Nhiều phụ huynh còn e ngại nói với con về giới và sức khoẻ sinh sản
Thiếu kỹ năng sống, thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, tình dục, giới tính dễ dẫn đến tình trạng mang thai ngoài ý muốn, phá thai. Hạn chế được vấn đề này đòi hỏi vai trò cha mẹ trong việc đồng hành, giáo dục giới tính cho con là yếu tố rất quan trọng và cần thiết trong suốt quá trình trưởng thành và phát triển của trẻ.
1001 câu truyện “vượt rào”
Nhiều bậc cha mẹ luôn có tâm lý e ngại khi nói chuyện về giới và cách chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình dục với con hoặc do công việc mà bỏ bê việc dạy dỗ con cái. Nhiều người còn cho rằng con còn quá nhỏ để biết chuyện này hoặc lớn rồi chúng sẽ biết, ngày xưa mình cũng có được bố mẹ dạy đâu mà rồi đầu cũng vào đấy hết...
Nhưng các bậc cha mẹ nào có biết, tuổi dậy thì ở bé gái là trong khoảng từ 10 - 16 tuổi, bé trai là 10 - 18 tuổi, đặc biệt thời buổi hiện nay do được chăm sóc chế độ dinh dưỡng tốt nhiều trẻ còn phát triển sớm hơn độ tuổi này từ 2-3 năm. Nhiều trẻ em gái mới học lớp 3 đã có dấu hiệu dậy thì. Khi dậy thì, con sẽ khó tránh khỏi những cảm xúc xao xuyến, tình cảm khác giới, thậm chí là ham muốn.
Trong một lần công tác tại một trường THPT ở Lào Cai để dự một chương trình ngoại khóa về giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên, tôi được một cô giáo tâm sự về 1 trường hợp của một học sinhnam. Em tên là Đạt – học sinh lớp 10, sinh ra trong một gia đình hạnh phúc, bố mẹ nâng niu, chăm sóc, chiều chuộng. Chỉ có điều, bố mẹ em luôn bận rộn với công việc, ít có thời gian quan tâm chăm sóc, dạy dỗ em. Cứ thế, Đạt cứ tự do phát triển như cái cây không được uốn nắn, chăm bẵm. Có lần Đạt tâm sự với cô giáo chủ nhiệm: Hồi học lớp 9 con đã yêu và đã chót “vượt rào” với một bạn gái cùng lớp.
Khi đó, em có về nhà khoe với bố mẹ là con đã có bạn gái, nhưng bố mẹ em nghe xong cũng chẳng thèm để ý mà chỉ nghĩ đơn giản rằng, con mình còn nhỏ nên chắc thích theo kiểu cảm tính và chỉ cười cho qua mỗi khi cậu con trai nói về chuyện yêu đương. Đến một ngày, chuyện tình cảm của Đạt với cô bạn gái cùng lớp đó cũng tan sau những lần “Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” và hơn nữa khi chuyển cấp chúng cũng không còn gặp nhau.
Đạt có dáng hình cao to, ưa nhìn lại hoạt ăn nói, nhìn em không ai nghĩ em vừa học xong lớp 9. Ở em có cái gì đó toát lên sự chững chạc của chàng trai trưởng thành. Sau hơn 1 tháng vào trường em đã “Yêu” được chị học trên mình 1 lớp và em bộc bạch: “Em đã đi quá giới hạn với người yêu”. Lần nay gia đình được cô giáo chủ nhiệm trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, người mẹ chỉ biết thở dài và trách mình chưa dành thời gian chăm con, tâm sự với con, lắng nghe con…
Một câu chuyện khác bản thân tôi đã được trực tiếp chứng kiến khi tác nghiệp tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Tôi nhớ như in hình ảnh một thai phụ rất trẻ, bụng căng tròn, đi lại khó khăn tại hành lang bệnh viện. Khi em nặng nhọc và mệt mỏi ngồi xuống hàng ghế chờ ngay cạnh tôi, tôi liền bắt chuyện và hỏi thăm về hoàn cảnh của em. Sau khi trò chuyện, tôi vô cùng ngạc nhiên khi biết em mới chỉ 15 tuổi, hiện đang học lớp 10 và đang có thai 35 tuần tuổi cùng người bạn trai học cùng lớp.
Chia sẻ với tôi, em nhỏ nghẹn ngào nói: “Sau vài lần học nhóm chung tại nhà bạn ấy, chúng em đã đi qua giới hạn. Tuy nhiên, em không hề biết việc làm “chuyện đó” lại dẫn đến mang thai. Vì không thấy kì kinh đến, em có hỏi cô giáo y tế ở trường và được cô hướng dẫn cách thử thai. Khi biết trong bụng mình đã có một đứa bé 2 tuần tuổi, bản thân em và gia đình đã vô cùng sốc”.
Được biết, em là người đồng bào dân tộc thiểu số, trú tại huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam). Bản thân gia đình em đều là người M’Nông di cư tự do từ tỉnh Kon Tum vào xã Trà Dơn, đời sống không ổn định, cha mẹ bận rộn làm thuê kiếm sống qua ngày, điều kiện kinh tế gia đình vô cùng khó khăn. Do đó, cha mẹ cũng chưa từng có bất kỳ một cuộc nói chuyện nào với em về giới tính, sức khỏe sinh sản.
Không nên bỏ mặc trẻ tự tìm hiểu các kiến thức về giới tính
Theo chuyên gia tâm lý TS.BS Đỗ Minh Loan – Trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, ở lứa tuổi vị thành niên (từ 10 - 18 tuổi), trẻ phát triển mạnh mẽ về tâm lý, sinh lý và các nhu cầu về tính dục. Trẻ bắt đầu mở rộng các mối quan hệ và có những cảm nhận về rung động, thích hay yêu mến một ai đó. Nếu không được tuyên truyền đúng cách, các em rất dễ có các nguy cơ: Quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, dễ bị xâm hại tình dục, dẫn đến mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (kể cả HIV/AIDS), mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn…
Việc giáo dục giới tính đặc biệt quan trọng và cần tập trung vào vấn đề giáo dục sức khỏe sinh sản. Cha mẹ không nên để mặc con tự tìm hiểu về giới tính, tình dục qua mạng xã hội, thậm chí là truyền miệng từ bạn bè, vì có thể trẻ sẽ học được những kiến thức không đúng và có những hành vi sai lệch.
Cha mẹ nên thường xuyên trao đổi, chia sẻ với con, dạy con về những hành động nào được phép và hành động nào không, để giúp trẻ có thể duy trì được tình bạn trong sáng, hạn chế trường hợp nhu cầu tình dục cao quá, dẫn tới quan hệ tình dục quá sớm và không an toàn. Đồng thời cung cấp cho trẻ các thông tin và kỹ năng phòng tránh việc mang thai ngoài ý muốn khi ở tuổi vị thành niên và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
“Việc giáo dục về sức khỏe sinh sản không chỉ là ngăn cấm điều này, ngăn cấm điều kia, mà chúng ta cần giải thích, giãi bày để các con hiểu bản chất thật sự của mối quan hệ tình cảm, qua đó giúp trẻ có thái độ và hành vi đúng, hiểu biết và có trách nhiệm về những quyết định của mình”, TS. Đỗ Minh Loan nhấn mạnh.
Để thực hiện tốt điều này, trước hết cha mẹ và những người lớn xung quanh cần tự trang bị cho mình những kiến thức về giới tính, đồng thời lắng nghe, chia sẻ và giúp trẻ có những nhận thức đúng đắn.
Cha mẹ nên dành thời gian trò chuyện, chia sẻ cùng con
Bác sĩ Mai Xuân Phương, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục (Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế) cho biết, trong thời kỳ vị thành niên, nếu không được trang bị đầy đủ kiến thức về sức khỏe sinh sản, trẻ dễ bị dụ dỗ, lừa gạt, mua chuộc, xâm hại và dễ bắt chước những thói hư tật xấu. Những nguy cơ hay gặp ở trẻ là: Mang thai sớm ngoài ý muốn, dễ sảy thai, đẻ non, nhiễm độc thai, làm tăng nguy cơ tử vong của người mẹ; Làm mẹ quá trẻ, trẻ sinh ra thiếu cân, suy dinh dưỡng, mắc bệnh hoặc thậm chí tử vong. Ngoài ra, việc phá thai ngoài ý muốn ở trẻ vị thành niên có thể dẫn đến các tai biến như nhiễm trùng, thủng tử cung, vô sinh; Mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và thậm chí nhiễm HIV/AIDS. Trẻ có thể bị khủng hoảng, hoang mang về tâm lý…
Vì vậy, trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, cần cung cấp kiến thức để trẻ nữ cần biết cách vệ sinh thời kỳ kinh nguyệt, trẻ nam phải biết phát hiện những bất thường về cơ quan sinh dục của mình để đi khám kịp thời. Không nên quan hệ tình dục trước tuổi trưởng thành để tránh mang thai ngoài ý muốn hoặc mắc bệnh lây qua đường tình dục và nhất là HIV/AIDS. Theo đó, các bậc phụ huynh phải dạy cho các trẻ em gái những kiến thức, kỹ năng cụ thể như cách từ chối tình dục, cách giữ gìn thân thể, cách thoát hiểm, tùy theo lứa tuổi mà có phương thức, nội dung phù hợp.
Chẳng hạn, ở nhà bố mẹ nên dành thời gian trò chuyện tâm sự, chia sẻ giữa mẹ với con gái, bố với con trai. Đây chính là chìa khóa giúp con biết cách tự vệ, giữ gìn bản thân ở mọi hoàn cảnh, khi người khác có cái nhìn khiếm nhã, có động tác đụng chạm, người lạ rủ đi chơi, dụ cho ăn uống, cho quà...
Vấn đề mấu chốt là trang bị cho con gái lứa tuổi vị thành niên kỹ năng sống và biết cách từ chối trước những đòi hỏi hoặc dụ dỗ từ bạn tình; những cách ứng xử hợp lý trong mọi tình huống để giúp con tránh được những nguy cơ có thể đến với chúng.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất