường, hãy đưa cho trẻ một ít giấy vẽ.
Thừa nhận cảm xúc của họ
Cha mẹ hãy học cách nói với trẻ rằng: “Mẹ hiểu lý do tại sao con đang thất vọng hoặc khó chịu”. Ví dụ, nếu trẻ yêu cầu sô cô la cho bữa sáng, bạn có thể nói, “Mẹ hiểu rằng sôcôla có vẻ là một lựa chọn ngon tuyệt cho bữa sáng. Đôi khi mẹ cũng muốn thưởng thức một món ăn đặc biệt như vậy, nhưng đối với bữa sáng, hãy chọn thứ gì đó giúp con cảm thấy khỏe khoắn và tràn đầy năng lượng, và con có thể ăn sôcôla trong bữa ăn nhẹ”.
Đặt trước kỳ vọng
Trong một vài tình huống nhất định, trẻ có thể mong muốn có được một thứ gì đó nhưng cha mẹ không thể đáp ứng được, do đó hãy đặt ra những kỳ vọng trước tiên. Điều này cho trẻ thời gian suy nghĩ liệu có làm được hay không, sau đó chúng sẽ điều chỉnh kỳ vọng của mình và giảm nguy cơ giận dỗi hay bực tức. Ví dụ, nếu trẻ yêu cầu một gói bánh mỗi khi đi siêu thị”, cha mẹ có thể nói, “Chúng ta đang đi siêu thị để mua những đồ ăn cần thiết, nếu con ngoan ngoãn, học tập chăm chỉ thì lần sau mẹ sẽ mua cho con nhé”. Nếu lần sau trẻ hỏi mua thứ gì đó ở siêu thị, hãy nhắc chúng về thỏa thuận đó.
Thông cảm và thấu hiểu
Hãy đặt mình vào vị trí của trẻ và đáp lại chúng bằng sự đồng cảm và thấu hiểu. Ví dụ, nếu con muốn tiếp tục chơi với món đồ chơi mà chúng đã chơi một khoảng thời gian nhưng đã đến giờ con phải đi tắm, cha mẹ có thể nói: “Mẹ biết con thích chơi với đồ chơi của mình, nhưng đến giờ tắm rồi. Hãy để đồ chơi của con trên kệ gọn gàng ở nơi con có thể nhìn thấy để tắm xong con có thể tiếp tục chơi chúng nhé.”
Nhất quán với các quy tắc
Việc thiết lập quy tắc rõ ràng và cụ thể sẽ giúp trẻ hiểu được những kỳ vọng và giới hạn của cha mẹ chúng. Điều này giúp tránh sự hiểu nhầm và giảm khả năng xảy ra tranh cãi hoặc bất đồng trong gia đình. Ví dụ, nếu bạn thỏa thuận với trẻ rằng cần hoàn thành bài tập về nhà trước khi xem TV hoặc chơi game, hãy tuân thủ quy tắc đó một cách nhất quán.
Cho trẻ đưa ra quyết định
Điều này có thể giúp xây dựng ý thức độc lập và trách nhiệm của trẻ. Ví dụ, nếu trẻ muốn đi du lịch ngoại ô với lớp học của chúng trong 2 ngày, nhưng bạn không muốn trẻ đi chuyến đi này, thay vì nói “không”, có thể nói, “Mẹ biết là con thích chuyến đi này với bạn bè của con. Tuy nhiên mẹ có thể kể đến những lý do mẹ nghĩ chuyến đi này không phù hợp với con…”. Bạn có thể bổ sung thêm sự lựa chọn khác như: “Thay vào đó, chúng ta có thể cùng đi với nhau một chuyến đi trong ngày. Con có thể lựa chọn địa điểm mà chúng ta sẽ đi nhé”.
Nhận biết và thừa nhận hành vi tích cực
Khi con đã chấp nhận câu trả lời “không” của cha mẹ, hãy sử dụng biện pháp tích cực để khuyến khích hành vi đó cũng như củng cố mối quan hệ trong gia đình. Giả sử con đang gặp khó khăn trong việc hoàn thành bài tập về nhà và trước đó bạn đã đặt ra quy định rằng con cần phải hoàn thành bài tập về nhà trước khi xem TV hoặc chơi game.
Trong trường hợp đó, mặc dù chúng vẫn chưa thể hoàn thành hết toàn bộ bài tập về nhà, cha mẹ vẫn có thể động viên con: “Phần thưởng cho việc con đã tự giác làm bài tập về nhà là con có thể thưởng thức trọn vẹn chương trình/trò chơi yêu thích của mình!”.
Bằng cách sử dụng những chiến lược này, bạn có thể truyền đạt những kỷ luật và kỳ vọng của mình đồng thời xây dựng mối quan hệ tích cực với trẻ dựa trên sự tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau và giao tiếp cởi mở.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất