10:04 21/02/2024

Cách dạy con trở thành đứa trẻ hạnh phúc

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam An An (t/h)

Với trẻ nhỏ, hạnh phúc không đong đếm bằng tiền bạc hay sự giàu có, mà tình yêu thương và sự chia sẻ của bố mẹ dành cho con đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Nếu cha mẹ làm được những điều này, con bạn chắc chắn là một em bé thật sự hạnh phúc.

Trẻ tự do thể hiện bản thân

Tôn trọng cảm xúc: Cha mẹ nên tôn trọng cảm xúc của trẻ, lắng nghe suy nghĩ của con thay vì bác bỏ.

Xử lý cảm xúc: Cho phép trẻ thể hiện bản thân giúp họ học cách điều tiết cảm xúc và xây dựng niềm tin, sự thân thiết với cha mẹ.

Phát triển kỹ năng tư duy: Tự do thể hiện bản thân giúp trẻ phát triển sự tự tin, kỹ năng lãnh đạo và tính sáng tạo.

Khuyến khích trẻ em tự do biểu đạt bản thân là chìa khóa quan trọng cho việc phát triển sự tự tin, khả năng lãnh đạo và sự sáng tạo. Khi trẻ được tự do thể hiện bản thân, chúng sẽ trở nên tự tin hơn và sẵn lòng đối mặt với thách thức, chuẩn bị cho tương lai.

raising-happy-child
Ảnh: Euroschool

Độc lập trong cảm xúc

Ngoài những niềm vui, hạnh phúc thì trẻ cần phải được trải qua những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, thất vọng. Nếu bạn cố bảo vệ con tránh khỏi những cảm xúc tiêu cực này thì vô tình bạn đã hạn chế khả năng tự vượt qua, tự tạo sức mạnh tinh thần để có thể đối diện với những thử thách trong cuộc đời khi trưởng thành, và thậm chí là dù bạn có cố bảo vệ thì con cái bạn cũng chắc chắn phải chịu đựng những cảm xúc này thôi.

Đừng quá nuông chiều con cái, khi trẻ khóc hay không vui vì không được mua món đồ ưa thích, hoặc làm điều mình thích, cha mẹ không nên làm theo ý trẻ mà nên giải thích cho con hiểu là dù con thích nhưng cha mẹ có lý do không thể đồng ý được và con cần phải chấp nhận điều này. Đây không chỉ là vấn đề về kỷ luật, trẻ cần học là cuộc sống không phải lúc nào cũng như ý và phải tự vượt qua những điều không mong muốn này.

Trẻ cảm thấy được trân trọng

Mỗi đứa trẻ là một cá thể duy nhất, có những sở thích và ý tưởng riêng biệt, mặc dù đôi khi chúng không khớp với mong đợi của cha mẹ. Điều quan trọng là cha mẹ không nên áp đặt ý muốn cá nhân lên con, thay vào đó, họ nên tôn trọng lựa chọn và ý kiến của con, hỗ trợ con theo đuổi những đam mê cá nhân của mình.

Cha mẹ có thể tạo điều kiện cho con thử nghiệm và khám phá, đồng thời khuyến khích con chia sẻ về suy nghĩ, sở thích và cảm xúc. Hành động này không chỉ kích thích lòng ham học, còn phát triển tính tự chủ và trách nhiệm của trẻ. Tôn trọng con như là cá thể độc lập giúp bé phát triển những ý tưởng độc đáo của riêng mình.

Gắn kết với con nhiều hơn

shutterstock
Ảnh: Stock

Hình ảnh thường thấy tại các khu trung tâm mua sắm, quán ăn, thậm chí ngay tại nhà, ba mẹ giữ con ngồi yên không quấy phá hoặc phần thưởng cho con khi làm việc tốt là được ngồi chơi với máy tính, tivi, điện thoại. Thiết bị điện tử thông minh trở thành người giữ trẻ mới được các bậc cha mẹ khá tin tưởng. Điều này trở thành nguyên nhân của các trường hợp chậm nói, ngại giao tiếp thậm chí là tự kỷ trẻ em càng gia tăng.

Các bậc cha mẹ cần phải dành nhiều thời gian với con cái ngoài giờ làm việc, nói chuyện cùng với con nhiều hơn, không chỉ tạo sự gắn kết với con trẻ mà còn thông qua đó dạy con thêm vốn từ ngữ mới, cách nói chuyện, giải thích các thắc mắc của con, quan trọng nhất là giúp trẻ hiểu rằng trẻ đang được cha mẹ yêu thương, chăm sóc.

Đây là thời điểm truyền năng lượng tích cực, kích thích cảm xúc và khiến con cảm nhận được bầu không khí hạnh phúc trong tình yêu thương của cha mẹ. Lớn lên trong yêu thương cũng sẽ giúp trẻ phát triển tình yêu thương của bản thân với mọi người, mọi vật và dễ dàng vượt qua những khó khăn, thử thách về sau.

Cùng con rèn luyện những thói quen tốt

Với trẻ 1-2 tuổi, sẽ còn là quá sớm nếu giải thích những khái niệm về hạnh phúc, thay vào đó bạn hãy cùng con rèn luyện thói quen sống lành mạnh từ những điều cơ bản.

Ăn uống đúng giờ, ngủ đúng giờ, chú ý đến thực đơn của từng bữa ăn, uống nhiều nước, ăn nhiều rau, hoa quả, dành nhiều thời gian hơn để tiếp xúc và trò chuyện cùng con thậm chí là cùng con chuẩn bị một bữa ăn đủ chất.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận