09:32 16/12/2024

Mang thai tuổi vị thành niên gia tăng: Hồi chuông cảnh báo toàn xã hội

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Mang thai tuổi vị thành niên ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người mẹ, thậm chí nguy cơ tử vong mẹ cao hơn so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành. Do đó, việc giúp trẻ nhận thức được sự nguy hiểm của việc quan hệ tình dục và mang thai khi còn quá trẻ là nhiệm vụ quan trọng hiện nay. 

Theo nghiên cứu của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, từ năm 2017 - 2019 có 210 sản phụ dưới 18 tuổi (91 ca ở Hà Nội), chiếm khoảng 0,3% tổng số sinh tại viện này. Trong đó, có một trường hợp 13 tuổi. Hầu hết các trường hợp đều sinh con lần đầu, có 4 sản phụ 16 tuổi sinh con lần 2. Với những trường hợp này, con đầu đều sinh non hoặc đủ tháng nhưng đã mất.

Có thể thấy, trẻ vị thành niên (VTN) sinh con đang có xu hướng ngày càng tăng. Đây là vấn nạn đang được xã hội rất quan tâm, bởi hậu quả của tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, đạo đức lối sống mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống tương lai của trẻ, nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến chất lượng dân số của toàn xã hội. 

Phóng viên (PV) Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã có những trao đổi với TS. Phan Thị Huyền Thương - Phó Giám Đốc Trung Tâm Can Thiệp Bào Thai Bệnh viện Phụ sản Hà Nội về vấn đề này.

z5957715150859_069257436a73dcdc00203bb386371829
Theo TS. Phan Thị Huyền Thương, hiểu biết về chu kỳ kinh nguyệt, quá trình thụ thai, các biện pháp ngừa thai an toàn sẽ giúp các em gái tránh được những tình huống mang thai ngoài ý muốn.

PV: Xin bà cho biết những nguy cơ có thể xảy đến với sản phụ là trẻ vị thành niên? Trẻ sinh ra bởi những bà mẹ tuổi vị thành niên sẽ đối mặt với rủi ro nào, thưa bà?                                                      

TS. Phan Thị Huyền Thương: Thông thường, trẻ vị thành niên mang thai thường không được chăm sóc trước khi sinh đủ sớm do các em không biết mình mang thai hoặc giấu gia đình. Đây là một trong nhiều lý do khiến thanh thiếu niên mang thai và con của họ có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe cao hơn so với phụ nữ mang thai ở tuổi trưởng thành.

Khi tôi tham gia Nghiên cứu về kết cục thai kỳ của các trẻ VTN sinh tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, tỷ lệ tử vong trẻ em sinh ra bởi các bà mẹ tuổi VTN trong năm đầu cao hơn so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành. Con của các bà mẹ vị thành niên thường tăng tỉ lệ nhẹ cân, mắc bệnh tật và phải điều trị tại khoa chăm sóc tích cực sơ sinh. Đặc biệt, các em dễ gặp các vấn đề sức khỏe không tốt kéo dài do hệ miễn dịch và khả năng phát triển của trẻ bị ảnh hưởng bởi chế độ dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe của mẹ khi mang thai chưa đầy đủ.

Hơn nữa, các sản phụ mang thai ở tuổi VTN dễ gặp nguy cơ cao về sức khoẻ như sinh non, dễ bị thiếu máu, tiền sản giật, chuyển dạ đình trệ,...  Trong lúc sinh người mẹ tăng nguy cơ đối mặt với việc đẻ khó, dễ phải can thiệp bằng các thủ thuật và phẫu thuật, rách phức tạp tầng sinh môn, băng huyết sau sinh, thậm chí là tử vong trong quá trình sinh bởi cơ thể họ chưa phát triển hoàn toàn để đáp ứng nhu cầu sinh nở, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

PV: Trong suốt quá trình công tác tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bà đã gặp phải ca sinh khó và phức tạp nào khi trẻ sơ sinh là con của bà mẹ vị thành niên? Bà có thể kể lại một câu chuyện khiến bà đến bây giờ cũng không thể quên?

TS. Phan Thị Huyền Thương: Công tác tại Trung tâm Can thiệp bào thai trong nhiều năm, bản thân tôi và toàn thể nhân viên y tế cũng thường gặp những hoàn cảnh có tình huống đặc biệt. Tôi nhớ như in trường hợp của một bé gái 17 tuổi ở Hà Nam, mang thai đôi 20 tuần tuổi và phải đối mặt với một bệnh nguy hiểm: Hội chứng truyền máu song thai. Với trường hợp của em nhỏ, tình hình trở nên vô cùng cấp bách khi các mạch máu trong bánh rau nối với nhau bất thường, gây ra sự chênh lệch lớn về lượng máu cung cấp cho hai thai nhi. Nếu không được can thiệp kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến tử vong cho cả hai em bé.

Khi em ấy đến trung tâm, hình ảnh một thai phụ trẻ tuổi, bụng căng tròn, đi lại khó khăn đã để lại trong mỗi chúng tôi ấn tượng sâu sắc. Hội chứng truyền máu song thai giai đoạn gây đa ối quá mức đã khiến cơ thể em ở tình trạng vô cùng kiệt quệ và suy nhược, em không thể ăn uống cũng như nằm nghỉ trong thời gian dài. Tình trạng của em trở nên vô cùng nguy cấp, đe dọa tính mạng của cả mẹ và con, đòi hỏi phải có sự can thiệp y tế khẩn cấp. 

Sau khi lắng nghe lời giải thích của bác sĩ, đôi trẻ bật khóc nức nở. Họ muốn cứu lấy những sinh linh bé nhỏ nhưng gia đình của cả 2 em đều có hoàn cảnh khó khăn. Khi đối mặt với chi phí phẫu thuật laser trong buồng tử cung, một kỹ thuật phức tạp và đắt đỏ, họ buộc phải đối mặt với sự lựa chọn đau lòng giữa việc cứu sống hai đứa con hay chấp nhận buông tay. Câu nói của cô bé “Con muốn cứu con nhưng nhà con không có tiền” như một nhát dao đâm vào trái tim của những bác sĩ có mặt trong phòng khám.

Trước tình hình cấp bách, chúng tôi đã quyết định đưa bệnh nhân vào viện và kêu gọi sự hỗ trợ từ bệnh viện, các nhà hảo tâm cũng như phòng công tác xã hội. Mục tiêu của chúng tôi là giúp cô bé có cơ hội được phẫu thuật cứu sống con. Hình ảnh cô bé gầy yếu, gương mặt sợ hãi nằm trên bàn mổ nhưng trong đôi mắt của cô bé vẫn ánh lên sự kiên định và hy vọng vào một phép màu đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng ekip phẫu thuật.

Thật may mắn, ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp, giúp em giữ được cả hai bé. Không chỉ vậy, bệnh viện còn miễn phí toàn bộ chi phí phẫu thuật. Khi ra viện, cả gia đình đã đến cảm ơn chúng tôi, tôi vô cùng hạnh phúc khi thấy cô ấy và hai thai nhi khỏe mạnh trở về. Nhờ sự nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ và sự giúp đỡ của mọi người, một phép màu đã xảy ra.

z5957710709126_28d6aa846c7e8d8bc7240728d7e25178
Trung tâm Can thiệp bào thai là trung tâm chuyên quản lý các thai phụ nguy cơ cao, bệnh lý nặng trong thai kỳ tại bệnh viện và các thai nhi không may bị mắc bệnh cần phải phẫu thuật trước sinh.

PV: Việc giúp trẻ vị thành niên nhận thức được sự nguy hiểm của việc quan hệ tình dục sớm và mang thai khi còn quá trẻ rất quan trọng. Vậy làm thế nào để giúp trẻ vị thành niên nhận thức và biết cách phóng tránh mang thai ngoài ý muốn, thưa bà? Hiện nay Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có biện pháp gì giúp trẻ vị thành niên nâng cao nhận thức và biết cách phóng tránh hiệu quả?

TS. Phan Thị Huyền Thương: Giai đoạn vị thành niên là thời kỳ trải qua những biến đổi mạnh mẽ về cả thể chất lẫn tâm lý. Vì vậy, việc cha mẹ quan tâm, đồng hành và định hướng cho con là vô cùng cần thiết để giúp các em vượt qua giai đoạn này một cách suôn sẻ. Để giúp con cái tránh xa những sai lầm đáng tiếc, cha mẹ cần tạo ra một không gian ấm cúng, nơi các con có thể thoải mái chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc của mình. Việc giao tiếp mở sẽ giúp bậc cha mẹ hiểu rõ hơn về con và từ đó đưa ra những định hướng đúng đắn.

Đồng thời, gia đình và nhà trường nên phối hợp để trang bị cho trẻ những kiến thức về sức khỏe sinh sản và giáo dục giới tính. Thông qua những cuộc trò chuyện chân thành và những buổi sinh hoạt lớp, chúng ta có thể trang bị cho các em những kiến thức cần thiết để đưa ra những quyết định đúng đắn.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần có những chính sách cụ thể để nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản cho cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Việc cung cấp thông tin chính xác về các biện pháp tránh thai, tư vấn tiền hôn nhân và chăm sóc sức khỏe sinh sản sẽ giúp giảm thiểu tình trạng mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

z5957715142370_e736678062cb47abd1d8856f7040457d
Theo TS Phan Thị Huyền Thương, việc trang bị cho trẻ em và thanh thiếu niên những kiến thức đầy đủ về sức khỏe sinh sản không chỉ giúp các em bảo vệ bản thân mà còn góp phần nâng cao chất lượng dân số và phát triển bền vững của đất nước.

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội hiện nay là một trong những đơn vị đi đầu trong việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, đặc biệt là các chương trình truyền thông về giáo dục giới tính cho trẻ VTN. Hiện nay, bệnh viện đã và đang thực hiện các dịch vụ cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản cho các bà mẹ mang thai, trong đó có cả phần dành cho việc giáo dục giới tính cho thanh thiếu niên. Ngoài ra, bệnh viện cũng tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo về sức khỏe sinh sản dành cho học sinh, sinh viên và cộng đồng.

Sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng là yếu tố then chốt để giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên đạt hiệu quả cao.

Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận