12:02 08/04/2024

Hà Nội: Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm ngay trước cổng trường

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Sau nhiều vụ trẻ nhỏ bị ngộ độc thực phẩm, cơ quan chức năng có mạnh tay xử lý với hàng rong, quán ăn vỉa hè đang bủa vây quanh trường học tại Hà Nội?

Vấn đề an toàn thực phẩm trước cổng trường vô cùng đáng báo động 

Mới đây, tại trường Tiểu học Vĩnh Trường (Nha Trang, Khánh Hòa) có 1 học sinh lớp 5 sau khi tự ăn sáng xong vào trường thì mệt, ngất xỉu. Sau khi được nhà trường sơ cứu và gọi cấp cứu, học sinh này đã tử vong do ngừng tuần hoàn hô hấp ngoại viện, hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân. Tiếp sau đó, nhà trường tiếp tục phát hiện 16 em học sinh khác có dấu hiệu đau bụng, nôn ói, đau đầu. Trong cùng ngày, tại Trường Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo (Nha Trang) cũng phát hiện một số học sinh có triệu chứng tương tự như học sinh ở Trường Tiểu học Vĩnh Trường.

UBND thành phố Nha Trang thông tin, trước khi đến lớp, em học sinh này cùng nhiều bạn khác đã ăn sáng ngoài cổng trường (ăn sushi, uống nước ngọt). Khoảng 30 phút sau ăn uống, cháu có biểu hiện muốn nôn, sùi bọt mép và được nhà trường đưa đi cấp cứu. Hội đồng y khoa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã hội chẩn và kết luận nạn nhân ngừng tuần hoàn hô hấp ngoại viện, chưa rõ nguyên nhân.

Theo báo cáo của Sở Y tế, tổng số ca tiếp nhận tại các bệnh viện là 37 cháu, đã cho về theo dõi ngoại trú 7 cháu, 2 cháu được xuất viện. Còn 28 cháu được theo dõi tại các cơ sở y tế, có sức khỏe ổn định. 

Qua nắm bắt thông tin ban đầu, các em học sinh này đã ăn sáng với nhiều món khác nhau tại các hàng quán và từ những người bán gánh hàng rong bên ngoài nhà trường.

5e57d1e439a8d0f689b9
Nhiều học sinh nhập viện điều trị nghi do ngộ độc (Ảnh: Báo Pháp luật TP.HCM).

Đáng nói, đây không phải là trường hợp duy nhất học sinh bị ngộ độc thực phẩm từ đồ ăn tại các hàng quán trước cổng trường. 

Cách đây một tuần, tại Quảng Ngãi, 30 em học sinh của Trường THCS Hành Tín Tây đã phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn kẹo trước cổng trường. Theo đó, sau khi mua và sử dụng kẹo trước cổng trường, các em đã có biểu hiện buồn nôn, đau bụng, tức ngực. 

Theo điều tra, chủ quán bán kẹo đã mua 4 gói kẹo dạng viên, có vỏ bọc kẹo nhiều màu sắc, không có nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ tại chợ Quảng Ngãi, trọng lượng mỗi gói là 0,5kg với số tiền 50.000 đồng/kg để về bán lại với giá 1.000 đồng/4 viên.

Tháng 2/2024, có 4 học sinh thuộc khối 4 và khối 5, Trường Tiểu học và THCS xã Bao La (huyện Mai Châu) bị ngộ độc phải đi cấp cứu trong đêm. Theo Chủ tịch UBND xã Bao La, huyện Mai Châu thông tin, các em đã uống một loại nước ngọt được bán ở sạp hàng trước cổng trường. Sau đó, có biểu hiện bị đau bụng, nôn mửa.

Cuối tháng 12/2023, sau khi ăn một loại thạch, hơn 40 học sinh Trường Tiểu học và THCS Trần Văn Trà (TP. Quảng Ngãi) bị buồn nôn, đau bụng phải đưa đến bệnh viện. Tất cả các em này đều ăn một loại thạch trước cổng trường rồi xuất hiện triệu chứng ngộ độc thực phẩm.

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Quảng Ngãi cho biết, có 24 học sinh đến Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi nhập viện điều trị trong tình trạng đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi. Ngoài ra hơn 20 học sinh khác có triệu chứng tương tự nhưng nhẹ hơn. 

Theo thông tin điều tra, bước đầu xác định một đơn vị tiếp thị sản phẩm mới và bán sữa đã đến trước cổng trường này bày bán và giới thiệu sản phẩm. Người tiếp thị sữa đưa túi thạch cho các cháu ăn, sau đó các cháu xuất hiện triệu chứng đau bụng, buồn nôn.

Dù đã được cảnh báo, nhưng những thực phẩm rẻ tiền và nhiều màu sắc bày bán ở những gánh hàng rong trước cổng trường vẫn đồ ăn yêu thích của nhiều em học sinh.

xien-ban-062612
Hình ảnh món ăn “xiên bẩn” được chiên đi chiên lại đến héo quắt, người bán liên tục đưa các xiên này vào chảo dầu bám đầy cặn do đã qua sử dụng nhiều lần (Ảnh: Hương Giang).

Nguy cơ ngộ độc thực phẩm ngay tại khu vực trường học

Theo ghi nhận của PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam tại các khu vực nhiều trường tiểu học, THCS tại Hà Nội đều xuất hiện hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, không có giấy phép kiểm định an toàn thực phẩm, nhưng vẫn thu hút nhiều học sinh với mức giá rất rẻ.

Có thể kể tới các địa điểm như: Trường Tiểu học Nghĩa Tân, Trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), Trường THCS Mai Dịch (quận Cầu Giấy), Trưởng Tiểu học Trung Yên (quận Cầu Giấy), Trường THCS Thăng Long (quận Ba Đình), Trường THCS Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm), Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm), Trường THCS Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng), Trường Tiểu học Tây Sơn (quận Hai Bà Trưng), Trường THCS Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng), Trường THCS Tây Sơn (quận Hai Bà Trưng), Trường Tiểu học Ngô Sĩ Kiện, xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì), Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ)...

Mỗi loại thức ăn có giá vô cùng rẻ, xiên thịt nướng hay một ly nước có giá chỉ vài nghìn đồng. Thực phẩm không rõ nguồn gốc, đồng thời dầu dùng để chiên rán cũng không rõ xuất xứ, được tái sử dụng nhiều lần dẫn tới nguy cơ gây độc cho chính đồ ăn.

tieuhoctrungyen
Hàng ăn ngay trước cổng Trường Tiểu học Trung Yên (quận Cầu Giấy). Ảnh: Lao động

Cuối năm 2023, Công an Hà Nội tiếp tục phát đi cảnh báo, nhiều loại đồ ăn vặt, nước ngọt không kiểm soát được các hóa chất, chất phụ gia độc hại đang được bán ở nhiều cổng trường học, phần nhiều trong số này không có nhãn mác hoặc có nhãn mác chữ nước ngoài. Giá của những đồ ăn vặt này rất rẻ so với học sinh, chỉ 1.000-5.000 đồng mỗi loại. Đây là nguyên nhân có thể gây ra các vụ ngộ độc cho học sinh. Các loại đồ ăn, thức uống bày bán ở cổng trường học rất phong phú, màu sắc bắt mắt, rẻ tiền và hấp dẫn trẻ nhỏ, như: Nem tôm thịt hổ, que cay, thạch dừa, nước ngọt có ga…

Để bảo vệ sức khỏe cho học sinh, Công an Hà Nội khuyến cáo các gia đình nên bố trí cho con ăn uống ở nhà đầy đủ và mang theo các đồ ăn nhẹ để con sử dụng trong giờ nghỉ. Các cơ quan chức năng cần giải tỏa những hàng quán không đủ điều kiện bày bán trước cổng trường, kiểm soát chất lượng đồ ăn vặt bằng các test nhanh và kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ.

Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, PGS. TS. Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết, nguyên nhân chính gây ra ngộ độc thực phẩm là do điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh; ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, thực phẩm ôi thiu, hết hạn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản và chế biến theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, dụng cụ; quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm chưa đúng cách;… 

PGS.TS_Nguyn_Th_Lam_-_Nguyen_Pho_Vin_trng_Vin_Dinh_dng_Quc_gia
“Tất cả thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản và chế biến theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đều có thể gây ngộ độc cho người sử dụng”, TS. Nguyễn Thị Lâm nhấn mạnh.

Theo TS. Nguyễn Thị Lâm, thực phẩm hết hạn có thể chứa vi khuẩn gây bệnh. Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm có thể kể đến bao gồm buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, sốt và trong trường hợp nghiêm trọng là mất nước và tổn thương nội tạng.

Nếu phụ huynh phát hiện con ăn phải thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản và chế biến theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm tại cổng trường và có biểu hiện sốt, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, chóng mặt,.. thì phụ huynh cần bổ sung thêm nước cho cơ thể của trẻ vì uống nước có thể giúp loại bỏ độc tố và giảm bớt các triệu chứng ngộ độc thực phẩm. Trong trường hợp trẻ gặp các triệu chứng nghiêm trọng sau khi ăn thực phẩm quá hạn, phụ huynh nên đến bệnh viện và tìm kiếm lời khuyên y tế của bác sĩ ngay lập tức bởi bác sĩ có thể cung cấp hướng dẫn dựa trên tình huống cụ thể.

Trẻ em là mầm non, là tương lai của đất nước, các em trước hết cần phải khỏe thì mới có thể học tập, rèn luyện, trau dồi bản thân. Do đó, TS. Nguyễn Thị Lâm lưu ý rằng, bên cạnh việc các ban ngành chức năng cần quyết liệt, mạnh tay hơn nữa trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn vệ sinh đối với các loại thực phẩm hiện đang bày bán công khai trước cổng trường, nhà trường và gia đình cần tăng cường giáo dục ý thức cho con trẻ biết tránh xa mầm bệnh từ những cái bánh, gói kẹo,… tiềm ẩn nhiều rủi ro ấy.​​

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận