Phim gắn mác 18+: Sự dễ dãi của người lớn làm hại trẻ nhỏ
Bảo vệ trẻ em không thể chỉ hô hào khẩu hiệu mà cần bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất. Người lớn dễ dãi để trẻ xem phim gắn mác 18+ rất có thể sẽ dẫn tới hệ quả không thể lường trước.
Phạt cụm rạp cho trẻ em xem phim gắn mác 18+
Sáng 1/3, trong cuộc gặp gỡ báo chí, ông Phạm Văn Dũng - Chánh thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh - cho biết thông qua rà soát đã phát hiện 4 cụm rạp vi phạm cho người chưa đủ 18 tuổi vào rạp xem phim Mai (của Trấn Thành), trong số 7 cụm rạp được kiểm tra.
Hiện thanh tra sở chưa thể công bố tên của 4 cụm rạp vi phạm, thông tin này sẽ có trong quyết định xử phạt chính thức được ban hành sau.
Hành vi vi phạm được xác định là "Không đảm bảo người xem phim theo đúng độ tuổi theo phân loại phim" tại nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung bởi nghị định 128/2022/NĐ-CP ngày 30/13/2022 và nghị định 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ.
Những hành động của cơ quan chức năng được đánh giá là kịp thời và bảo vệ trẻ em đúng lúc, đúng thời điểm.
Tuy nhiên, gần đây có nhiều ý kiến cho rằng một số cơ quan chức năng đã “làm quá” khi kiểm tra đột xuất phòng chiếu phim để kiểm tra độ tuổi xem phim tại rạp.
Nhiều người cho rằng bộ phim được chiếu đang nổi đình nổi đám “có gì đâu” mà phải hạn chế độ tuổi, thậm chí có ý kiến cho rằng cơ quan chức năng đã quá khắt khe…
Tuy nhiên, chính sự dễ dãi và cách nhìn méo mó của một bộ phận nhỏ người lớn đang vô tình làm hại con trẻ, thậm chí vi phạm pháp luật lúc nào không hay.
Thông tư số 05/2023/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quy định cụ thể tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo.
Theo đó, tiêu chí phân loại phim bao gồm: Tiêu chí về chủ đề, nội dung; Tiêu chí về bạo lực; Tiêu chí về khỏa thân, tình dục; Tiêu chí về ma túy, chất kích thích, chất gây nghiện; Tiêu chí về kinh dị; Tiêu chí về ngôn ngữ thô tục; Tiêu chí về hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước.
Theo các tiêu chí này, phim chiếu rạp ở Việt Nam được phân loại thành các mức:
Loại P: Phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi
Loại K: Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ
Loại T13 (13+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên
Loại T16 (16+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên
Loại T18 (18+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên; Loại C: Phim không được phép phổ biến.
Việc phân loại phim này có thể thấy nguyên tắc đầu tiên của việc phân loại phim ở Việt Nam là để bảo vệ trẻ em và các đối tượng khác dễ bị tổn thương đối với các nội dung không phù hợp hoặc có thể có tác động tiêu cực.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù phim gắn mác 18+ nhưng nhiều rạp hiện nay đã bỏ quên quy định xác định độ tuổi trẻ em.
Trên tờ Lao động, Tiến sĩ Mai Anh Tuấn - Giảng viên Đại học Văn hóa Hà Nội, chuyên gia nghiên cứu về văn hóa và phim ảnh Việt lý giải: "Khi nhà sản xuất, quản lý và phát hành phim đã dán nhãn 18+ cho phim Mai thì nghiễm nhiên, họ đã khuyến nghị khán giả dưới 18 không nên xem phim này. Chắc chắn họ lường trước được một số tác động tiêu cực của phim về cảm xúc, thẩm mĩ và có thể cả hành vi đối với khán giả nhỏ tuổi.
Tôi nghĩ, nếu các em không thật sự tuân thủ khuyến nghị đó thì một mặt, các em vừa vi phạm quy định, mặt khác, các em có thể gặp lúng túng, khó khăn trong việc hiểu, nắm bắt thấu đáo câu chuyện cũng như những ẩn nghĩa nghệ thuật mà bộ phim có".
Hành động nhỏ dễ để lại hậu quả lớn
Liệu có phải vì mục đích doanh thu hay không nhưng không ít rạp đã không thực hiện nghiêm túc việc bán vé xem phim theo đúng độ tuổi; nhiều khán giả chưa đến tuổi 13 đã đi xem phim dán nhãn 13+, chưa đủ tuổi 16 hay 18 đã xem phim 16+, 18+.
Bảo vệ trẻ em trước những thông tin xấu, độc trước tiên là việc của gia đình, trách nhiệm của cha mẹ.
Nhưng bao nhiêu cha mẹ nhận thức được việc này? Đặt biệt là trong bối cảnh điện thoại thông minh, tivi thông minh quá phổ biến. Con trẻ dễ dang tiếp cận với những nội dung xấu, độc.
Hay đơn giản, như trên mạng xã hội như Tiktok, Facebook… đầy rẫy những thứ còn hở hang bạo liệt. Hay những đấm đá bạo lực từ các clip đánh ghen. Hoặc game! Những đứa trẻ chưa đến 18 tuổi tiếp xúc với chúng gần như mỗi ngày. Các cha mẹ cũng lúng túng khi thấy con mình xem những bộ phim, đoạn clip kiểu như vậy trôi nổi khắp cõi mạng.
Điều này đã dẫn đến tâm lý của người lớn dễ dãi với những câu: “Ôi dào, việc cái gì”. “Có gì đâu”. “Chúng nó biết cả rồi”.
Đó là những câu cửa miệng mà chúng ta thường nghe, tưởng chừng như vô hại, nhưng thực tế thì sự dễ dãi của người lớn đã và đang vô tình làm hại con trẻ. Bởi đâu phải chỉ là câu chuyện xem một bộ phim, chúnh ta đã “vô tình” mà phạm luật, vô tình dạy trẻ nói dối, vô tình dạy trẻ thói xem thường pháp luật. Những đứa trẻ biết phân biệt đúng sai cũng sẽ nghĩ gì về sự “vô tình” ấy của người lớn?
Kiểm soát khán giả xem phim đúng độ tuổi cũng giống như kiểm soát người dưới 18 tuổi uống rượu bia, đi mua rượu bia. Một điều tưởng là nhỏ mà không nhỏ chút nào, bởi tất cả đều liên quan tới nhận thức, sự phát triển về nhân cách của mỗi người, sự vận hành của một xã hội tôn trọng kỷ cương, luật pháp.
Bảo vệ trẻ em không thể chỉ hô hào khẩu hiệu mà cần từ những hành động nhỏ nhất. Lơ là hành động nhỏ dễ để lại hậu quả lớn.
Trao đổi với Tạp chí Trẻ em Việt Nam, cô giáo Đỗ Thu Hiền - Giám đốc trung tâm tại Trung tâm Khoa học - Giáo dục và Môi trường Quốc gia chi nhánh Quảng Ninh cho rằng: Khi các nhà kiểm duyệt phim gắn mác 18+ có nghĩa là các nhà quản lý cũng đã tính toán rất nhiều tình huống rồi.
Mà đã là quy định, nên tuân thủ, nếu không vô tình các em vi phạm những quy định của pháp luật về lĩnh vực phim ảnh là điểu không nên
Bên cạnh đó, phim gắn mác 18+ không chỉ chứa các cảnh bạo lực, tình dục mà còn các vấn đề xã hội có thể gây hại cho tâm lý và sự phát triển về tâm lý của các em, đặc biệt là lứa tuổi thiếu niên.
Những bi kịch cuộc sống được chuyển hóa thành phim, những kết cục của phim sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của các em khi chưa trưởng thành.
Các em chưa thể nhận biết được tính kịch trong phim, từ đó có thể có cái nhìn lệch lạc về cuộc sống, mất niềm tin vào cuộc sống và mất đi động lực, niềm vui sống.
Sự lệch lạc tâm lý sẽ dễn biến các em trở thành nạn nhân của các vụ lạm dụng hoặc tấn công tình dục.
Tuy nhiên, cô Đỗ Thu Hiền cũng cho rằng tâm sinh lý của những người trẻ hiện nay, đặc biệt là học sinh cấp 3 ở các thành phố lớn, có thể vượt xa sự tưởng tượng của người lớn. Chính vì vậy, vấn đề giáo dục qua phim ảnh cũng là một phương tiện hữu hiệu.
Tùy lứa tuổi, các em có thể chọn xem những bộ phim được xây dựng một bối cảnh xã hội nhẹ nhàng, trong sáng, không quá nhiều tiêu cực thì việc cho trẻ em xem những bộ phim như vậy cũng có thể có lợi cho sự phát triển của các em.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất