Mẹ ân hận khi con 5 tuổi bị chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường
Cha mẹ của Ruby đã rất bàng hoàng bởi họ chưa bao giờ nghe đến bệnh tiểu đường ở trẻ em. Họ cảm thấy rất hối hận và đã tự trách mình: “Liệu có phải lỗi của chúng tôi là đã cho cô bé ăn quá nhiều đồ ăn có đường hay không”.
Ruby là một bé gái 5 tuổi, trong một tuần qua cô bé thường xuyên đi tiểu, cảm thấy khát và mệt mỏi hơn bình thường.
Bố mẹ đã đưa cô bé đến gặp bác sĩ, để thực hiện một vài xét nghiệm đơn giản và kết quả đã cho thấy chỉ số đường huyết của Ruby cao một cách bất thường.
Bác sĩ đã đưa ra chẩn đoán ban đầu là em bị mắc căn bệnh tiểu đường (đái tháo đường), mặc dù Ruby cần thêm một vài xét nghiệm máu nữa để có thể đưa ra kết luận cuối cùng một cách chính xác nhất.
Cha mẹ của Ruby đã rất bàng hoàng bởi họ chưa bao giờ nghe đến bệnh tiểu đường ở trẻ em. Họ có những thành viên trong gia đình bị mắc bệnh tiểu đường, nhưng họ được chẩn đoán ở độ tuổi 40 hoặc 50. Họ cảm thấy rất hối hận và đã tự trách mình: “Liệu có phải lỗi của chúng tôi là đã cho cô bé ăn quá nhiều đồ ăn có đường hay không?”.
Thật không may, ở Malaysia, trường hợp này xảy ra ngày càng phổ biến. Năm 2008, đã có 408 trẻ em dưới 18 tuổi đã đăng ký với Cơ quan Đăng ký bệnh Tiểu đường ở Trẻ em và Thanh thiếu niên ở Malaysia.
Chỉ 11 năm sau đó, con số này đã tăng gấp đôi lên đến 977 trẻ, theo báo cáo của của Atlas Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (IDF lần thứ 9, 2019).
Điều này cho thấy trung bình mỗi năm, khoảng 57 trẻ em đang được chẩn đoán bị mắc căn bệnh tiểu đường. Đây là một con số gây choáng váng, và nó đang kêu gọi chúng ta cần phải có hành động mạnh mẽ để giải quyết vấn đề này.
Các loại tiểu đường chính
Diabetes mellitus (DM) là tên khoa học của căn bệnh đái tháo đường, đây là một trạng thái mà ở đó cơ thể có chỉ số đường huyết cao hơn mức bình thường.
Trong tiếng Hy Lạp, “Diabetes” nghĩa là siphon (tên một loại ống truyền nước, nó đề cập đến việc thải ra một lượng lớn nước tiểu. Trong khi “mellitus” có nghĩa giống như mật ong, và nó ám chỉ lượng đường dư thừa trong nước tiểu).
Khi bị tiểu đường, cơ thể không thể sản sinh đủ insulin hoặc khi insulin được sản sinh thì nó cũng không hoạt động chính xác được. Ilusin là một loại hormone cho phép cơ thể sử dụng glucose trong máu như năng lượng.
Do đó, nếu không có đủ insulin hay insulin không hoạt động, glucose sẽ tích tụ trong máu và gây tổn hại các cơ quan trong cơ thể. Một phần lượng đường trong máu cao đi ra ngoài qua đường nước tiểu.
Hai loại tiểu đường chủ yếu gặp phải ở trẻ nhỏ đó là đái tháo đường loại một (T1D - Type 1 diabetes) và đái tháo đường loại 2 (T2D - Type 2 diabetes).
Đái tháo đường loại một là trạng thái tự miễn dịch, ở đó hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ tấn công và phá hủy các tế bào trong tuyến tụy - nơi sản sinh ra insulin, từ đó dẫn tới bệnh đái tháo đường.
Do vậy, trẻ em bị mắc bệnh đái tháo đường loại một cần được thay thế insulin suốt đời để có thể sống.
Nguyên nhân dẫn tới tới đái tháo đường loại 2 là do tình trạng kháng lại insulin, khi đó insulin vẫn sản sinh bình thường nhưng chức năng của hormone này bị suy yếu bởi lượng lớn chất béo trong cơ thể.
Những chỉ số
Mặc dù bệnh tiểu đường thường gặp ở người lớn, nhưng hiện tại đái tháo đường loại 2 ngày càng phổ biến ở những thanh thiếu niên cùng với sự gia tăng của căn bệnh béo phì ở trẻ em trên toàn thế giới.
Tại Malaysia, tỷ lệ béo phì ở trẻ em dưới 18 tuổi đã tăng gấp đôi từ 6% vào năm 2011 lên 14,8% vào năm 2019, theo Khảo sát về Sức khỏe và Bệnh tật Quốc gia (NHMS, 2019).
Trong suốt thời thanh thiếu niên, trẻ em bị béo phì có nguy cơ tiến triển tới đái tháo đường loại 2 cao hơn khoảng gấp 4 lần so với một người có cân nặng bình thường.
Tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường loại một cũng đang gia tăng, dựa trên một báo cáo từ các bác sĩ nội tiết khoa nhi đang điều trị cho những trẻ em bị mắc bệnh đái tháo đường tại các trung tâm lớn ở Malaysia. Nguyên nhân dẫn đến vấn đề này vẫn đang được nghiên cứu.
Những triệu chứng cơ bản của bệnh đái tháo đường đó là thường xuyên khát nước, đi tiểu nhiều, đái dầm ở trẻ nhỏ đã biết đi vệ sinh, mệt mỏi và giảm cân bất thường. Trẻ cũng có thể thèm ăn hơn và dễ bị nhiễm trùng miệng, da hoặc âm đạo hơn.
Nếu con của bạn có những triệu chứng như vậy, hãy đưa con bạn đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Chỉ cần trích một chút ở đầu ngón tay là đủ để kiểm tra chỉ số đường huyết của trẻ bằng máy đo đường.
Liệu có thể phòng ngừa bệnh tiểu đường?
Hiện tại, các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu các cách để ngăn chặn bệnh đái tháo đường loại 1. Trước khi phát minh được insulin, bệnh đái tháo đường loại một đã gây ra một số ca tử vong. Hiện nay, với phác đồ điều trị phù hợp, tuổi thọ của một bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường loại một có thể tương đương với một người khỏe mạnh.
Ngược lại, bệnh đái tháo đường loại 2 phần lớn có thể phòng ngừa bằng cách giải quyết các nhân tố như béo phì ở trẻ em, nguyên nhân là do chế độ ăn uống không lành mạnh và lối sống ít vận động. Trách nhiệm chính không phải thuộc về trẻ nhỏ, mà của cả gia đình trong việc cải thiện môi trường “gây béo phì”.
Những yếu tố rủi ro khác như dân tộc, tiểu sử gia đình không thể thay đổi được, nhưng lại đóng một vai trò như lời nhắc nhở để mọi người thận trọng hơn nữa trong vấn đề sàng lọc.
Đối với trẻ em thừa cân có những yếu tố rủi ro dẫn đến bệnh đái tháo đường loại 2, việc sàng lọc bệnh đái tháo đường được khuyên nên dành cho những trẻ đã bắt đầu tuổi dậy thì hoặc trên 10 tuổi.
Việc nhận biết từ sớm là rất quan trọng để đảm bảo việc can thiệp kịp thời bởi các triệu chứng của bệnh đái tháo đường thường khó phát hiện và không có dấu hiệu cụ thể ở trẻ nhỏ.
Rất nhiều trẻ em xuất hiện triệu chứng từ vài ngày đến vài tuần đối với bệnh đái tháo đường loại một và vài tháng đối với bệnh đái tháo đường loại 2 trước khi nhận sự từ chăm sóc y tế.
Nếu bệnh đái tháo đường không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách, có thể dẫn tới tình trạng Nhiễm toan Ceton do đái tháo đường (DKA - Diabetic Ketoacidosis) một trong những biến chứng nghiêm trọng của căn bệnh này, có thể đe dọa tới tính mạng người bệnh. DKA có biểu hiện như buồn ngủ, mất nước nghiêm trọng, nôn mửa, đau bụng và khó thở.
Chiến lược điều trị
Khi trẻ được phát hiện mắc một căn bệnh nghiêm trọng như bệnh đái tháo đường, điều này ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới trẻ. Phủ nhận, tức giận, trầm cảm, sợ hãi và tội lỗi là một vài cảm xúc mà các bậc cha mẹ có thể sẽ cảm nhận được.
Sau khi được phát hiện, trẻ em thường cảm thấy mình khác biệt so với những người bạn của mình. Con có thể cảm thấy xấu hổ khi kiểm tra lượng đường trong máy, khi tiêm insulin ở trường hoặc khi chia sẻ về những vấn đề của mình.
Cha mẹ có thể lo lắng về các biến chứng lâu dài hoặc cảm thấy không đủ khả năng chăm sóc con mình. Anh/chị/em của những đứa trẻ bị mắc căn bệnh đái tháo đường có thể cảm thấy mình bị bỏ mặc.
Đối với một vài gia đình, chi phí của việc chăm sóc y tế, bệnh viện và các thiết bị như que thử đường huyết và kim tiêm có thể tạo ra một gánh nặng tài chính lớn.
Do đó, việc giáo dục về bệnh đái tháo đường và quan trọng hơn, sự giúp đỡ từ gia đình, thầy cô giáo và bạn bè là rất cần thiết. Ngoài ra, việc điều trị của bệnh đái tháo đường cần có cả nhà tâm lý học, nhà trị liệu, nhân viên xã hội, chứ không chỉ riêng bác sĩ và y tá.
Để chữa bệnh đái tháo đường loại 2, cần phải giải quyết nguyên nhân cốt lõi đó chính là béo phì. Sự kết hợp của việc giảm cân, chế độ ăn uống lành mạnh và luyện tập thể dục cũng là liều thuốc có thể đảo ngược hoặc ngăn chặn quá trình phát triển của căn bệnh này. Insulin có thể được cần nếu việc kiểm soát glucose kém hoặc trẻ đang ở trong giai đoạn tiến triển của bệnh.
Ngược lại, nguyên nhân gây ra bệnh đái tháo đường loại một không phải là do chế độ ăn hay thói quen sinh hoạt. Đối với bệnh đái tháo đường loại một, thay thế insulin suốt đời là phương pháp điều trị chính, cho dù bằng cách tiêm nhiều lần mỗi ngày hoặc bằng cách sử dụng máy bơm insulin.
Tuy nhiên, trẻ em bị mắc bệnh đái tháo đường loại một cũng nên bắt đầu có thói ăn uống lành mạnh dựa trên những khuyến nghị dinh dưỡng.
Chủ động
Nhận thức tốt hơn sẽ giúp việc chẩn đoán và điều trị được diễn ra sớm hơn, từ đó giảm nguy cơ phát triển các biến chứng.
Quan trọng hơn, vì bệnh đái tháo đường loại 2 phần lớn có thể phòng ngừa được, nên chúng ta có khả năng loại bỏ bệnh đái tháo đường loại 2 bằng cách hợp tác với nhau.
Trẻ em và trẻ vị thành niên mắc bệnh đái tháo đường cần được vui vẻ, khỏe mạnh, và có những cơ hội để trưởng thành và phát triển bình thường về mọi mặt. Để đạt được điều đó thì chúng ta cần hành động ngay hôm nay.
Theo TheStar
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất