02:00 10/02/2024

Bí quyết nuôi dạy con mang 2 quốc tịch của nữ Giám đốc trung tâm tiếng Anh 

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Chị Nguyễn Hồng Trang tâm sự, trong cuộc sống, gia đình chị luôn thể hiện sự ấm áp, quan tâm bởi: “Những đứa trẻ được cha mẹ yêu thương và trấn an thường có xu hướng nhìn vào cha mẹ để trẻ học cách xây dựng các mối quan hệ trong tương lai”.

Dạy con hướng về cội nguồn

Chị Nguyễn Hồng Trang hiện đang là Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn giáo dục và đào tạo Duy An, Trung tâm Anh ngữ Seti Classes. Trung tâm của chị thành lập từ năm 2014, đến nay đã bước sang năm thứ 10 hoạt động tại Việt Nam. 

Chị từng là du học sinh ở Anh, vô tình gặp và quen chồng khi tham gia buổi giao lưu sinh viên các trường tại Cambridge. Sau khi tốt nghiệp, vợ chồng chị quyết định về Việt Nam vì nhận thấy nhiều cơ hội phát triển ở quê nhà. Hiện tại, vợ chồng chị có 2 con lai Anh - Việt. Bé lớn đang học ở một trường quốc tế theo hệ thống giáo dục Anh, bé nhỏ đang đi học mẫu giáo. 

z5042954652507_66efc7d5cfaf14420c9eb73a0be054d2
Chị Nguyễn Hồng Trang bên gia đình nhỏ.

Gia đình chị có truyền thống công tác trong ngành giáo dục, nên rất chú trọng cách nuôi dạy con. Theo chị, việc định hướng con cân bằng 2 ngôn ngữ Anh - Việt quan trọng nhưng để con hiểu sâu sắc văn hoá cùng một lúc là thử thách lớn. 

“Ngôn ngữ là đại diện của một nền văn hoá, giúp hình thành lối tư duy, giải quyết vấn đề, lý luận, nhân văn. Để những đứa trẻ có thể thấm nhuần 2 ngôn ngữ, gia đình tôi đặt ra nguyên tắc, bố sử dụng tiếng Anh còn mẹ sử dụng tiếng Việt, các con hỏi bằng tiếng gì, bố mẹ trả lời bằng tiếng đó. Ngoài ra, việc đọc sách tiếng Anh, tiếng Việt cho con hàng ngày trước khi đi ngủ được vợ chồng tôi thực hiện đều đặn”, chị bộc bạch.

Thỉnh thoảng gia đình chị sẽ cho con về Anh thăm ông bà nội, kết nối với người thân, họ hàng để nhắc nhở con luôn ghi nhớ cội nguồn. Bên cạnh tình yêu Tết Việt, các bạn nhỏ được ăn mừng những ngày lễ đặc biệt, thưởng thức các món ăn truyền thống của xứ sở sương mù,... Chị quan niệm, các con cần hiểu biết sâu sắc ngôn ngữ, văn hóa của mình. Dù đi đâu cũng nhớ về bản sắc dân tộc.

Hãy để con học cách tự lập, mạnh mẽ từ nhỏ

Chị Trang cho rằng, giáo dục tốt là việc đưa các bài học vào những việc làm nhỏ nhặt hàng ngày và biến chúng trở thành kỹ năng cuộc sống. Vì vậy, gia đình chị luôn tuân thủ nguyên tắc giáo dục: Ấm áp, nhất quán, tự chủ. 

Chị diễn giải, trong cuộc sống, gia đình chị luôn thể hiện sự ấm áp, quan tâm đến trẻ trong từng hành động. Bởi: “Những đứa trẻ được cha mẹ yêu thương và trấn an thường có xu hướng nhìn vào cha mẹ để trẻ học cách xây dựng các mối quan hệ trong tương lai”.

Bên cạnh đó, vợ chồng chị luôn thống nhất trong phương pháp nuôi dạy con. Trước những sai lầm của con, nhiều phụ huynh luôn trong tiềm thức đổ lỗi, mắng mỏ. Theo chị, điều này sẽ chỉ làm tăng gánh nặng tâm lý. Cha mẹ cần biết cách bao dung, chấp nhận lỗi lầm của con, định hướng con theo con đường đúng đắn, chỉ ra những hậu quả nếu con làm sai, không được la mắng trước khi giải thích.

Đứa trẻ nào cũng sẽ có lúc bướng bỉnh, nổi loạn. Mỗi lúc như vậy, gia đình chị thống nhất phải bình tĩnh đối thoại trực tiếp với các con, ôn nhu nhưng cương quyết, từ từ giải thích vì sao không được làm và kết thúc luôn sự việc ngay tại đó, không nhắc lại để chì chiết con.

Đối với bé nhỏ hơn đang ở độ tuổi khủng hoảng lên 3, chị không gò bó, ép buộc mà thường sử dụng phương pháp đặt câu hỏi như: “Giữa 2 sự lựa chọn A và B, con muốn chọn cái nào?”. Lúc này, bạn nhỏ sẽ có thời gian tự suy nghĩ và đưa ra lựa chọn.

z5042955782612_162f13153820e0bc2eb7d31bfd5adee9
"Tôi mong các con có cuộc sống hạnh phúc, lớn lên là người tốt, có ích, biết cách khám phá chân trời kiến thức mới”, chị bộc bạch.

Ngoài ra, chị thường tạo điều kiện để con tự chủ làm một số việc, không ỷ lại vào bố mẹ. Chị chia sẻ, 2 bé đều ngủ riêng từ khi mới sinh, 6 tháng tập ăn thô, ăn tự chỉ huy (trẻ tự xúc ăn). Bên cạnh đó, chị cũng cho các bé làm quen với việc nhà theo độ tuổi từ sớm. Ví dụ, bé nhỏ dọn dẹp góc chơi sau khi chơi xong, bé lớn rửa bát, dọn dẹp đồ chơi của em. Đặc biệt, chị thường yêu cầu bạn lớn trông em để hai anh em tập thói quen chăm sóc nhau. Áp dụng nguyên tắc này một thời gian, chị nhận thấy những đứa trẻ trong nhà đã dần tự lập, có trách nhiệm.

“Vào những ngày cuối tuần, tôi luôn dành thời gian nghỉ ngơi, gắn kết bên gia đình. Cả nhà sẽ đi bộ hoặc những đứa trẻ tự đưa ra quyết định việc muốn làm, tham gia các hoạt động thể chất yêu thích. Nhờ vậy, những đứa trẻ lớn lên sẽ độc lập, tin tưởng vào bản thân hơn”, nữ Giám đốc tâm sự.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận