06:39 20/05/2024

Nhiều hiệu trưởng làm khổ học sinh vì tư duy chạy theo thành tích

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Việc nhiều trường trung học cơ sở bằng các hình thức khác nhau yêu cầu học sinh lớp 9 có kết quả học lực thấp không thi vào lớp 10 là chuyện đã diễn ra nhiều năm qua. Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, cần chấn chỉnh tư duy "thành tích là trên hết" để trả lại "quyền học tập" cho học sinh.

Liên tiếp vận động học sinh không thi vào lớp 10

Trước mỗi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập, vấn đề về việc vận động học sinh có học lực chưa tốt không thi vào các trường công lập đã trở thành tâm điểm của sự quan tâm của dư luận và phụ huynh. Trước thực trạng trên, một số địa phương đã ra văn bản chỉ đạo yêu cầu các trường THCS trên địa bàn chấn chỉnh tình trạng này.

Mới đây, cả nước cũng đã xôn xao trước thông tin Trường THCS Nguyễn Văn Bứa (huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh) chủ trương gửi mẫu đơn "xin không thi tuyển sinh lớp 10" cho học sinh điền tên, đem về cho phụ huynh ký. 

Nội dung của lá đơn ghi rõ: "Căn cứ vào kết quả học tập năm học vừa qua và năng lực nhận thức của cháu không tốt, gia đình nhận thấy khả năng của cháu khó có thể theo học chương trình trung học phổ thông hệ công lập. Nay gia đình làm đơn này xin ban giám hiệu nhà trường cho phép cháu (tên học sinh) không tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Sở GDĐT TP.HCM, khóa ngày 6/6/2024".

Ủy ban Nhân dân huyện Hóc Môn đã chỉ đạo kiểm điểm lãnh đạo trường, giáo viên đồng thời rà soát, chấn chỉnh với tất cả các trường trên địa bàn.

440860746-859221462898608-8006-1669-6618-1715415140
Đơn xin không dự thi lớp 10 lan truyền trên mạng xã hội (Ảnh: Vnexpress).

Tại Nghệ An, một số phụ huynh ở Trường THCS Tiến Thiết và Nghi Quang (huyện Nghi Lộc) cũng phản ánh việc con của họ không được đi ôn thi từ lớp 9 lên lớp 10. Lý do được đưa ra là nhà trường vừa tổ chức 2 đợt khảo sát thi môn Toán, Văn, Ngoại Ngữ. Những em nào đợt 1 tổng 3 môn 15 điểm, đợt 2 tổng 12 điểm mới được ôn thi lên lớp 10. Những em dưới mức điểm trên được hướng dẫn ôn thi vào trường tư hoặc dạy nghề.

Trước thông tin trên, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã ban hành công văn đề nghị chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã, chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo thực hiện đúng chủ trương phân luồng, tạo cơ hội công bằng cho tất cả học sinh. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An khẳng định mọi học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đều có quyền tham dự kỳ thi vào lớp 10, các trường tuyệt đối không được ngăn cấm và phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Các trường nên ngừng chạy đua thành tích ảo

Tại Hà Nội có tình trạng một số giáo viên vì thành tích đã yêu cầu học sinh (lớp 9) có học lực không tốt không thi lớp 10 hoặc đăng ký ở những trường ngoại thành khiến phụ huynh bức xúc, họ cho rằng, nhà trường nên ngừng việc chạy đua thành tích ảo và làm đúng nhiệm vụ định hướng nghề nghiệp phù hợp cho học sinh. 

Có con năm nay thi vào lớp 10, chị Nguyên Hồng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, người giáo viên chủ nhiệm nên là người thầy lái đò, cùng đồng hành, đốc thúc học sinh ôn luyện trong lúc nước sôi lửa bỏng để thi chuyển cấp nhưng ở lớp con chị, cô giáo lại luôn thủ thỉ, khuyên răn học sinh bỏ thi cấp 3, chuyển sang học nghề.

“Ngày nào cô giáo cũng nhồi nhét vào đầu học sinh rằng học kém không nên đăng ký thi cấp 3 vì tốn tiền ôn thi. Các con chưa phát triển đủ về thể chất tinh thần, không thể vượt qua sự mặc cảm, tự ti nếu liên tục phải nghe những lời này, các em học sinh học kém còn động lực nào để thi tuyển sinh và thử sức chứng minh bản thân? Chung quy lại giáo dục chưa vì học sinh mà vì bệnh thành tích quá nặng, chỉ vì những con số đẹp về thành tích thi cử chuyển cấp của nhà trường, của thầy cô, mà làm cho những em học sinh mới 15 tuổi đã cảm thấy bất công, kèm theo đó là mất đi sự tự tin trong học tập”, chị Hồng nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến trên, anh Nguyễn Chí Thiện (Đống Đa, Hà Nội) nhấn mạnh, việc này là không công bằng và phân biệt đối xử: "Theo tôi, cấp 2 vẫn chưa thể khai phá hết tiềm năng của một học sinh, những em kết quả học thấp phần lớn do chưa chăm chỉ, nếu được đả thông tư tưởng hoàn toàn có thể thay đổi và có khả năng đỗ. Hành động khuyên và bắt ép bỏ thi khác gì dập tắt hy vọng, làm nảy sinh tâm lý bỏ cuộc, không chịu vượt khó của các em. Hơn nữa, sau khi thi cấp 3, các trường nghề vẫn mở tuyển sinh đến tận 1-2 tháng sau khi biết điểm, các em hoàn toàn vẫn có cơ hội, nếu được thì tốt, không được thì học nghề cũng chưa muộn”.

663afb0400cf1
Mỗi năm, đến mùa tuyển sinh lớp 10, nhiều gia đình lại lo âu, mất ăn mất ngủ, tình hình căng thẳng thi vào lớp 10 công lập vẫn chưa thể giải quyết (Ảnh: TTXVN).

Ngoài ra, nhiều phụ huynh chia sẻ, một bộ phận không nhỏ các em bị tước mất cơ hội học hành chỉ vì thiếu trường lớp, trường lớp cấp 3 ít nên các giáo viên phải dành suất cho các bạn có khả năng nhất, nhóm khác học yếu thì phải ra dân lập, trường nghề. 

Nhìn vào hiện tượng này, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội khẳng định: "Thi vào lớp 10 THPT công lập là quyền lợi hợp pháp của học sinh. Không ai có quyền ngăn cản việc đăng ký dự thi lớp 10 công lập của các em". Ông Trần Thế Cương cũng đưa ra đề nghị chặt chẽ đến các phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã nhằm nêu cao tinh thần tôn trọng quyền lợi của học sinh và tạo điều kiện thuận lợi để các em đăng ký thi vào lớp 10 công lập nếu có nguyện vọng.

Mặc dù vậy vẫn có những trường âm thầm không chấp hành, mới nhất một số phụ huynh có con học lớp 9 tại Trường THCS Tiến Thịnh (huyện Mê Linh) phản ánh được giáo viên thông báo là học lực của con kém, nên định hướng cho con học nghề và không dự thi vào lớp 10 công lập và không phát phiếu đăng ký dự thi.

Ngay lập tức Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vào cuộc và 16 học sinh Trường THCS Tiến Thịnh được đăng ký bổ sung thi vào lớp 10. Mặc dù vậy dư luận cho rằng, cần phải làm rõ trách nhiệm của Hiệu trưởng Trường THCS Tiến Thịnh và những cán bộ, giáo viên có liên quan.

"Quyền học tập" của trẻ em bị ản hưởng bởi áp lực điểm số và thành tích

Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, việc các trường trung học cơ sở bằng nhiều hình thức khác nhau yêu cầu học sinh lớp 9 có học lực yếu, kém không được thi vào lớp 10 không phải là vấn đề mới mà đã diễn ra trong nhiều năm qua.

image.daidoanket.vn-images-upload-hoainguyen-03202022-_ts-nguyen-tung-lam-nhan-cach-khong-do-bang-diem-so
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng đánh giá, áp lực thành tích đã lấn át "quyền học tập" của học sinh (Ảnh: Báo Đại Đoàn Kết).

Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này xuất phát từ căn bệnh thành tích khi các Sở, Phòng GDĐT đánh giá các trường qua số lượng học sinh vào lớp 10 công lập. Theo chủ trương phân luồng của Chính phủ, chỉ khoảng 70% học sinh lớp 9 vào được lớp 10 công lập (năm 2024 là khoảng 61%), điều này có nghĩa các học sinh học lực chưa tốt có cơ hội đỗ rất thấp, không thể có cơ hội cạnh tranh và vô hình trung các trường sẽ không thể có thành tích đẹp về tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường công lập.

TS. Nguyễn Tùng Lâm khẳng định, mục tiêu của giáo dục là phát huy tiềm năng vốn có của mỗi con người, việc ép không cho học sinh có học lực yếu, kém thi vào 10 là vi phạm quyền học tập của trẻ em.

"Mọi học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đều có quyền tham dự kỳ thi vào lớp 10, các em đều có quyền được thử sức, quyền định đoạt tương lai, con đường phát triển sự nghiệp của mình. Việc các trường ngăn cấm chỉ vì thành tích của nhà trường đã tước đi cơ hội của học trò”, thầy Lâm nêu quan điểm.

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, muốn giải quyết dứt điểm được tình trạng này cần giảm sức ép của kỳ thi vào lớp 10. Để làm được vậy cần nâng cao chất lượng giáo dục theo từng năm học. 

Cụ thể, các trường cần thay đổi cách kiểm tra, đánh giá học sinh theo từng học kỳ, từng năm học. Việc kiểm tra, đánh giá, rèn luyện học sinh cần thực hiện một cách nghiêm túc, thực chất, giao trách nhiệm cho giáo viên: “Không thả nổi cho học sinh nào cũng được lên lớp dù học lực yếu”. Mỗi học kỳ cần có bài kiểm tra đánh giá chung của từng Phòng GD&ĐT. Các Phòng GD&ĐT cần thanh tra, kiểm tra chất lượng dạy và học theo từng năm học, chứ không phải như hiện nay đến cuối cấp mới kiểm tra, đánh giá, phân loại học sinh yếu kém.

“Nếu các trường, Phòng, Sở GD&ĐT thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ việc kiểm tra đánh giá theo từng năm học thì có thể lấy điểm tổng kết 4 năm học bậc THCS để làm căn cứ cho các trường THPT xét tuyển học sinh vào lớp 10, thay vì một kỳ thi vào lớp 10 công lập với áp lực cạnh tranh lớn như hiện nay. Bên cạnh việc đánh giá năng lực học tập, các trường cần đánh giá năng lực phẩm chất học sinh. Ngành giáo dục cần phải đưa ra cách đánh giá rèn luyện đạo đức học sinh song song, cân bằng với kết quả học tập”, TS Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm.

Giáo viên phải sát sao, trợ giúp trong quá trình học tập của học sinh và kiểm tra, đánh giá kiến thức thường xuyên để đi đến kết quả phản ánh đúng năng lực, phẩm chất thật của các em nhằm mục tiêu hướng đến không còn kỳ thi vào lớp 10 công lập. 

Tuy nhiên, giáo viên có dạy giỏi đến mấy cũng không thể thay thế sự nỗ lực của chính mỗi học sinh, học sinh phải “thực học, thực tài” và tự chịu trách nhiệm về việc học tập của mình thì mới có thể thay đổi kết quả chất lượng giáo dục. Một số học sinh học lực chưa tốt, bản thân không có sự cố gắng, không có ý thức tự rèn luyện, ỷ lại vào hoàn cảnh dẫn đến việc không đáp ứng được khối lượng kiến thức trong chương trình học, do vậy nếu không đủ năng lực, phẩm chất sẽ phải bị lưu ban. 

“Muốn chống bệnh thành tích trong giáo dục thì mỗi người trong ngành giáo dục cần phải thay đổi, nêu cao nhận thức thì mới thực hiện được”, TS. Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận